Những ngày tháng 6, ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Tân Bình) đến nơi làm và luôn chuẩn bị tâm lý cho những cuộc tranh luận sắp nổ ra với các phòng, ban trong doanh nghiệp.

Chương trình “Giả định có F0 trong doanh nghiệp sản xuất” được ông Sơn đề xuất với ban lãnh đạo công ty nhưng chỉ có 30% người tán thành. Nhiều ý kiến phản đối với lý do gia đình hoặc người thân không đồng tình.

{keywords}
Người lao động cắt tóc cho nhau trong thời gian “làm, ăn, nghỉ” tại Công ty TNHH May mặc Song Ngọc

Mô hình vừa sản xuất vừa cách ly

Với việc giả định có F0 trong doanh nghiệp, ông Sơn xây dựng kịch bản chi tiết và lên phương án chia theo nhiều hướng.

“Tôi đã xây dựng kịch bản khi có F0 nên tất cả vật dụng cần thiết đã chuẩn bị từ sớm. Lều ngủ cho công nhân mua trước vài tháng. Đưa ra tiêu chuẩn khi hàng hóa từ bên ngoài tiếp tế vào phải được khử khuẩn ra sao. Chỗ vệ sinh thế nào. Cả nguồn cung cấp thực phẩm, bữa ăn cho công nhân cũng đưa ra giả thiết thay thế nếu phía nhà cung ứng có ca dương tính”, ông Sơn chia sẻ.

Sau khi thuyết phục và được sự chấp thuận áp dụng của số đông, từ ngày 22/6 doanh nghiệp này chính thức triển khai mô hình “vừa sản xuất vừa cách ly tại chỗ”. 230 người thuộc khối sản xuất được bố trí nơi ăn, nghỉ tại chỗ. 50 người thuộc khối văn phòng được đi về trong ngày nhưng sinh hoạt ở một tòa nhà tách biệt hoàn toàn, không tiếp xúc trực tiếp với khối sản xuất.

Trước khi vào làm việc và sinh hoạt, cán bộ công nhân viên của công ty phải trải qua 3 lần xét nghiệm Covid-19 tại chỗ, xét nghiệm xong là ở lại chỗ làm để khu biệt các nguồn lây nếu có.

Với những công nhân không đồng ý làm việc tại chỗ thì quản lý nhân sự chấp nhận cho về với gia đình. Lúc này, người lao động tạm nghỉ ở nhà một thời gian để tránh ảnh hưởng tới guồng máy sản xuất trong trường hợp không may nhiễm dịch bệnh.

{keywords}
Doanh nghiệp thuê đơn vị đến tận nơi xét nghiệm cho nhân viên

Hơn 20 ngày qua, hoạt động sản xuất của Công ty Song Ngọc diễn ra ổn định.

Áp dụng mô hình “vừa sản xuất vừa cách ly” ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp. Bữa ăn cho công nhân không chỉ có bữa trưa mà nay còn thêm bữa tối và suất ăn sáng. Trong tuần có ngày đơn vị mua bổ sung trái cây vào khẩu phần nhằm tăng sức đề kháng cho công nhân sản xuất, chưa kể chi phí điện nước và các vật dụng đi kèm phát sinh.

“Vì bệnh dịch nên ngày hôm nay chúng ta mới phải ở lại đây. Nếu cứ đi đi về về, các bạn có thể sẽ mang bệnh về cho gia đình. Chỉ 1 ca bệnh thôi, kinh tế các gia đình bị ảnh hưởng, doanh nghiệp phải đóng cửa. Ở lại đây hay đi về, lựa chọn nào hợp lý hơn thì hãy thực hiện”, ông Sơn thuật lại lời đã nói với cán bộ công nhân viên trước khi kích hoạt chương trình “vừa sản xuất vừa cách ly”.

Chỉ “nhập tịch” cho những công nhân đủ tiêu chuẩn

Đến nay, đã có khoảng 100 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đăng ký các phương án “vừa sản xuất vừa cách ly”.

Tập đoàn Đại Việt của CEO Ngô Xuân Mạnh cũng đang áp dụng khá suôn sẻ mô hình “ăn ngủ tại chỗ” với đội ngũ công nhân khối sản xuất.

{keywords}
Chỗ ngủ của công nhân tại Tập đoàn Đại Việt

Nhận thấy tình hình dịch có diễn biến phức tạp, Tập đoàn đã kích hoạt mô hình sản xuất trên khoảng 1 tuần đối với những người ở xa từ trước thời điểm TP.HCM chính thức áp dụng Chỉ thị 16.

Lợi thế của doanh nghiệp là có phần diện tích lên tới 10.000m2 chưa sử dụng hết, thay vì để máy móc thì nay được tận dụng, dọn dẹp làm chỗ ăn, nghỉ. Phụ nữ và người có tuổi sẽ được ưu tiên ở bên trong nhà xưởng, thanh niên ở bên ngoài nhà bạt.

“Chăn, màn chúng tôi đều chuẩn bị mỗi người một bộ riêng. Các lều ngủ cách nhau từ 2m - 2,5m. Tất cả công nhân đều phải đủ điều kiện sau xét nghiệm, cân nhắc hoàn cảnh gia đình mới được nhập tịch vào nhà máy”, ông Mạnh hài hước khi nói về mô hình thế giới cô lập thu nhỏ của mình.

Sáu phân xưởng sản xuất với 160 nhân công vận hành tách biệt từng phân xưởng. Khẩu phần ăn sẽ được đưa đến cửa từng phân xưởng và đội ngũ công nhân lần lượt ra lấy đồ ăn chứ không dồn lên cùng một lúc.

“Cám ơn các anh chị em, ở nhà máy nhất định không bằng ở nhà. Nhưng nếu tất cả đều nghỉ thì đất nước sẽ ra sao, nền kinh tế sẽ ra sao và ai phục vụ nhân dân. Hãy cùng nhau bảo vệ mục tiêu kép: Vừa phòng dịch an toàn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất”, CEO Ngô Xuân Mạnh chia sẻ trên trang facebook cá nhân.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – Phạm Ngọc Hưng, việc áp dụng mô hình trên sẽ tùy từng trường hợp và quy mô doanh nghiệp chứ không phải đơn vị nào cũng có thể dễ dàng thực hiện.

{keywords}
Không gian nghỉ ngơi riêng

Sẽ thuận lợi hơn cho những doanh nghiệp có mặt bằng rộng, hoặc có khu vực phòng trọ, kí túc xá để giải quyết chỗ ở cho công nhân.

“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ dễ áp dụng hơn. Với quy mô xưởng sản xuất nhỏ thì việc lo chỗ ăn, ngủ cho công nhân thuận tiện. Còn đối với doanh nghiệp may hoặc giày da mà có tới 20.000 - 30.000 công nhân thì không cách gì làm được”, ông Hưng nói.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nguyên tắc đầu tiên là phải đề cao sự an toàn trong quá trình vận hành, nếu bắt buộc thì cần tạm dừng sản xuất khi nguy cơ cao.

“Vụ việc công nhân tháo chạy ở một nhà máy tại Bình Dương khi phát hiện có ca F0 là dẫn chứng điển hình. Mục tiêu cao nhất vẫn là phòng, chống dịch”, ông Hưng nói.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Không có nguồn thu, hàng loạt doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng điêu đứng

Không có nguồn thu, hàng loạt doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng điêu đứng

Dịch Covid-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải du lịch, dịch vụ ở Đà Nẵng điêu đứng, thậm chí có nguy cơ phá sản. Đã có doanh nghiệp giải thể, rút khỏi thị trường do không có nguồn thu.

Quảng Định