- Chiến đấu gan dạ, kiên cường, sẵn sàng quên cả tính mạng để bảo vệ đồng đội bị thương, Thiếu tá Lý Trung Phẩm (Sư đoàn 338, mặt trận Đình Lập) đã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trận chiến khốc liệt ở Bản Chắt
Bản Chắt, xã Bính Xá (huyện Đình Lập, Lạng Sơn) là một trong những địa danh khốc liệt trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. Trọng trách bảo vệ 20km đường biên giới thuộc khu vực này được giao cho Sư đoàn 338.
Ngày 17/2/1979, chiến tranh bảo vệ tổ quốc diễn ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Hướng Cao Bằng, đối phương sử dụng Quân đoàn 41, 42. Hướng Lạng Sơn chúng dùng Quân đoàn 54, 55 và 43.
AHLLVT Lý Trung Phẩm |
Sư đoàn 338 đã tổ chức tiến công tiêu diệt địch trong gần một tháng không ngừng nghỉ từ ngày 17/2-13/3/1979. Chủ lực của đợt tiến công này được giao cho Trung đoàn 460, đơn vị của anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lý Trung Phẩm sau này.
4h sáng 18/2/1979, từ hướng Bắc Xa, lực lượng dân binh đối phương đã lấn chiếm điểm cao 889. Hướng bản Chắt, đối phương dùng pháo cối nã từ bên kia biên giới vào khu vực mốc 54, đồn tiền tiêu của ta. Hướng Nà Căng, bản Thín đối phương tiến công đánh chiếm các điểm cao 467, 549 và Nà Khan, Khải Lài (vị trí phòng ngự của Tiểu đoàn 9 Lộc Bình). Hướng Chi Ma, lực lượng đi đầu đối phương đánh chiếm điểm cao 424, Nà Phát và cho pháo binh bắn chuẩn bị vào khu vực Long Đầu, điểm cao 427…
Trước tình hình đó, Sư đoàn 338 lệnh cho Trung đoàn 460 tại hướng bản Chắt nâng lên mức báo động cấp 1, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Hướng Nà Căng, bản Thín do Trung đoàn 461 chiến đấu bảo vệ điểm cao 476; hướng Chi Ma - Lộc Bình, Tiểu đoàn 9 sau một ngày chiến đấu đã tập kết về bản Chu; hướng Chi Ma, Trung đoàn 123 đang tác chiến. Các lực lượng khác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn nhanh chóng được triển khai để chỉ huy mặt trận.
Trong các đơn vị chiến đấu, Trung đoàn 460 được xác định là là lực lượng chủ lực.
Binh nhất Lý Trung Phẩm biên chế trong Trung đoàn này.
Sau 24 ngày ngoan cường chiến đấu, Sư đoàn 338 đã chỉ huy các đơn vị tổ chức đánh địch 21 trận liên tục, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, phá hủy vũ khí, phương tiện, hỏa lực của đối phương, giữ vững mặt trận Đình Lập và một phần huyện Lộc Bình.
Những trận chiến ác liệt nhất như trận chiến tại điểm cao 538, 540 của Đại đội 10, Tiểu đội 3, Trung đoàn 460 có thời điểm một ngày cả chục trận đánh, loại khỏi vòng chiến 900 địch.
Quên mình vì đồng đội
Sinh năm 1955, ông Phẩm là con thứ 3 trong một gia đình Sán Chỉ có 4 anh em tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang).
Đôi mắt tinh anh, sự nhanh nhẹn, vững chắc của người lính cụ Hồ vẫn thường trực nơi người AHLLVT Lý Trung Phẩm, dù ông đã ngoài 60.
Ông Phẩm và cuốn Lịch sử Đoàn 338 (Sư đoàn 338) - đơn vị của ông đã anh dũng chiến đấu trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979 |
Tháng 10/1978, ông nhập ngũ, biên chế C10, D3, E460, F338, Quân khu 1 đóng tại huyện Đình Lập.
Thời điểm đó, địch đang tấn công mạnh ở thị xã Lạng Sơn và mỏ than Na Dương nhằm phá hoại nền kinh tế trọng yếu của ta, Trung đoàn 460 được lệnh đánh thọc sâu vào chốt phòng ngự của địch ở khu vực Đình Lập để phân tán lực lượng địch. Trong vòng 2 ngày 3 đêm từ 17-19/2, đơn vị của ông đã chọc sâu hơn 10km sang bên kia biên giới, chiếm toàn bộ các chốt giữ của địch khiến địch phải rút lực lượng từ trận địa Lạng Sơn, Na Dương về lại Đình Lập để đối phó. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ được Sư đoàn đề ra cho Đại đội 10.
“Sau khi chủ động đánh thọc sâu hơn 10km sang bên kia, chiếm giữ toàn bộ các chốt giữ của địch, ngày 26/2 quân ta rút toàn bộ lực lượng ra thì ngày 1/3 địch tổ chức tấn công trở lại, chiếm được mấy chốt trên cao của ta trên khu vực bản Chắt.
Gần 100 người chiến đấu còn lại mấy chục người”, ông Phẩm nhớ lại.
Sau một đêm vừa chiến đấu vừa đào hào, công sự… thì gặp hỏa lực mạnh của địch, trung đội của ông Phẩm phải rút.
“Tôi lên thẳng cao điểm 538 của Trung đội 4 (ông Phẩm thuộc Trung đội 6) và ở lại đó chiến đấu cùng anh em. Sáng hôm sau, chiến đấu đẩy lùi được 4 đợt tấn công của địch, tiêu diệt gần 200 địch và bảo vệ được 2 thương binh ra ngoài.
Cuối ngày 2/3, Trung đội 4 có 6/9 người hy sinh. Anh Kính (quê Việt Yên) bị thương ruột lòi ra ngoài. Tôi lấy bát ăn cơm chụp lên, cởi áo buộc chặt lại. Anh Hảo (quê Lục Ngạn) bị gãy tay. Địch vẫn liên tiếp nã hỏa lực vào điểm cao 538”. Hai thương binh vẫn tiếp tục tiếp đạn cho ông Phẩm chiến đấu.
Trong trận chiến đấu đó, ông Phẩm đã tiêu diệt được 76 trong tổng số 200 địch. Đến khi hết đạn, ông cùng đồng đội tìm cách thoát khỏi hào.
“Tôi lấy áo của địch mặc vào để ngụy trang rồi ôm cứng anh Kính, lăn xuống đồi. Anh Hải cũng tìm đường xuống dưới chân đồi. Đến chân đồi, tôi ngất lịm. Khi tỉnh dậy thì anh Hảo đã về được Trung đội gọi người đến cứu. Trước đó, anh Kính còn kịp bảo tôi cởi bỏ quần áo ngụy trang…”, ông Phẩm nhớ lại.
Sớm hôm sau ông Phẩm tiếp tục xin đi chiến đấu cùng Trung đội 6 thêm một ngày nữa, dù Trung đội trưởng bắt quay về hậu cứ để điều trị vết thương…
Tấm gương chiến đấu ngoan cường, anh dũng của binh nhất Lý Trung Phẩm đã được đơn vị biểu dương.
Ngày 20/12/1979, Chủ tịch nước CHXHCNVN tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Lý Trung Phẩm.
Vợ chồng ông Phẩm |
Sau khi được phong tặng AHLLVT, ông được đi báo cáo thành tích ở nhiều đơn vị, nói chuyện với các đoàn viên thanh niên ở các tỉnh thành… Một lần về nói chuyện với đoàn viên thanh niên của tỉnh Hà Bắc, ông gặp nữ bí thư huyện đoàn Thuận Thành.
“'Anh Bí thư tỉnh Đoàn bảo tôi, có thanh niên tuổi mới 25 mà đã là anh hùng, sắp về nói chuyện với đoàn viên. Cô xem có khi nên duyên…'. Khi đó, tôi vừa tò mò, vừa háo hức muốn được gặp để “xem người anh hùng ấy như thế nào. Ai ngờ, duyên số trời se cho tôi đến với ông ấy”, bà Đỗ Thị Kim Sen - vợ ông Phẩm - không giấu nổi hạnh phúc.
Năm 1981, lễ cưới của anh hùng trẻ tuổi và cô gái quan họ được tổ chức đầm ấm, giản dị.
Cưới vợ xong, ông quay về đơn vị tiếp tục công tác ở Sư đoàn 338. Năm 1990, ông chuyển công tác về Huyện đội Thuận Thành (Bắc Ninh), gần nhà. Năm 1991, cô con gái thứ 2 ra đời. Cậu con trai cả của ông bà sinh năm 1983 theo nghiệp cha, hiện đang công tác ở Tỉnh đội Bắc Ninh.
Năm 1999, Thiếu tá Lý Trung Phẩm nhận sổ hưu sau gần 30 năm gắn bó với binh nghiệp.
“Tôi vẫn nhớ cây đa cổ thụ ở bên bờ suối. Trên một chút, ở mé đồi có cây gạo cổ thụ, con suối bản Chắt róc rách đêm ngày. Mỗi lần hành quân qua, nhìn những hình ảnh ấy lại thấy như đang sống giữa quê hương mình”, ông Phẩm tâm sự.
Thái Bình