Sẽ rất nguy hiểm nếu các nhà làm chính sách căn cứ vào PISA như là một đo lường chính xác cho nền giáo dục.

>> Pisa cũng chông chênh như... tháp nghiêng

>> Muốn phát triển, phải 'nương nhờ' xứ người?

Sau khi công bố kết quả của kỳ thi quốc tế PISA, đã có nhiều tiếng nói lạc quan cất lên, [1] Thậm chí có bài viết: “Giáo dục Việt Nam ưu việt hơn nhiều nước tiên tiến trên thế giới”, “Không cần đầu tư nhiều cho giáo dục vẫn được kết quả cao”.

Xin cung cấp thêm một góc nhìn khoa học xung quanh câu chuyện "PISA" để giúp độc giả hiểu toàn diện hơn.

“Lấy ý kiến ủng hộ cho tổng thống”

PISA (Programme of International Student Assessment) là hệ thống đánh giá giáo dục quốc tế tổ chức bởi OECD. Khu vực Châu Á có hai nước tham gia khối đó là Nhật Bản và Hàn Quốc.[2] Kỳ thi tổ chức ba năm một lần với mục đích đánh giá các nền giáo dục trên thế giới thông qua việc kiểm tra kỹ năng và kiến thức dành cho học sinh tuổi 15.

PISA là nỗ lực từ các thành viên trong cộng đồng OECD đo lường khả năng đối mặt với các thách thức trong đời sống hiện tại. Định hướng của cuộc thi là quan tâm đến việc học sinh có thể làm được gì với những vấn đề học ở trường, hơn là các em có học được hay không.[3]

Về xuất xứ, vào cuối thế kỷ 20, cùng với các nỗ lực đo lường giáo dục quốc tế khác như TIMSS[4] do IEA (Institute of Educational Assessment) tổ chức bắt đầu từ năm 1959, thì OECD tiến hành dự án PISA.

Dự án chú trọng vào việc cung cấp các thông tin về văn hoá, kinh tế, và chính sách liên quan đến giáo dục của các nước trên thế giới.

So với các kỳ thi quốc tế khác, PISA tập trung vào khả năng (literacy) toán học, khoa học, và đọc hiểu hơn là kỹ năng và kiến thức học được trong nhà trường (như TIMSS). PISA lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 gồm 32 nước.

Từ năm 2003, có hơn 45 nước tham gia trong kỳ thi này (hơn 1/3 dân số thế giới). Lần tổ chức gần nhất diễn ra vào năm 2012 bao gồm 65 nước, chiếm khoảng 80% dân số thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia. Trong các kỳ tổ chức của PISA, nội dung bao gồm hai phần: Phần kiểm tra khả năng của học sinh và thống kê những vấn đề liên quan đến giáo dục và nhà trường (background). Thời gian cho mỗi môn thi khoảng 2 giờ.

{keywords}

Hình thức của đề thi bao gồm một số lượng cân bằng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, câu hỏi điền vào chỗ trống ngắn, và câu hỏi tự luận với nhiều bước giải quyết. Phần lớn các câu hỏi đều được đặt trong một ngữ cảnh thực tế cụ thể.  Sau đây là một ví dụ để minh hoạ đặc trưng về ngữ cảnh của các câu hỏi trong PISA:

LẤY Ý KIẾN ỦNG HỘ CHO TỔNG THỐNG[5]

Tại nước Zedland, ý kiến về bầu cử được thực hiện để tim kiếm mức độ ủng hộ tổng thống cho cuộc bầu cử sắp được tiến hành. Bốn tạp chí tiến hành bốn cuộc trưng cầu độc lập ở mức độ quốc gia. Kết quả từ bốn tạp chí như sau:

Tạp chí 01: 36.5% (trưng cầu tiến hành ngày 6 tháng 1, với mẫu là 500 công dân được quyền bầu cử và được lựa chọn ngẫu nhiên)

Tạp chí 02: 41.0% (trưng cầu tiến hành ngày 20 tháng 1, với mẫu là 500 công dân được quyền bầu cử và được lựa chọn ngẫu nhiên)

Tạp chí 03: 39.0% (trưng cầu tiến hành ngày 20 tháng 1, với mẫu là 1000 công dân được quyền bầu cử và được lựa chọn ngẫu nhiên)

Tạp chí 04: 44.5% (trưng cầu tiến hành ngày 20 tháng 1, với mẫu là 1000 độc giả thông qua điện thoại)

Kết quả nào là gần nhất trong việc dự đoán mức độ ủng hộ Tổng thống nếu cuộc bầu cử được tiến hành vào ngày 25 tháng 01? Giải thích ý kiến của bạn.

Xin lưu ý rằng khung nội dung (framework) của PISA không dựa vào chương trình dạy học (curiculum-based) như TIMSS, mà tập trung vào chức năng của môn học (functional). OECD cho rằng kết quả này phản ánh mô hình học tập lâu dài, trong đó những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết để thay đổi thế giới được liên tục thu nhận trong suốt cuộc đời.

Khó thiết lập sự tương đương giữa các nền giáo dục

PISA cung cấp một chỉ số đo lường về tính chất ứng dụng của các môn học trong nhà trường. Kỳ thi còn chỉ ra vị trí tương đối của các nền giáo dục thông qua một con số đặc trưng cho vài môn học (toán học, khoa học, và đọc hiểu). Hơn nữa PISA cung cấp một chỉ số đo lường năng lực của học sinh ở tuổi 15 như một dự đoán về nền kinh tế của nước đó.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng mức độ khó của các câu hỏi trong PISA nói chung là cao nhất trong các đề quốc tế vì: (a) Hầu hết các câu hỏi đặt trong ngữ cảnh thực tế. (b) Số các câu hỏi ở dạng mở nhiều. (c) Các câu hỏi cần nhiều bước về lập luận. (d) Để giải quyết các câu hỏi cần nhiều phép tính toán và phần lớn không thể hiện sẵn trong câu hỏi [6].

Mặc dù những kỳ thi quốc tế luôn thu hút sự quan tâm của công chúng và cộng đồng những người làm nghiên cứu giáo dục, các chuyên gia giáo dục trên thế giới nhận định rằng các kỳ thi này không cung cấp một bức tranh rõ ràng và chính xác về mối quan hệ giữa các giai đoạn khác nhau của chương trình dạy học bao gồm chương trình dự kiến (chẳng hạn, chuẩn kiến thức, kỹ năng, sách giáo khoa), chương trình đang thực hiện (việc dạy và học quan sát được trong lớp học) và kết quả thi cử. Hơn nữa, rất khó để thiết lập sự tương đương của các nền giáo dục bởi vì sự khác biệt trong văn hoá, và tổ chức[7].

Một vấn đề khác các chuyên gia lo ngại là nhiều nước sẽ dùng những câu hỏi trong PISA xem chúng như là những kiến thức cực kỳ quan trọng để dạy học trong nhà trường, với mục đích duy nhất giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tiếp theo. Hơn nữa, sẽ rất nguy hiểm nếu các nhà làm chính sách căn cứ vào PISA như là một đo lường chính xác cho nền giáo dục[8].

Thật ra, PISA chỉ đo lường một mặt của nền giáo dục, khả năng mà thôi. Việc so sánh giữa các hệ thống giáo dục rất khó bởi vì một ngữ cảnh có thể quen thuộc với một nền văn hoá này có thể xa lạ đối với nền văn hoá khác. Những kỹ năng cơ bản để đối mặt với các vấn đề trong xã hội của các nước có thể khác nhau, nên nó không thể là chuẩn mực chung cho nhiều nền kinh tế trên thế giới.

(còn nữa)

  • Trần Dũng (Tiến sĩ giáo dục Toán- Viện Nghiên Cứu Đổi Mới Giáo Dục Friday (Friday Institute of Educational Innovation- Đại học North Carolina State, USA)

[1] Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục

http://m.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/152189/bo-giao-duc-bat-ngo-voi-ket-qua-xep-hang-hoc-sinh.html

[2] http://www.oecd.org/about/membersandpartners/

[3] de Lange, J., (2007). Large-scale assessment and mathematics education. In F. K. Lester (Ed). Second handbook of research on mathematics teaching and learning. Charlotte, NC, USA: National Council of Teachers of Mathematics, pp. 1111-1143.

[4] http://nces.ed.gov/timss/

[5] Câu hỏi được công bố từ PISA 2006

[6] de Lange (2007)

[7] Dossey, J. A. (2003). Large-scale assessments: National and International. In G. M. A. Stanic & J. Kalpatrick. A history of school mathematics, pp. 1435-1490. Reston, VA, USA: The National Council of Teachers of Mathematics.

[8] de Lange (2007) và Dossey (2003)