- Năm 1992, câu chuyện về "kho báu Yamashita" nóng trở lại khi ông Trần Văn Tiệp, một người dân ở quận Phú Nhuận, TPHCM gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Thuận xin phép được thăm dò và khai thác "kho báu Yamashita" tại đỉnh núi Tàu, thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận ).
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết câu chuyện về nguồn gốc "kho báu tỷ đô" ly kỳ, kéo dài trong suốt hơn 70 năm qua.
Câu chuyện nhuộm màu huyền bí
Nhiều tài liệu cho rằng trong thế chiến thứ 2, quân đội Nhật đã vơ vét nhiều vàng bạc, của cải ở các nước vùng châu Á mà họ chiếm đóng. Từ cuối năm 1944, khi Nhật thua trận và sắp đầu hàng quân đồng minh, Tư lệnh quân đội Nhật ở Châu Á - Thái Bình Dương lúc ấy là Đại tướng Yamashita Tomoyuki nhận được lệnh bằng mọi cách phải đưa toàn bộ số của cải về Nhật. Tuy nhiên, âm mưu này bị quân đồng minh phát hiện, ráo riết tìm cách ngăn chặn. Nguy cơ hàng chục ngàn tấn vàng bạc, châu báu sẽ rơi vào tay đồng minh...
Núi Tàu, địa danh được cho là nơi cất dấu kho báu của quân Nhật |
Câu chuyện về kho báu của Yamashita vì thế được lưu truyền và quan tâm ở tất cả những quốc gia Đông Nam Á có biển. Giấc mơ vàng càng trở nên sôi sục khi vào năm 1970, ông Ferdinand Marcos tổng thống Philippines lên tiếng việc ông đã phát hiện được kho báu của Yamashita. Sau đó bà vợ ông này đã xác nhận số vàng mà chồng bà tìm ra hơn 4.000 tấn.
Việt Nam cũng không là ngoại lệ vì nằm trên hải trình của những con tàu biển của quân Nhật đã đi qua. Người ta đồn rằng, khi những chiến hạm cực lớn chở vàng bạc, châu báu của Yamashita đến vịnh Cà Ná (nơi giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) thì bị không quân của quân đồng minh truy kích dữ dội. Đại tá Yoshida chỉ huy hạm đội đã bí mật chuyển 4.000 tấn vàng vào một hòn núi sát với vùng biển này rồi thuê người dân tộc địa phương chôn giấu sau đó đánh đắm đoàn tàu cùng toàn bộ thủy thủ đoàn.
Tầm nhìn từ vị trí khai thác "kho báu núi Tàu" của ông Trần Văn Tiệp hướng ra biển Đông |
Những ai chứng kiến, tham gia việc chôn giấu vàng từ con tàu của đại tá Yoshida đều bị giết để giữ bí mật tuyệt đối…nhưng một tộc trưởng người Raglai may mắn tẩu thoát khỏi cuộc thảm sát và rồi câu chuyện về "kho báu" núi Tàu được hé lộ với bao nhiêu cuộc tìm kiếm kho báu ly kỳ, xen lẫn những bi kịch kéo dài cho tới ngày nay.
Những số phận xung quanh "kho báu"
Từ khi lên nắm quyền tổng thống chế độ Sài Gòn, câu chuyện về "kho báu" Yamashita tại Việt Nam đã được anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu quan tâm. Hai ông Diệm - Nhu đã sai một đàn em thân tín của mình là thiếu tá Lê Văn Bường khi đó là tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy phải tìm cho bằng được người tộc trưởng Raglai đã trốn thoát khỏi cuộc thảm sát năm xưa.
Đến cuối năm 1959, thiếu tá Bường cũng lùng ra nơi ở của người Raglai, lúc này đã hơn 60 tuổi đang sống tại Suối Kiết (Tánh Linh). Ông Bường đã báo ngay tin cho ông Nhu và chỉ trong vòng 3 ngày ông Bường được thăng hàm trung tá.
Được mật lệnh của Ngô Đình Nhu, trung tá Bường đưa người tộc trưởng Raglai vào Dinh Độc Lập gặp Nhu. Sau cuộc gặp bí mật chỉ 3 người là ông cố vấn, trung tá tỉnh trưởng Bình Tuy và tộc trưởng Raglai, người ta không còn thấy người tộc trưởng này nữa. Đến tháng 9/1961 trung tá Bường cũng đột ngột bị chuyển đi Lao Bảo, vùng biên giới giáp với Lào và từ đó không ai biết gì về tung tích ông Bường...
Không biết anh em ông Diệm - Nhu đã làm gì khi có được thông tin về kho báu từ người tộc trưởng Raglai, nhưng cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 đã đưa đến cái chết của 2 anh em ông và những bí mật về kho báu Yamashita tại Việt Nam lại chìm vào quên lãng.
Núi Tàu bị đào bới tìm vàng trong hàng chục năm trời |
Đột nhiên năm 1971, sau 10 năm chế độ Diệm - Nhu sụp đổ nhân vật còn lại trong bộ ba tam giác “huyền sử” kho báu núi Tàu: tộc trưởng Raglai - Lê Văn Bường - Ngô Đình Nhu đột ngột xuất hiện tại Bình Tuy, nhưng lúc này trung tá Lê Văn Bường không còn trong quân nhân nữa mà là một doanh nhân mở trại cưa, cung cấp gỗ từ Bình Tuy về Sài Gòn.
Một ngày cuối năm 1973, Lê Văn Bường bất ngờ được một số người Nhật mời về Sài Gòn bàn chuyện hợp tác làm ăn. Không ngờ chuyến về Sài Gòn lần này lại là định mệnh với ông Bường. Giữa tiệc rượu ông Bường bỗng ôm ngực ngã vật xuống, mặt tím tái và chết trên đường đi cấp cứu.
Viên cựu tỉnh trưởng Bình Tuy chết nhưng câu chuyện kho báu núi Tàu vẫn tiếp tục bởi một đầu mối thứ tư vẫn còn sống, đó là bà Thanh Xuân - vợ bé của ông Bường. Bà Thanh Xuân được giới săn lùng kho báu đặc biệt quan tâm chính vì bà đã luôn có mặt bên cạnh viên tỉnh trưởng Bình Tuy suốt 10 năm, khi ông này bị Ngô Đình Nhu “đày” đi Lao Bảo và cả giai đoạn sau này khi ông Bường thay tên đổi họ về sống ẩn náu tại vùng Tân Sơn Nhì, Gia Định.
Sau khi ông Bường mất, tháng 1/1975 bà Thanh Xuân bất ngờ bị trung tá Đinh Văn Hạp, chỉ huy trưởng Cảnh sát quốc gia tỉnh Bình Tuy bắt đưa lên trực thăng chở khẩn cấp về giam tại Tổng nha Cảnh sát - Sài Gòn vì tội làm gián điệp cho “Việt Cộng”. Tại đây bà Thanh Xuân bị tra hỏi gắt gao về kho báu. Tuy nhiên bà này vẫn không hé răng bất cứ thông tin nào.
Ngày 30/4/1975 Sài Gòn giải phóng, bà Thanh Xuân được tự do và trở về La Gi sinh sống đến năm 1987 thì được con bảo lãnh qua Pháp rồi định cư tại đây. Từ thời điểm này thân phận của người đàn bà bị săn đuổi vì chuyện kho báu như chìm dần vào quên lãng.
Lê Huân
Bài 3: Hành trình 40 năm tìm vàng không mệt mỏi