- Quá trình chữa trị cho cụ rùa Hồ Gươm có nhiều chuyện chưa từng được tiết lộ.
Vì sao lần thứ nhất “bắt hụt” cụ rùa?
Ngày 8/3/2011 - cuộc “lai dắt” lần thứ nhất không thành.
"Hôm đó, tôi đang trên Đền Hùng thì nhận được tin báo. Tôi rất ngạc nhiên vì ban chỉ đạo chưa thông qua kế hoạch này. Tôi vội về Hà Nội thì thấy dân chúng vây kín đường Lê Thái Tổ, trèo lên cả ngọn cây đứng xem.
Hóa ra hôm đó, anh em mang lưới “đặc chủng” đi diễn tập. Trong lúc diễn tập, một công nhân nhìn thấy cụ rùa nổi lên, thế là khép lưới lai dắt luôn. 6-7 tiếng đồng hồ sau thì cụ rùa lao mạnh một cú rách toạc hai lớp lưới để ra ngoài" - ông Đức nhớ lại.
PGS Hà Đình Đức kể chuyện những lần chữa trị cụ rùa Hồ Gươm |
Ông Đức nhận định: việc lai dắt lần thứ nhất không thành là một điều may mắn.
“Thứ nhất là cho thấy lai dắt cụ không phải dễ dàng. Trước đó, nhiều người nói biết đích xác cụ ở đó rồi, việc bắt cụ đưa lên bờ dễ như thò vào túi lấy đồ ra.
Thứ hai, vì không có kế hoạch nên công tác tổ chức, giữ an ninh trật tự chưa được triển khai. Nếu như bắt được “cụ” thật, dân chúng tò mò sẽ diễn ra cảnh xô đẩy, chen lấn nhau. Mà hậu quả của hội chứng đám đông thì chẳng ai lường trước được" - PSG Hà Đình Đức phân tích.
Chuẩn bị lai dắt cụ rùa Hồ Gươm |
Ngày 3/4, lần lai dắt lần thứ hai diễn ra rất nhẹ nhàng, êm đẹp. Ông Đức cho biết trong quá trình chữa trị, "cụ" rất hiền lành, không có hành vi phản kháng, chống đối. Nhưng, chỉ một hành động thô bạo như dùng sức hất đầu cụ về hướng khác, cụ không bao giờ chịu. Nếu khéo léo dùng hai tay đỡ hai bên mai phía sau của cụ, sau đó “lái” cụ đi, lại rất thuận lợi dễ dàng.
Chuyện chưa từng kể
Ngày 03/4/2011 bắt đầu chữa trị cho cụ rùa Hồ Gươm. Khi đó đã từng có phương án đưa cụ về hồ Đồng Mô nhưng do điều kiện tự nhiên của Hồ Gươm vốn đã quen thuộc nhiều năm qua nên cuối cùng Hà Nội quyết định “trị bệnh” cho “cụ” tại nơi cụ sinh sống.
Trong nhiều phần việc chuẩn bị cho việc quan trọng này, GS Hà Đình Đức đề nghị cải tạo khu vực chân Tháp Rùa, vừa thuận lợi cho việc chữa trị, vừa cải tạo lại địa hình để cụ rùa sau này thuận tiện hơn trong việc di chuyển lên “tắm nắng”.
Quá trình chữa trị cho cụ rùa Hồ Gươm có nhiều chuyện chưa được tiết lộ |
Lưới thép B40 được chăng xung quanh chân Tháp Rùa thành một vòng tròn. 3.000 bao tải cát đã được đưa xuống để tạo thành bờ kè kiên cố. “Bể thông minh” được “hạ thủy” sau khi những phần việc này đã hoàn tất. Hiện tại, “bể thông minh” này vẫn được neo giữ phía sau đền Ngọc Sơn, dưới những lùm cây si cổ thụ.
Vị trí những rễ si cổ thụ khổng lồ đan chồng chéo dưới mặt nước, tựa như một “chiếc bẫy”, chính là nơi hơn chục năm trước, “cụ rùa” đã từng bị mắc kẹt.
Một cán bộ công tác tại Đền Ngọc Sơn kể: Khi cụ rùa mắc kẹt vào đám rễ si, BQL đền Ngọc Sơn đã cử bốn người to, khỏe xuống để “giúp” cụ thoát khỏi những mắc mớ này. Tuy nhiên, khi vừa tiếp cận thì “cụ rùa” đã phóng mạnh khiến đám rễ cây bị bung lên và cả bốn người bị ngã nhào xuống nước. Điều đó chứng tỏ cụ rùa rất khỏe.
Trở lại câu chuyện của PGS Hà Đình Đức: công tác chữa trị cho cụ rùa Hồ Gươm kéo dài đến đầu tháng 7/2011. Ngày 12/7/2011, Hà Nội chính thức cho cụ rùa “xuất viện”, tuy nhiên tiến hành “bí mật”, không ai biết.
“Việc thả cụ về hồ rất thuận lợi. Không ai bảo ai, chúng tôi ai cũng thấy trong lòng hân hoan, nhẹ nhõm và xúc động” - PGS Hà Đình Đức nhớ lại.
Liệu có ‘hậu duệ’ cụ rùa Hồ Gươm?
Khi được hỏi về chuyện cụ rùa Hồ Gươm qua đời, ông Đức yên lặng một hồi rồi chậm rãi: “Hình ảnh cụ rùa đã gắn bó trong tiềm thức của người dân Thủ đô. Cụ rùa chết, đó là quy luật tạo hóa, đương nhiên thấy trống trải hơn. Nhưng, mình cứ tin một điều, cái gì đến ắt sẽ đến. Ai dám khẳng định sẽ có một “hậu duệ” của rùa hồ Gươm đang sống dưới đó?”.
Khi được hỏi: “Cơ quan nào được giao nhiệm vụ “nuôi” cụ rùa Hồ Gươm?”. PGS Hà Đình Đức chân thật: “Từ trước đến giờ, theo tôi được biết thì không chính thức giao cho đơn vị nào cả. Sau khi trị bệnh cho cụ rùa xong, Hà Nội có giao cho Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) nhiệm vụ thả cá xuống hồ Gươm để làm thức ăn cho cụ.
Tuy nhiên, với diện tích hồ khoảng 12ha, dài 700m, rộng 200m, đây đã là môi trường tuyệt vời rồi. Bao nhiêu năm qua, theo bản năng sinh tồn, cụ vẫn tự kiếm thức ăn được cho mình. Tảo, thủy sinh và cá trong hồ Gươm rất nhiều, chúng ta không lo thiếu thức ăn cho cụ” – ông Đức giải thích.
Đức Hạnh