- Ông Lê Nam, phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa, một lần nữa nhấn mạnh sự cấp bách của việc xây dựng, xem xét và thông qua luật Biểu tình.
Phát biểu tại phiên thảo luận về chương trình làm luật của QH chiều 26/5, ông Lê Nam nói: Vì đó là quyền cơ bản của công dân, mang tính phổ quát của nhân loại, đã được quy định trong Hiến pháp nước ta từ 1946 đến nay, mà đến Hiến pháp 2013 đã có những chuyển biến hết sức quan trọng, to lớn, cụ thể hơn về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
ĐB Lê Nam: Ban hành luật Biểu tình có nhiều mặt lợi |
"Đó là quyền mà người dân thường xuyên có nhu cầu sử dụng, vẫn đang thường xuyên diễn ra trong cuộc sống. Những năm qua có thể chứng kiến từ Bắc đến Nam những đoàn khiếu nại tố cáo đông người tụ tập trước các cơ quan công quyền để đòi hỏi giải quyết, các cuộc tụ tập đông người trong trật tự đang có xu hướng ngày càng tăng, diễn ra phổ biến", phó đoàn Thanh Hóa phân tích.
"Đó là nông dân đấu tranh đòi quyền lợi về đất đai, công nhân đấu tranh khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Và cho đến các cuộc biểu tình phản đối TQ vừa qua thì càng rõ ràng hơn".
Ông Lê Nam cũng chỉ ra việc tụ tập đông người, khiếu kiện đông người hay biểu tình, đều có nguy cơ bị lợi dụng, trên thực tế đã có nhiều vụ việc, để chống nhà nước, chế độ, gây ra hậu quả xấu, đặc biệt nghiêm trọng như đã xảy ra vừa qua ở Bình Dương, Hà Tĩnh.
"Yêu cầu khách quan đòi hỏi thực tiễn phải xây dựng luật Biểu tình để phục vụ nhân dân, cũng là yêu cầu hết sức bức thiết về quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế", phó đoàn Thanh Hóa nhấn mạnh.
Ông Lê Nam lưu ý đây là một đạo luật rất bức thiết, ban hành được sẽ có nhiều mặt lợi, khả năng xây dựng và thực hiện là có.
ĐB Thanh Hóa khẳng định: QH khóa 13 sẽ rất vinh dự là QH trả nợ được nhân dân luật Biểu tình mà 12 khóa QH trước đó chưa có điều kiện thực hiện. Do đó đề nghị đưa luật Biểu tình vào chương trình làm luật của QH nhiệm kỳ 13 này.
Phó đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch chia sẻ: Phải có luật mới có thể thiết lập trật tự trong việc nhân dân bày tỏ tình cảm, thái độ, nếu không ta sẽ bị động như thời gian vừa qua đã xảy ra.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TP.HCM) thì lưu ý: Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ bản của công dân, theo Hiến pháp, chỉ có thể bị hạn chế bằng luật.
Việc này cũng là để đáp ứng cam kết quốc tế khi VN trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Nghĩa lưu ý việc biểu tình không chỉ là chống đối, mà "hàng triệu người muốn biểu tình để thể hiện sự ủng hộ đối với Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt trong việc chống lại hành vi TQ xâm phạm lãnh thổ VN".
"Tôi tin chúng ta có đủ trí tuệ, nhân lực và kiến thức để xây dựng luật Biểu tình trong điều kiện VN", ông Trương Trọng Nghĩa nói.
ĐB Đỗ Văn Đương cùng đoàn TP.HCM cũng đồng ý "lùi ngay những luật chưa bức xúc, không cần thiết ra khỏi chương trình năm 2014-2015" và đưa ngay luật Biểu tình vào chương trình.
"Để cho người dân có chỗ, có nơi, có thời gian, địa điểm, bày tỏ lòng yêu nước, ngăn chặn những hành vi manh động quá khích của các phần tử xấu gây thiệt hại", ông Đương nói.
Bên cạnh đó, ĐB TP.HCM cũng kiến nghị QH ra hai nghị quyết: Một về phát triển kinh tế biển đảo để giữ vững ngư trường, phát triển nghề cá, bảo vệ ngư dân, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đóng tàu, cung ứng nhiên liệu vật tư cũng như tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân.
Hai là về xuất nhập khẩu để giảm thiểu sự phụ thuộc về nguyên liệu và thị trường, nhất là của ngành dệt may, lương thực thực phẩm, vào "ông hàng xóm to xác nhưng rất xấu bụng".
Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng