- Có những "hối lộ" lợi ích phi vật chất cũng phải bị truy xét, tòa án xét xử tham nhũng vẫn còn khiêm tốn... là những vấn đề được lưu ý trong góp ý sửa đổi bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự.

Những vấn đề được đưa ra tại hội thảo hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng do Ban Nội chính TƯ và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tổ chức hôm nay tại Hà Nội. 

Án treo, cải tạo không giam giữ cao

Theo báo cáo của Nhóm chuyên gia trong nước dẫn các báo cáo tổng kết của Ban Nội chính TƯ, UB Tư pháp QH và Chính phủ, hoạt động xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng ở Vcó kết quả tương đối khiêm tốn.

{keywords}
Ảnh: UNDP

Về điều tra là khó xác định tội phạm vì tính phức tạp, kín đáo, sự thiếu tích cực và thiếu hợp tác của nhân chứng, điều tra viên chưa đủ kiến thức sâu về chuyên môn trong lĩnh vực có liên quan, công tác điều tra thường mất nhiều thời gian, bị cắt khúc do nhiều cơ quan có chức năng khác nhau thực hiện, trong khi các cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu giữ, kê biên tài sản nên có tình trạng đối tượng tẩu tán tài sản tham nhũng.

Đóng vai trò rất quan trọng trong xử lý tội phạm tham nhũng nhưng viện kiểm sát hoạt động chưa thực sự tương xứng với vai trò và kỳ vọng về một hệ thống độc lập trong bộ máy cơ quan nhà nước.

Tòa án nhân dân cũng chỉ mới xét xử các vụ án tham nhũng ở mức  khiêm tốn so với thực tiễn tình hình các tội phạm này, ví dụ năm 2014 đã xét xử 280 vụ với 692 bị cáo. 

Một số vụ án tham nhũng lớn còn để kéo dài, quá thời hạn luật định, tình trạng cho bị cáo hưởng mức hình phạt thấp hơn khung hình phạt truy tố và việc áp dụng nhiều lần các tình tiết giảm nhẹ để cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ còn chiếm tỷ lệ cao.

Tính độc lập, năng lực cán bộ và nguồn lực chính là những thách thức đối với hệ thống cơ quan phòng chống tham nhũng của VN, nhận định của báo cáo cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng và Ban Nội chính TƯ. 

Dù mới tiếp nhận công tác chỉ đạo hoạt động phòng chống tham nhũng từ cơ quan của Chính phủ nhưng các cơ quan Đảng đã thực sự có những động thái cho thấy sự nỗ lực trong vai trò mới.

Đưa hối lộ bị phạt tiền

Qua phân tích trên, Nhóm chuyên gia trong nước đưa ra một số kiến nghị đáng chú ý như: Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi có bản chất là "tham nhũng" là tội phạm như vi phạm quy định về kê khai tài sản, làm giàu bất chính, tham nhũng trong khu vực tư, hối lộ công chức nước ngoài; mở rộng nội hàm “của hối lộ” sang những lợi ích phi vật chất.

Cũng nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội đưa hối lộ. Đặc biệt, nên thêm hình phạt tiền là hình phạt chính trong các khung hình phạt cơ bản dành cho các tội phạm đó.

Bộ luật Tố tụng hình sự cần bổ sung những quy định đảm bảo ngăn chặn các hành vi cản trở hoạt động tư pháp trong điều tra và xử lý tham nhũng.

Đặc biệt là quy định cơ chế bảo vệ cần thiết đối với người tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng và những quy định về thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

"Trên cơ sở tính đặc thù của tội phạm về tham nhũng là loại tội thường được thực hiện một cách tinh vi… nên khả năng tìm chứng cứ để xử lý tội phạm rất thấp. 

Vì vậy việc khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hoặc người làm chứng là nhiệm vụ cực kì quan trọng trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng", báo cáo nhấn mạnh.

Nhóm chuyên gia cũng cho rằng nên tăng cường thẩm quyền, năng lực cũng như nguồn lực cho các hoạt động chuyên biệt về điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng.

"Đối với những vụ án về tham nhũng nghiêm trọng, nhạy cảm và phức tạp, liên quan đến nhiều người có chức vụ, quyền hạn cao, cần phải tăng cường khả năng điều tra và truy tố và tăng thêm các kĩ thuật chuyên biệt, năng lực và thẩm quyền", báo cáo cũng nhấn mạnh việc củng cố tính độc lập và khách quan của các cơ quan này.

Báo cáo lưu ý đến việc "ngăn ngừa lạm quyền" trong lĩnh vực này. Việc theo dõi, giám sát hoạt động và tiếp nhận trách nhiệm giải trình của các cơ quan phòng chống tham nhũng nên chính thức thuộc về QH để khuyến khích, duy trì lập trường "tránh không can thiệp" vào quá trình điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng.

Chung Hoàng