- Sau khi kết quả khảo sát PISA được công bố, báo chí đã đăng tải nhiều cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề này với những cảm nhận khác nhau. Các bình luận khá đa dạng từ ngạc nhiên, bất ngờ đến thú vị, buồn bã và hoài nghi về thứ hạng cao đạt được.

Điều làm tôi ngạc nhiên không phải ở điểm số cao, mà là một số quan điểm cho rằng “kết quả khảo sát phản ánh chân thực thực trạng giáo dục Việt Nam” . Để đóng góp thêm một cách nhìn khác, tôi xin được chia sẻ một số quan điểm của cá nhân mình.

Không phải là bức tranh toàn cảnh

Phải rất thận trọng trong việc giải thích kết quả khảo sát của PISA trước khi đưa ra bất cứ kết luận gì về toàn bộ hệ thống giáo dục. PISA chỉ dành để đánh giá các mức độ năng lực cho học sinh độ tuổi 15 trong các lĩnh vực đọc hiểu, làm toán và khoa học. Theo tôi, kết quả PISA không phản ánh toàn bộ chất lượng giáo dục của Việt Nam khi không tính đến những khó khăn thách thức trong toàn bộ môi trường dạy và học.

{keywords}

Khảo sát PISA cũng không hiển thị mức độ mà học sinh tích lũy được hay không từ những kỹ năng nền tảng cần thiết, các giá trị cá nhân và thái độ học tập - như tính thật thà và liêm chính.

Tham nhũng trong giáo dục

Việt Nam luôn nằm ở thứ hạng thấp trong các bảng xếp hạng về tham nhũng của quốc tế và điều này đang làm xói mòn uy tín ngành giáo dục: năm nay, Việt Nam xếp hạng 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ với điểm số 31/100. So với năm 2012, điểm số của Việt Nam không có sự cải thiện, điều đó phản ánh các nỗ lực của chúng ta về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đang trì trệ .

Một khảo sát khác tiến hành năm 2012 cho thấy, người dân Việt Nam nhận thức ngành giáo dục tham nhũng nhiều hơn người dân tại một số nước trong khu vực: Điểm số Việt nam là 3,4/5 (với điểm 5 là rất tham nhũng): Thái Lan (3,1); Philippines (2,8); Campuchia (2,6)... Hành vi tham nhũng không chỉ tồn tại ở cấp giáo dục phổ thông mà còn cả ở đại học. Các chi phí không chính thức, “các khoản hoa hồng” được trích từ các hợp đồng xuất bản sách giáo khoa, hiện tượng dạy thêm học thêm… được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu quốc gia và quốc tế .

Tham nhũng được coi là trở ngại chính trên con đường cải tổ chất lượng giáo dục. Nó đe dọa tới việc gia tăng chi phí giáo dục của các gia đình. Tồi tệ hơn, nó gây ra nguy cơ bất bình đẳng xã hội trong tiếp cận dịch vụ giáo dục và ảnh hưởng phần lớn đến người nghèo. Tham nhũng cũng góp phần xói mòn chuẩn mực đạo đức của giáo viên và học sinh.

Vì thế, tôi không cho rằng, kết quả khảo sát PISA phản ánh toàn bộ môi trường dạy và học khi các hành vi tham nhũng tồn tại ở cả người học và người dạy. Có thể cung cấp một số ví dụ khác để minh chứng cho điểm này: Để qua được một kỳ thi hoặc để được chấp thuận tham gia một chương trình học nào đó, 23% học sinh Việt Nam (từ 15-30 tuổi) ghi nhận đã từng hối lộ. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn với học sinh thành phố (32%); hối lộ để đảm bảo một xuất học tại trường điểm ở Việt Nam có thể lên tới 3.000 USD.

Liêm chính

38% học sinh được cho rằng, họ sẵn sàng không trung thực để được nhận vào một trường học tốt.

Gian lận trong học thuật khá phổ biến: 95% học sinh Việt Nam qua một nghiên cứu khác thừa nhận đã từng gian lận ít nhất một lần trong quá trình đi học; hầu hết giảng viên hay nhà quản lý giáo dục thừa nhận có nhận quà biếu để tăng điểm cao hơn hay hỗ trợ hoặc đảm bảo cho một học sinh vào được đại học. Điều này chắc chắn dẫn tới sự hoài nghi lớn về chất lượng bằng cấp và chất lượng giáo dục của Việt Nam.

Trên thực tế có mối liên hệ giữa việc thiếu liêm chính trong học tập (như gian lận) với biểu hiện không trung thực trong đời sống nghề nghiệp chuyên môn sau này. Theo một số kết quả nghiên cứu trên thế giới, gian lận hay đạo văn có thể là một trong những yếu tố dự báo về việc ra quyết định vô đạo đức trong quá trình làm việc mai sau. Tình trạng ngày một gia tăng các chi phí không chính thức trong giáo dục được ghi nhận gần đây là một trong những rào cản khiến lực lượng lao động Việt Nam khó thích nghi với nền kinh tế thị trường hiện đại.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 của Ngân hàng thế giới (WB) công bố cuối tháng 11/2013 chỉ ra rằng chi phí để đổi lại thành tích thể hiện trên bằng cấp không phản ánh giá trị đích thực của học sinh. Vì thế nó khiến bằng cấp ít hữu dụng với người đi tìm việc làm cũng như với các công ty tuyển dụng lao động.

Kết quả PISA của Việt Nam không đề cập tới các kỹ năng quan trọng khác như óc tư duy phê phán hay kỹ năng làm việc theo nhóm. Báo cáo trên của WB cũng nhấn mạnh rằng, một phần vấn đề này xuất phát từ thực tiễn dạy học thường chỉ chú trọng học thuộc lòng và ghi nhớ.

Điều gì tiếp theo?

Theo tôi, kết quả khảo sát PISA là sự thừa nhận đáng hoan nghênh về ưu điểm tương đối của nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, khi đất nước tiến tới “nền kinh tế thị trường hiện đại” - cụm từ được sử dụng trong báo cáo trên của WB, có nhiều lý do để chúng ta quan tâm và lo lắng về hệ thống giáo dục Việt Nam về vấn nạn tham nhũng và văn hóa học tập của thế hệ tương lai khi sự gian lận và đạo văn đang hoành hành. Nếu không có biện pháp kịp thời để chấn chỉnh, vấn nạn này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam khi chúng ta trở thành nước có thu nhập trung bình.

Chúng ta cần trang bị tốt cho thế hệ tương lai một số đức tính như trung thực, liêm chính và nhiều kỹ năng cần thiết khác. Đồng thời để giúp các em phát huy được những khả năng cá nhân cao nhất, khuyến khích học tập suốt đời, giáo dục cần phải đi xa hơn là đơn thuần đầu tư vào toán học, khoa học và đọc chữ.

Hơn nữa, nếu kết quả khảo sát PISA được sử dụng để đưa ra một kết luận cho rằng hệ thống giáo dục Việt Nam là chất lượng, và kết quả khảo sát phản ánh “trung thực hệ thống cũng như thực tiễn giáo dục Việt Nam” , như một số nhà bình luận nêu trên báo chí, thì quả thật đáng lo ngại.

Nguy cơ tiềm ẩn là kết quả khảo sát PISA có thể còn được sử dụng để định hướng tương lai cho các chính sách giáo dục liên quan. Cho đến nay, chưa rõ là bao nhiêu tiền được bỏ ra để đào tạo học sinh và giáo viên nhằm đạt được thành tích như kết quả PISA mới đây. Cũng đáng lo ngại là mức độ mà Chính phủ sẽ phân bổ ngân sách nhằm tiếp tục đầu tư cho học sinh trở thành những người thắng cuộc trên bình diện quốc tế trong mùa khảo sát PISA tiếp heo, nếu bỏ qua sự cần thiết phải phát triển các kỹ năng và nhận thức khác. Điều này sẽ chỉ làm gia tăng nền văn hóa ứng thí ở Việt Nam mà thôi.

Các cuộc tranh luận đang diễn ra hiện nay đặt ra một số câu hỏi: Liệu tầm nhìn chung cho nền giáo dục Việt Nam là gì, và điều gì cần ưu tiên? Chúng ta đã thấy ra đời nghị quyết về đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo. Nên chăng câu trả lời cần dựa vào các cuộc thảo luận đa phương đạt được hiểu biết chung nhằm giải quyết nhiều kỳ vọng khác nhau? Giải quyết vấn nạn tham nhũng và tăng cường tính liêm chính của hệ thống giáo dục chắc chắn vẫn là một trong những bước đi quan trọng và đầy gian nan trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Kiều Viễn (điều phối viên Mạng lưới toàn cầu về minh bạch trong giáo dục)