- Ba năm trôi qua, nông dân vẫn mòn mỏi trông ngóng lời hứa xây “trạm bơm điện, kho chứa gạo hiện đại 4 triệu tấn”. Có nhiều chính sách cho vay ưu đãi nhưng nông dân đành ngậm ngùi, không tiếp cận nổi.

Đó là những câu chuyện “tưởng nhỏ mà hóa lớn” được nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ hôm 5/6 khi đánh giá về chính sách đầu tư công cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đầu voi đuôi chuột

Tình trạng ban hành chính sách, triển khai dự án công kiểu đầu voi đuôi chuột bị ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, tỉnh Kiên Giang chỉ trích nặng nề. Bà kể: “Năm 2009, Thủ tướng đã có quyết định 1446 phê duyệt chủ trương xây dựng trạm bơm điện cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân rất phấn khởi. Thế nhưng đến nay bóng dáng trạm bơm vẫn còn quá vắng vẻ, họ lại mòn mỏi chờ đợi”.

Câu chuyện thứ hai được vị ĐB này dẫn chứng tiếp, đó là sự lỗi hẹn của dự án xây dựng kho dự trữ lúa, gạo hiện đại 4 triệu tấn. Theo bà Bé, Chính phủ đã dự kiến sẽ hoàn thiện kho chứa trong giai đoạn 2009-2011. Đây thực sự là mơ ước của nông dân cả nước. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai và 2 lần gia hạn, đến nay, mới chỉ xây dựng số kho với trữ lượng chứa được 1,3 triệu tấn.

ĐB này bày tỏ: “Đặc biệt là việc xây kho chứa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long hầu như vẫn còn nằm trên giấy, sự chậm trễ này đã kéo dài thời gian cho tư thương làm giá và mua lúa của nông dân rất thấp, nhất là vào đầu vụ mùa. Nhà nước không điều tiết được giá cả lương thực, nông sản, người nông dân không đạt được mức lợi nhuận từ 30% trở lên như chủ trương của Chính phủ đã đề ra”.

Đại biểu QH đề nghị hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải. Ảnh: Minh Thăng

Một căn bệnh khác là chất lượng các công trình dự án công quá thấp, mau xuống cấp. ĐB Nguyễn Ngọc Phương, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Có những dự án lách luật, ví dụ 5 tỷ thì phải đấu thầu thì họ chỉ xây dựng dự án khoảng 4,9 tỷ, sau đó lại bổ sung các điều, khoản khác có thể lên đến 5 tỷ hoặc trên 5 tỷ”.

ĐB Phương phản ánh: “Không chỉ vậy, chất lượng nhiều công trình ở nông thôn thấp, hư hỏng nhanh, sau khi hoàn thành thì không sử dụng được, gây lãng phí”.

Cũng liên quan đến đầu tư là nghịch lý về đầu tư lưới điện. Từ khi có luật Điện lực, đầu tư lưới điện cho nông thôn lại càng gặp rất nhiều khó khăn.

ĐB Trần Xuân Vinh, Quảng Nam cho biết: “Các công ty điện lực tính toán một suất đầu tư lưới điện cho một hộ ở nông thôn là từ 15 - 20 triệu đồng, trong khi đó, tình trạng non tải thường xuyên diễn ra. Càng ở vùng cao, vùng sâu, xa thì suất đầu tư càng cao. Vì thế, ngành điện không mặn mà đầu tư lưới điện”.

“Rốt cục, một số vùng dân cư bức xúc, đã tự bỏ vốn ra thuê ngành điện kéo điện về cho nông dân nhưng người ta cũng lo là sau không biết ngành điện có thoái vốn lại cho họ không? Cơ chế này vẫn chưa có”, ĐB Vinh băn khoăn.

Đáng tiếc rằng, Chính phủ và vẫn chưa đánh giá rõ việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai trong các vấn đề đầu tư công này? Bộ, ngành hay địa phương, ĐB Trương Văn Vở, tỉnh Đồng Nai kiến nghị.

Ngậm ngùi trước ưu đãi vay vốn

“Có những chính sách ưu đãi nhưng người dân chỉ vay được những khoản nhỏ, ngắn hạn, không đủ để mở rộng sản xuất hoặc không đủ thời gian thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng”, ĐB Hồ Thị Thủy, Vĩnh Phúc đánh giá. 

Ví dụ điển hình nhất là chính sách hỗ trợ cho nông dân mua máy móc nông nghiệp. Nhiều đại biểu than rằng, điều kiện quá cao, đòi hỏi tỷ lệ nội địa hóa của các loại máy móc phải trên 60%.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé chia sẻ: “Con "trâu sắt" của ta không đủ sức kéo cày. Ở đây tôi không đề cao hàng ngoại nhưng chất lượng công nghệ máy móc của ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất khổ sở với một số máy nội địa. Họ lại phải mua máy móc ngoại để đáp ứng kịp thời mùa vụ”.

Chủ trương phát triển tín dụng của nghị định 41/2010 cho phép nông dân được vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản nhưng lại phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các đại biểu cho rằng, nghị định này chỉ áp dụng đối với các nông dân có tài sản. Còn những nông dân thuê đất thì khó tiếp cận, lại ngậm ngùi trước chính sách của Chính phủ.

Thừa nhận bất cập này, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra rằng, cơ chế cho vay trên đòi hỏi quá nhiều thủ tục của ngành ngân hàng như phương án sản xuất kinh doanh, tài sản thế chấp, máy móc, thiết bị muốn được hỗ trợ lãi suất phải là hàng sản xuất trong nước. Những điều này không dễ đáp ứng bởi hầu hết sản phẩm nằm trong danh mục được hỗ trợ lãi suất có loại không thấy trên thị trường, có loại không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nông dân. Vì điều kiện khắt khe về nội địa hóa nên nhiều nông dân không thiết tha vay.

Với những  khập khiễng trên trong chính sách, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét, sửa đổi lại một số quy định về tiếp cận vốn cho nông dân thông thoáng hơn. Đồng thời, Chính phủ cần nghiêm túc xem xét lại công tác thanh kiểm tra, hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.

Phạm Huyền