– Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi tại Cục Y tế dự phòng.

TIN LIÊN QUAN:


Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm H5N1 trong những ngày vừa qua, chiều ngày 7/2, Bộ Y tế tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế. Cuộc họp do PGS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì.

Tại cuộc họp này, ông Long nhận định: “Dịch cúm gia cầm H5N1 đã quay trở lại Việt Nam”. Sau gần 2 năm không xuất hiện ca bệnh mới, hiện nay Việt Nam vừa ghi nhận ca 2 ca mắc cúm H5N1 và tỷ lệ tử vong lên đến 100%.

“Chủ quan”

Theo báo cáo giám sát của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố thì từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm A/H5N1 và cả 2 trường hợp đều đã tử vong tại Kiên Giang và Sóc Trăng.

Trong đó, ca tử vong tại Kiên Giang là một thanh niên 18 tuổi, làm nghề nuôi vịt thuê tại xã Thạnh Thắng và xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ. Còn bệnh nhân tử vong tại Sóc Trăng có tiền sử giết gà bị ốm trong vòng 2 tuần trước khi khởi bệnh.

Tại buổi họp này, các chuyên gia đều cho rằng sau một thời gian dài không ghi nhận ca mắc cúm nào, nên dường như cả người dân và cán bộ ngành y tế đều chủ quan. 
 

 
Các chuyên gia y tế cho rằng sau một thời gian dài không ghi nhận ca mắc cúm H5N1 nào nên dường như cả người dân và cán bộ ngành y tế đều chủ quan (Ảnh minh họa: Internet)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh các nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết: Từ khi khởi phát bệnh đến khi vào bệnh viện, 2 bệnh nhân trên không được điều trị ngay bằng thuốc Tamiflu mà chỉ đến khi bệnh nặng mới cho dùng thuốc, như thế thì đã muộn. Trong khi đó, trong 3 ngày đầu phát hiện sớm bệnh, nếu tăng gấp đôi liều thuốc thì nguy cơ tử vong giảm đi nhiều.

Vì thế, ông Kính khuyến cáo: “Nếu nghi ngờ cúm thì nên sử dụng Tamiflu ngay. Chúng ta không thiếu thuốc, vấn đề là phải phát hiện sớm, tránh nguy cơ tử vong”.

Theo ông Kính thì hiện nay nên tổ chức tập huấn lại để nhắc cán bộ y tế về việc chẩn đoán và điều trị sớm cúm H5N1 vì sau gần 2 năm dịch không trở lại.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đồng tình với quan điểm này và cho biết: Trong 2 ca tử vong trên, từ khi khởi phát bệnh đến khi được điều trị theo phác đồ cúm H5N1 mất đến 4 ngày, 5-6 ngày sau thì nạn nhân đã tử vong. Chưa kể bệnh diễn biến khá nhanh, có người lại là thai phụ.

“Trong thời gian khá dài không có ca mắc nào vì thế có thể cán bộ y tế chưa nghĩ ngay đến cúm H5N1 khi có ca bệnh. Người dân cần lưu ý, khi có biểu hiện cúm lại có tiếp xúc với gia cầm thì nên đến bệnh viện ngay”, ông Khoa nhấn mạnh.

“Nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn”

Về tình dịch dịch cúm trên gia cầm: Theo Thông báo của Cục Thú Y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước còn 3 tỉnh là: Thanh Hóa, Quảng Trị và Sóc Trăng có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Theo nhận định của Cục Thú y thì hiện nay, dịch cúm trên gia cầm tiếp tục diễn ra rải rác tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước và có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm tại nhiều địa phương. Nguy cơ lây truyền vi rút cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người là rất lớn tại các địa phương có dịch cúm trên gia cầm.

Tính tới thời điểm này, so với cùng kỳ năm 2011 (không ghi nhận trường hợp mắc) thì số mắc và tử vong tăng 2 trường hợp. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 121 trường hợp mắc cúm A (H5N1) tại 40 tỉnh thành phố, trong đó đã có 61 trường hợp tử vong tại 30 địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Người dân không nên ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa nấu chín, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc chết”.

Ngoài ra đã có hiện tượng chủng virus cúm trên gia cầm biến đổi, kháng vắc xin nên có nguy cơ gây dịch bùng nổ trên đàn gia cầm. Chưa kể, virus này còn tồn tại cả trên các đàn thuỷ cầm nhưng lại không biểu hiện bệnh. Điều này làm cho việc kiểm soát bệnh gặp khó khăn.

Bộ Y tế cũng giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tăng cường triển khai các hoạt động giám sát cúm trọng điểm quốc gia; phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sự lưu hành và biến đổi của vi rút cúm A/H5N1 trên gia cầm, trên người để chủ động phòng chống.

"Dịch cúm gia cầm có thể bùng phát trên diện rộng"

Ngày 6/2, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có công điện gửi UBND các tỉnh thành phố, các bộ ngành đề nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống cúm gia cầm.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2012 đến nay cúm H5N1 trên gia cầm đã xuất hiện trở lại tại Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng. Ngoài ra Thái Nguyên, Bạc Liêu, Hà Nội, Nghệ An, Kiên Giang đã có gia cầm chết nghi do cúm gia cầm H5N1. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định sẽ có một đợt dịch cúm H5N1 mới bùng phát trên phạm vi rộng.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ thì chiều 6/2, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết ông Nguyễn Hữu Định - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh - vừa ra quyết định kỷ luật, tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Văn Thu - trưởng trạm thú y huyện Triệu Sơn - do lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống cúm gia cầm.

Được biết, cúm gia cầm xuất hiện tại huyện Triệu Sơn từ ngày 19-1. Do sự chủ quan của ngành thú y và chính quyền địa phương nên sau tết, cúm gia cầm đã lan nhanh tại hai thôn Đô Xá và Phúc Hải của xã Dân Lực làm hơn 2.000 con vịt, gà nhiễm bệnh phải tiêu hủy.


Cẩm Quyên