- Tổng bí thư nói với cử tri sáng nay chống tham nhũng đòi hỏi khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Phải giữ ổn định để đất nước phát triển, rối loạn sẽ rất nguy hiểm.

Giống mọi kỳ tiếp xúc cử tri Hà Nội, trong buổi tiếp xúc trước kỳ họp QH sáng nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại nhận được nhiều kiến nghị liên quan chống tham nhũng, tiêu cực. 

Không phải xới tung lên, gây mất niềm tin, nghi kỵ

Cử tri Nguyễn Hồng Toán  - Chủ tịch Hội luật gia quận Tây Hồ bày tỏ niềm phấn khởi trước nỗ lực diệt tham nhũng của Đảng, Nhà nước nhìn từ hàng loạt đại án gần đây. "Cử tri rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã xử lý những cán bộ biến chất lấy tiền của Nhà nước phục vụ cá nhân".

{keywords}
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài

Cử tri Nguyễn Phú Nho ở phường Vĩnh Phúc có một bài phát biểu dài mà ông nhấn mạnh khi mở đầu: "Cử tri rất đau xót với lãng phí". Đau xót lắm vì trong lúc nhân dân còn đang khổ, trong lúc quốc gia đang đi vay tiền để trả nợ thì lãng phí rất lớn. "Lớn không biết bao nhiêu tỉ đồng, từ làm đường, chợ, mua sắm ô tô, nhiều cử tri nói kể cả hội nghị mừng công, hoa đầy rẫy. Nếu bớt đi cho người nghèo thì đỡ hơn".

{keywords}
Cử tri Nguyễn Phú Nho: Rất đau xót với lãng phí

Ông Nho nói, trong nhiều nguyên nhân có trách nhiệm của cán bộ quản lý, từ năng lực trình độ, lợi ích nhóm, có cả một số vấn đề cơ chế chính sách chưa phù hợp.... "Trong lãng phí, toàn nói chúng ta, chứ ít nói đến tôi, phải truy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, phê duyệt, xử lý nghiêm minh".

Đáp lại mong mỏi của cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói những bức xúc này là đúng. Trong bối cảnh TQ đang quyết liệt chống tham nhũng, ta thì sao? Tổng bí thư khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ.

"Không phải chỉ sợ mất lòng tin của dân như chúng ta nói là mất tất cả đã đành, mà làm hại cho ngay nền kinh tế, chính trị của chúng ta. Dân không đồng tình, Đảng cũng không đồng tình. Lãnh đạo Đảng nhiều lần nói không ai bật đèn xanh dung túng cho hành động tham nhũng, lãng phí" - Tổng bí thư phát biểu.

Tuy nhiên, công cuộc chống tham nhũng được lãnh đạo Đảng khẳng định "phức tạp và quá khó", có nhiều việc muốn mà chưa làm ngay được.

Ngoài việc xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật ngừa tham nhũng, kiên quyết đấu tranh phát hiện ra tham nhũng, Tổng bí thư cũng nêu những khó khăn, thử thách trong xử lý nghiêm minh.

"Phát hiện đã khó nhưng xử lý phải nghiêm. Ta muốn xử lý nhanh nhưng bao nhiêu công đoạn, một vụ án chằng chịt bao nhiêu mối quan hệ, giám định kê khai có đúng không, giám định người khai có đúng không... rất phức tạp. Chưa kể nhiều lần nói đây là vấn đề lợi ích, cấu kết, móc ngoặc với nhau, lợi ích nhóm, ông mất chân giò, bà thò chai rượu... những quan hệ lằng nhằng với nhau".

{keywords}

Tổng bí thư cũng cho rằng, xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển. Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm.

"Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định".

Không phải cứ đi địa phương về là được đề bạt

Cử tri Đặng Tài Tính ở phường Cống Vị nêu chuyện quản lý, sắp xếp cán bộ. Ông phản ánh, có trường hợp cán bộ vừa nhận nhiệm vụ ở địa phương "chưa ấm chỗ" lại rút ngay về trung ương.

{keywords}
Cử tri Đặng Tài Tính

Ông khẳng định cử tri không chấp nhận được nếu có cán bộ nói yêu nước nhưng vì lợi ích cá nhân mà tham nhũng, lợi ích nhóm và một bộ phận như vậy làm mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng. Như trường hợp một số cán bộ đã nghỉ hưu gần đây bị báo chí phanh phui có nhiều tài sản đất đai.

Trả lời cử tri, Tổng bí thư khẳng định công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng bởi cán bộ quyết đinh tất cả... Việc luân chuyển xuống địa phương, đảo cán bộ đi khắp nơi là một quá trình rèn luyện, thử thách, và cũng để vừa chống cục bộ địa phương chủ nghĩa. Như kinh nghiệm của TQ làm rất tốt.

"Các chức danh chủ chốt cũng là đưa người nơi khác đến, đương nhiên có cả người địa phương, nhưng đi về có quy định, chứ không xuống được một thời gian lại rút lên, thế thì chuồn chuồn đạp nước, cốt lấy cái mác đi thực tế về. Chúng ta quy định đi tối thiểu 3 năm, không phải cứ đi về là để đề bạt lên đâu. Đi làm có tốt hay không, đây là quá trình thử thách..." - Tổng bí thư cho biết, nhấn mạnh việc luân chuyển để đào tạo cán bộ toàn diện, biết nhiều việc.

Kinh tế biển chiến lược

Cử tri Phạm Văn Tá ở phường Yên Phụ dành những phát biểu trăn trở kiến nghị Đại hội Đảng 12 sẽ bàn xây dựng kinh tế biển vững mạnh kết hợp với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền đất nước.

{keywords}
Cử tri Phạm Văn Tá

Ông Tá cho rằng với bờ biển dài 3620 km, dân số vùng biển 19,2 triệu ở 28 tỉnh, thành, nền kinh tế biển gắn với nhiệm vụ an ninh quốc phòng phải được nâng cấp lên một mức, xứng tầm. Để làm được, buộc phải có chương trình tổng thể, đào tạo từ nhân lực kinh tế biển, các sĩ quan biển, thuyền viên, đóng tàu....

Tổng bí thư khẳng định kinh tế biển kết hợp quốc phòng an ninh bảo vệ biên giới chủ quyền quốc gia là vấn đề chiến lược và không phải bây giờ mới đặt ra.

"TƯ đã thấy rất sớm, cách đây hơn chục năm TƯ đã ra nghị quyết về kinh tế biển, đã có chiến lược tổng thể, vừa qua đầu tư phát triển mạnh kết hợp chủ quyền quốc gia".

Tổng bí thư cũng lưu ý nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia là quan trọng. Như trong vụ việc giàn khoan của TQ hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của VN, VN đã đấu tranh bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế, kết hợp nhiều biện pháp để TQ phải rút giàn khoan, đưa quan hệ trở lại hòa dịu.

Tổng bí thư khẳng định phải tranh thủ môi trường hòa bình để xây dựng phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

Xuân Linh - Ảnh: Minh Thăng