Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kể từng nhận được những cú điện thoại của DN xuất khẩu đề nghị có chính sách “phá tỷ giá” thêm để họ có lãi hơn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu ngày 24/12 tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014.

Sẽ điều chỉnh tỷ giá không quá 2%

Trong 2013, tỷ giá đã được chủ động điều chỉnh 1%, cộng với chính sách cho phép thị trường tự điều chỉnh trong biên độ khoảng 1%. Nhưng theo Thống đốc Bình, thực tế thị trường thời gian qua, ngay cả trong lúc khó khăn nhất, có những tin đồn thất thiệt, thì thị trường chỉ tự điều chỉnh tối đa khoảng 0,6%.

Ngay ngày hôm nay, với tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng chỉ ở mức 21.095 đồng/USD, Thống đốc khẳng định kiểm soát tỷ giá dưới mức Ngân hàng Nhà nước mua vào là 21.100 đồng/USD.

{keywords}

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại kỳ họp QH vừa qua. Ảnh: Minh Thăng

“Có nghĩa là chúng ta lại mua được ngoại tệ tăng thêm từ chính nguồn vốn nhà nước” - ông nói.

Việc điều chỉnh tỷ giá là câu chuyện “nóng” được bàn luận thời gian qua, nhất là về biên độ điều chỉnh và thời điểm.

Thống đốc Bình kể, ông từng nhận được những cú điện thoại của các doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách “phá giá” thêm để họ có lãi hơn. Nhưng cũng có những doanh nghiệp lớn hàng đầu lại gọi điện để mong chưa điều chỉnh tỷ giá cho đến 24h ngày 31/12 bởi nếu điều chỉnh ngay cuối 2013 thì họ từ “lãi thành lỗ”.

Ông khẳng định việc điều chỉnh tỷ giá sẽ xem xét một cách linh hoạt, một mặt hỗ trợ xuất khẩu nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo mặt bằng chung, không để gây tác động “đội lạm phát lên”.

“Chúng tôi sẽ tính toán vĩ mô để làm sao phù hợp nhất, vừa có cái tác dụng khuyến khích xuất khẩu, nhưng cũng phải đảm bảo mặt bằng chung của nền kinh tế, đặc biệt có hiệu ứng để ngăn lạm phát. Năm tới, Thủ tướng cũng chỉ đạo và nghị quyết của chúng ta cũng đã có, chúng tôi sẽ điều chỉnh tỷ giá một cách linh hoạt nhưng theo hướng ổn định tới mức điều chỉnh không quá 2%” - Thống đốc khẳng định.

Liên quan cơ chế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tài chính, ông cho hay, nhờ chính sách hoãn, giãn, cắt giảm lãi suất, đến nay các khoản nợ đã được cơ cấu lên tới khoảng 330.000 tỷ, qua đó giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn.

Bộ trưởng “phản pháo” Chủ tịch Hà Nội

Tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo xung quanh việc thị trường bất động sản đang bị đóng băng, tồn kho mà các địa phương phản ánh.

Nêu con số ghi nhận thực tế, Bộ trưởng Xây dựng đã có đưa ra những phản hồi trái ngược với nhận định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu hôm trước rằng ông đi một vòng quanh Hà Nội nhưng “thấy hơi lạ là không thấy dự án nhà ở, bất động sản nào giảm giá”.

{keywords}

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Linh Thư

Ông Dũng khẳng định, giá bất động sản, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM đã giảm rất mạnh so với vài năm trước, về sát giá trị thực, phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.

Giá bất động sản đã giảm bình quân từ 10 – 30%, thậm chí có một số dự án giảm tới 50%. Việc giảm do giá trước đây là ảo, thị trường xuống buộc các doanh nghiệp phải giảm về giá trị thực để tăng thanh khoản, cũng như tiết giảm chi phí, cấu trúc lại các dự án cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

So với quý 1, giá nhà trong quý 3 của năm giảm đến 27% (khu Cầu giấy), chung cư trung - cao cấp giảm 15%, các dự án ở quận Thanh Xuân, Hà Đông đều giảm từ 12 – 21%. Hay như dự án đất nền Nam An Khánh đã giảm tới 50% so với năm 2010.

Đáng chú ý, giao dịch bất động sản phân khúc nhà ở xã hội, nhà chung cư đang có diễn tiến thuận lợi. Thống kê cho thấy giao dịch 6 tháng cuối năm đã gấp đôi 6 tháng đầu năm.

Về gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở, Bộ trưởng Xây dựng cho hay mục tiêu của gói này là Nhà nước cùng góp phần vào hỗ trợ nhà ở cho người dân chứ không phải để giải cứu thị trường bất động sản. Nhưng thực hiện gói hỗ trợ này tốt sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bất động sản và các ngành khác có liên quan.

Lý giải nguyên nhân giải ngân chậm, ông cho biết vì nguồn cung nhà ở xã hội vẫn hạn chế và thủ tục yêu cầu chặt chẽ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa hiệu quả.

Ông đề nghị các địa phương tích cực kiểm tra, giám sát việc phát triển đô thị phải theo quy hoạch và có kế hoạch đã được Chính phủ quy định, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển dự án, chuyển đổi công năng nhà ở để đẩy nhanh quá trình giải ngân.

Linh Thư