- Kỳ nghỉ hè năm 1967, nhà tôi được tiếp một vị khách đặc biệt mà sau này tôi mới biết đó là ông Nguyễn Chí Thanh.

Làng Phương Khê (Triệu Sơn, Thanh Hóa) dạo đó là Binh trạm 8 của tuyến đường dây chuyển quân vào Nam chiến đấu. Máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc vô cùng ác liệt, vì vậy đoàn quân vào Nam chỉ đi vào ban đêm, ban ngày các anh nghỉ ngơi. Mỗi binh trạm chỉ cách nhau khoảng 20km nên các anh hành quân khoảng 10-11 giờ đêm đã đến binh trạm mới.

Chiến trường rộng lớn, dòng quân đi như thác đổ. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình quê ngày ấy đều đón các anh bộ đội. Họ ở với dân làng một ngày đến chiều tối lại bắt đầu hành quân. Có những hôm trời mưa như trút nhưng các anh vẫn phải ra đi với nặng trĩu ba lô súng ống, nhìn các anh mà dân làng hai dòng lệ chảy dài.

Tuy nhiên hôm ấy là một đoàn hoàn toàn khác, đoàn đi ngược từ miền Nam ra. Họ không phải hành quân đi bộ mà đi bằng xe. Gần sáng thì dừng lại ở làng.

{keywords}
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trước khi đoàn đến, bác Thiệp lúc đó là Binh trạm trưởng cùng cán bộ địa phương đến "kiểm tra" nhà tôi. Gia đình tôi cũng không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi có được nghe mấy ông cán bộ địa phương nói đây là gia đình cách mạng, có nhiều người đi bộ đội, ông già đi công tác chỉ có 3 mẹ con ở nhà nên rất yên tâm. Ông Thiệp cùng cán bộ địa phương còn đi thăm thú khắp nơi, từ hầm trú ẩn, giường nằm, nhà anh ruột tôi cạnh đó cũng được “kiểm tra”. Đến tối có một đoàn về ở nhà tôi, trong đó có cả một “ông cụ”.

Mùa hè nên tôi được nghỉ chỉ quanh quẩn ở nhà, nên các hoạt động của đoàn tôi đều biết.

Hôm đó trời khá nóng. "Ông cụ" và hai người cần vụ có tên là Minh và Quyết ở nhà tôi, còn lại khoảng hơn chục người ở nhà anh trai tôi. Ông mặc bộ đồ bà ba đen, dáng người nhỏ và gầy. Tôi đoán ông khoảng gần 60. Sau này được biết ông chỉ mới 53 tuổi nhưng ở trong chiến trường nên khắc khổ. Trời nóng nên ông dùng quạt bằng tay nhưng vẫn “diện” nguyên bộ bà bà đen.

Những anh bộ đội ở nhà anh trai tôi chủ yếu là những người bảo vệ và phục vụ thông tin liên lạc. Mới sáng ra đã thấy các anh chăng dây ăng ten cao ngất. Sau này tôi mới biết đó là máy thông tin 15w. Các anh che một gian bằng những tấm ny lon thành một nơi kín đặt máy. Hai người thay nhau quay mô tơ phát điện mỗi khi liên lạc. Các anh dịch thông sau đó mang điện lên báo cáo ông cụ.

Từ lúc đến nhà tôi cho đến khi ăn, “ông cụ” không đi đâu cả, chỉ ở trong phòng riêng. Tôi thấy cụ đọc tin đọc điện do anh em mang tới rất chăm chú. Hai anh Quyết, Minh thì không rời cụ nửa bước.

Anh Quyết và anh Minh rất vui tính. Tôi cũng không biết họ hai anh và quê ở đâu nhưng là người vùng ngoài như Hà Nam, Nam Định, hay Thái Bình gì đó. Bây giờ còn sống các anh cũng đã ngoài 70. Và khi đọc được những dòng viết này chắc các anh sẽ nhớ lại cái cậu bé nghịch ngợm ở vùng quê ngày ấy.

Dạo đó cái gì cũng khó nên bọn học sinh chúng tôi tự đóng sách, tự kiếm bìa để bọc. Ngay cả đến kim chỉ đóng sách cũng không có. Tôi phải nhặt cả những hòn pin cũ mà các anh thải ra, sau đó đập lấy chỉ trong pin để đóng sách. Anh Minh và Quyết còn giúp tôi đóng sách cứ khen nhỏ thế mà đã học lớp 6.

Cơm trưa của “cụ” hai anh Quyết và Minh trực tiếp nấu, còn lại các anh được Binh trạm phục vụ. Mà cũng lạ, chính Binh trạm trưởng dẫn người của trạm đưa cơm đến. Thật ra lúc đó còn nhỏ và chuyện ai làm gì, tôi cũng không quan tâm. Sau này lớn lên nghe lãnh đạo nói ông đó to lắm, tên là Thanh tôi cũng chỉ biết vậy.

Cho đến bây giờ khi đọc lại cuộc đời của ông tôi mới biết dạo đó ông được Bác Hồ và Bộ Chính trị gọi ra miền Bắc để báo cáo tình hình miền Nam. Ông là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Câu nói nổi tiếng của ông “Nắm thắt lưng địch mà đánh” trở thành câu nói bất hủ, là phương châm chiến lược đánh Mỹ. Chính vì vậy từ những trận đầu như Núi Thành, Vạn Tường chúng ta đã không sợ Mỹ mà đã đánh thắng tạo nên thế và lực mới của cách mạng.

Đó cũng là lần mà ông đi ra và không trở lại chiến trường nữa. Hôm chuẩn bị trở lại ông gặp Bác Hồ, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tối hôm đó ông đã bị nhồi máu cơ tim...

Sự ra đi đột ngột của ông đã làm cho quân đội và nhân dân ngỡ ngàng. Nhà thơ Tố Hữu có bài thơ viết về ông rất cảm động, trong đó có đoạn ”Tưởng lại đưa Anh ra chiến trường/ Đường về, vó ngựa thắng dây cương/ Ngày mai… Ai biết chiều nay phải/ Vĩnh biệt Anh nằm dưới gốc dương!”.

Nguyễn Đăng Tấn