Thứ bảy tới, Syria phải công bố chi tiết đầy đủ vũ khí hóa học cùng các cơ sở liên quan. Đây là phép thử quan trọng liệu Tổng thống Bashar al-Assad có tuân thủ thỏa thuận Nga - Mỹ trong việc phát hiện, đảm bảo và từ bỏ loại vũ khí độc hại hay không.


{keywords}

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo chung ở Geneva. Ảnh: Getty Images

Kế hoạch trên định rõ "lộ trình chặt chẽ" đặt dưới sự giám sát quốc tế về vũ khí hóa học của Syria cho tới khi chúng bị di dời hoặc phá hủy vào giữa năm 2014. Dĩ nhiên, lộ trình này sẽ gặp không ít khó khăn ngay cả khi chính quyền Assad sẵn sàng hợp tác.

Có những kẽ hở trong một văn bản được chính thức gọi là "khuôn khổ" đã khiến cho cam kết của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trở nên bấp bênh. Nếu Assad không tuân thủ, Tổng thống Barack Obama sẽ lần nữa đối mặt với vấn đề nên hay không dùng quân sự can thiệp.

Không tin cậy

Câu hỏi ban đầu là liệu Nga có thể cứu Assad - một đồng minh đang phải vật lộn để tồn tại - khỏi điều mà Mỹ nói là trách nhiệm về một cuộc tấn công 21/8 khi sử dụng chất độc gây hại thần kinh sarin làm hơn 1.400 người thiệt mạng.

Thỏa thuận làm việc giữa Kerry và Lavrov không nêu rõ những thông tin cơ bản như quy mô kho chứa của Assad, vị trí cũng như vũ khí hóa học có thể bị phá hủy thế nào. Assad không lập tức bình luận về thỏa thuận được đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ.

“Có thể không có cuộc chơi, không chỗ tránh né, không thứ gì khác ngoài việc tuân thủ đầy đủ", Ngoại trưởng Mỹ nói với báo giới ở Geneva hôm 14/9 tại cuộc họp báo chung với ông Lavrov. Trong khi đó, sau cuộc họp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Jerusalem, ông Kerry khẳng định, Obama vẫn giữ chọn lựa quân sự của mình.

Nga và Mỹ không nhất trí về số lượng địa điểm vũ khí của Syria (theo một quan chức ngoại giao Mỹ). Điều này sẽ gây khó khăn trong việc xác định liệu Assad có công bố toàn bộ cơ sở hạ tầng vũ khí hóa học của Syria (gồm cả số lượng, vị trí lưu giữ đạn dược, tác nhân hóa học, thiết bị sản xuất) cho quá trình phá hủy hoặc loại bỏ hay không.

Sau đó là chuyện xác nhận thông tin của các nhà giám sát quốc tế. Thỏa thuận nhấn mạnh, các nhà giám sát cần "có quyền kiểm tra lập tức và không hạn chế bất kỳ địa điểm nào". Cách diễn đạt này có thể giúp các thanh sát viên quốc tế tiếp cận một số vị trí quân sự nhạy cảm nhất của Assad. Các địa điểm thanh sát đầu tiên sẽ do Syria đưa ra và dự kiến hoàn tất trong tháng 11.

“Có nhiều lý do để nghĩ rằng Assad sẽ trì hoãn, sau đó tìm cách giấu một số vũ khí hóa học", Robert Lieber, giáo sư các vấn đề quốc tế Đại học Georgetown ở Washington nói. Một khi các địa điểm được xác định, các thanh sát viên quốc tế cần "được điều động nhanh nhất có thể để hỗ trợ kiểm soát, di dời và phá hủy các khả năng vũ khí hóa học của Syria. Thỏa thuận nêu rõ, 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có thể cử chuyên gia hỗ trợ quá trình này.

“Assad có thể cất giấu một số vũ khí hóa học, nhưng không dễ qua mặt được các thanh sát viên khi có thông tin tình báo Nga, Mỹ hỗ trợ", Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí tại Washington nói.

Bất đồng

Nhiều quan chức Mỹ thừa nhận kiến thức của họ về kho vũ khí hóa học của Syria bị hạn chế. Họ nhận diện được hơn 40 địa điểm mà lực lượng tình báo cho là nơi lưu giữ vũ khí, nhưng cũng không thực sự tự tin. Cũng không có sự chắc chắn về quy mô kho chưa vũ khí hóa chất của Syria. Mỹ ước tính Syria có 1.000 tấn tác nhân hóa học nhưng ước tính của Nga lại thấp hơn.

Tìm kiếm và xác nhận toàn bộ cơ sở này là một thách thức trong khi các cuộc giao tranh nội chiến ác liệt vẫn diễn ra. Theo ông Kerry, việc thanh sát và thẩm định sẽ rất khó khăn vì Assad giờ đây kiểm soát toàn bộ các địa điểm vũ khí.

“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chế độ Assad cho phép tiếp cận hoàn toàn mọi địa điểm hay thực thi thủ tục đưa tất cả nguyên vật liệu ra hỏi Syria để phá hủy", Andrew Tabler, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chính sách Cận Đông tại Washington nói. Thậm chí kể cả khi Assad tuân thủ quy định công bố và tiếp cận, thì việc tháo dỡ hay phá hủy loại vũ khí chết người cũng là một thách thức, nhất là trong thời gian ngắn. Thỏa thuận yêu cầu mọi thiết bị sản xuất, pha trộn đều cần phải phá hủy vào tháng 11.

Không có quyết định đưa ra về việc bên nào hay nơi nào sẽ phá hủy vũ khí hóa học, bên trong Syria hay ở một nước khác. Ở đây cũng không có quá nhiều chọn lựa. Mỹ đã đóng hoặc chuẩn bị đóng cửa 9/13 địa điểm phá hủy vũ khí hóa học. Hơn nữa, việc vận chuyển tác nhân hóa học của Syria tới Mỹ để lưu trữ và phá hủy có thể vi phạm luật cấm vận chuyển các vật liệu như vậy qua các tiểu bang tại Mỹ.

Mỹ lại không muốn nhìn thấy chất độc hại được vận chuyển đến Libya - nơi những phần tử Hồi giáo cực đoan vẫn đang chiến đấu chống lại chính phủ. "Ứng viên" khả năng nhất là Nga - đồng minh của Syria - cũng là nơi có các cơ sở phục vụ việc phá hủy vũ khí hóa học.

Kerry và Lavrov tiết lộ, họ có những bất đồng về việc cho phép sử dụng vũ lực theo chương 7 của Hiến chương LHQ nếu Assad không tuân thủ thỏa thuận. Nga không tán thành thỏa thuận mà Mỹ đề xuất (có sự ủng hộ của Pháp và Anh) rằng, Hội đồng Bảo an yêu cầu ngay từ đầu phải tuân thủ theo chương 7 nếu không đối mặt với can thiệp quân sự. Trong khi đó, Nga muốn việc vi phạm sẽ được đặt ra xem xét tại Hội đồng, sau đó mới cân nhắc biện pháp áp dụng theo chương 7.

Thái An (theo Bloomberg)