- Cùng với việc nhất thể hoá bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn bản, tổ dân phố, Thanh Hoá còn sáp nhập hơn 3.000 thôn, bản tổ dân phố...
Đến thời điểm này, Thanh Hoá có 7 huyện thực hiện nhất thể hoá bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Riêng huyện miền núi Quan Sơn đã thực hiện nhất thể 100%.
Quan Sơn là huyện thực hiện nhất thể hóa 100% bí thư kiêm trưởng thôn bản |
Trưởng bản Din Phạm Văn Thuật (55 tuổi, xã Sơn Hạ, huyện Quan Sơn) cho biết, bản Din có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Vài năm trước chủ trương trồng rau sạch, trồng ngô vụ đông trên đất nông nghiệp bỏ hoang được chi bộ bản đưa ra để giúp các hộ khó khăn thoát nghèo. Thế nhưng suốt một thời gian dài chủ trương này vẫn không thực hiện được.
Nguyên nhân là do sự “lệch pha” giữa bí thư chi bộ và trưởng bản. “Chi bộ đưa ra chủ trương nhưng trưởng bản (không phải là đảng viên) không triển khai quyết liệt nên làm cũng được mà không làm cũng chẳng sao, công việc rất trì trệ. Thậm chí khi chỉ tiêu không hoàn thành, chi bộ họp kiểm điểm đi, kiểm điểm lại cuối cùng mục tiêu đề ra vẫn không đạt”, ông Thuật chia sẻ.
Sau khi thực hiện chủ trương nhất thể bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, ông Thuật được người dân bầu làm người đứng đầu chi bộ bản Din. Ở cương vị bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, ông Thuật vừa là người thống nhất, đưa ra chủ trương trồng rau, trông ngô, đồng thời cũng là người thực hiện nên “nói phải đi đôi với làm”.
Năm 2017, chủ trương trồng ngô vụ đông, trồng rau sạch đã thành hiện thực và cho năng suất cao.
Khi những cây rau, cây ngô được trồng đại trà, ông Thuật bàn bạc với chi bộ xin chủ trương với xã, huyện xây dựng chợ để tiêu bao sản phẩm.
Ông Phạm Văn Thuật |
Chủ trương đúng đắn này đã giúp bà con có thêm nguồn thu nhập đáng kể để thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo bản Din từ 42% năm 2016 đã giảm xuống còn 28% trong năm 2017. Trong số này có những hộ là đảng viên đã tự động rút khỏi hộ nghèo.
Nói phải đi đôi với làm
Ông Nguyễn Văn Sinh, Bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Trung Hạ (huyện Quan Sơn) cho hay, trước khi hợp nhất, có tình trạng bí thư chi bộ triển khai xong công việc rồi bỏ mặc ông trưởng bản. Trong khi trưởng bản thực hiện theo kiểu “được chăng hay chớ” nên công việc thường rất trì trệ.
Hơn nữa, do trưởng bản không phải là đảng viên, không chịu trách nhiệm với chi bộ nên nhiệm vụ đề ra không hoàn thành cũng không quy được trách nhiệm.
Nhưng, khi hợp nhất bí thư chi bộ và trưởng bản sẽ không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Bởi, vừa là bí thư chi bộ vừa là trưởng bản thì “nói phải đi đôi với làm” dân mới tin và thực hiện theo.
Ông Sinh đánh giá, khi hợp nhất bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, nhân tố con người rất quan trọng. Ngoài phẩm chất đạo đức tốt thì người đứng đầu cũng phải biết xốc vác công việc, biết làm ăn, làm giàu chính đáng. Có như vậy nói dân mới tin, mới nghe.
“Cán bộ đảng viên không làm được việc, không biết làm giàu chính đáng nói dân không ai nghe. Họ (dân) cho rằng ông nói hay nhưng có làm được đâu mà dân phải nghe và làm theo”, ông Sinh chia sẻ.
Bản Din sau khi nhất thể hóa đã có nhiều thay đổi tích cực |
Ông Chu Đình Trọng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quan Sơn cho biết, việc nhất thể 2 chức danh tại 99 thôn bản của huyện không chỉ đem lại hiệu quả tích cực trong điều hành công việc mà còn giảm được gần 200 cán bộ ở cơ sở thôn bản.
Đặc biệt, việc sáp nhập đã giải quyết được tình trạng trưởng thôn bản không phải là đảng viên.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng cũng nêu thực tế, khi hợp nhất bí thư kiêm trưởng thôn bản, tổ dân phố có tình trạng Đảng giới thiệu bí thư chi bộ ra làm trưởng thôn, bản, tổ dân phố nhưng dân lại chọn một người gần gũi sâu sát với bà con không phải là đảng viên
Ông Nguyễn Văn Sinh, bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Trung Hạ |
Để khắc phục bất cập trên, ông Lại Thế Nguyên, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, trước khi bầu bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn phải lấy phiếu tín nhiệm. Trường hợp đủ khả năng tín nhiệm mới đưa ra bầu để chọn được người có năng lực và nhiệt huyết thực sự.
Sáp nhập 3.100 thôn bản, tổ dân phố
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng cho biết, trước tháng 12/2016 toàn tỉnh có 5.971 thôn bản, tổ dân phố. Đến giữa tháng 7/2018 HDND tỉnh Thanh Hoá đã sáp nhập 3.100 thôn.
Theo kế hoạch, với các thôn ở khu vực đồng bằng có quy mô dưới 200 hộ, có địa bàn địa lý gần nhau, phù hợp với phong tục tập quán sẽ khuyến khích sáp nhập nếu được nhân dân thống nhất.
Việc này sẽ huy động được sức mạnh cộng đồng trong phát triển đời sống văn hoá cũng như đóng góp xây dựng đường, trường trạm, nhà văn hoá trong điều kiện sức dân có hạn.
“Rõ ràng thôn 200 hộ khi sáp nhập lên thành 400 hộ sẽ tăng sức huy động đóng góp phục vụ đời sống sinh hoạt của bà con”, ông Tùng cho hay.
Ông Đầu Thanh Tùng |
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hoá Lại Thế Nguyên cũng nói thêm, mục đích sáp nhập thôn bản cùng với nhất thể hoá bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn bản, tổ dân phố, ngoài nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tinh gọn bộ máy, còn là cơ sở để sửa phụ cấp cho bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, tổ trưởng dân phố theo hướng tăng lên.
Đà Nẵng sáp nhập, cắt giảm gần 3.000 tổ dân phố
Trong kế hoạch mới thông qua, Đà Nẵng sẽ sáp nhập, cắt giảm hàng ngàn tổ dân phố. Tổ trưởng dân phố cũng có nhiệm kỳ 5 năm.
Sáp nhập ở Bộ GTVT: Thừa hàng loạt sếp tổng, sếp phó
Việc Bộ GTVT sáp nhập các ban quản lý dự án khiến nhân sự chủ chốt có nhiều thay đổi, tổng giám đốc thành phó giám đốc, cấp phó tăng gấp đôi.
Bộ Nội vụ ủng hộ TP.HCM sáp nhập quận
Bộ Nội vụ cho biết ủng hộ TP.HCM và các địa phương khác sáp nhập quận, các đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy.
TPHCM: Sáp nhập quận huyện mới chỉ là ý kiến cá nhân
Trước ý kiến của Phó Giám đốc Sở Nội vụ đề xuất việc sáp nhập một số quận lại, Chánh văn phòng UBND TP.HCM đã lên tiếng về việc này.
Vũ Điệp - Kiên Trung