- Chiều 10/8, khu vực tràn sông Nhuệ tại thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ nước đã rút. Tuy nhiên, tại điểm ngập cầu Ngà vẫn bị cấm đường.

Ngày 10/8, PV VietNamNet đã trở lại những điểm nóng ngập lụt tại Hà Nội trong 2 ngày vừa qua.

Vẫn cấm cầu Ngà

Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, ngày 9/8, mưa kéo dài đã làm nước trên sông Nhuệ dâng cao gây nên điểm ‘sập’ cầu Ngà (Từ Liêm, Hà Nội).

Chiều 10/8, nước sông Nhuệ đã rút tại điểm cầu Ngà và điểm tràn đê sông tại thôn Miêu Nha. Tuy nhiên, đường vẫn tiếp tục bị cấm.

{keywords}

 {keywords}

Nước đã rút khỏi điểm ngập úng gây nguy hại đễn cầu Ngà cũ, tuy nhiên hai bên đường vẫn bị cấm tuyệt đối.

 

Theo quan sát, cầu Ngà (cũ) đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Mặt cầu có nhiều đường nứt ngang dọc, và bị cắt thành các đoạn.

Một nửa còn lại của cầu vẫn chìm trong nước. Rất có thể, điểm cầu sập như đã cảnh báo nằm ở đoạn này.

Một chiếc cầu mới được xây dựng để thay thế cầu cũ, hiện tại mới thi công xong phần mặt bê – tông hai bên.

{keywords}

Điểm nứt dọc ngang trên cầu Ngà cũ sau khi nước rút.

{keywords}
 

Điểm tràn tại khu vực cầu đường sắt qua sông Nhuệ tại thôn Miêu Nha nước đã rút.

 

Tại điểm tràn gần đường sắt qua sông Nhuệ (cách cầu Ngà chừng 500 mét), nước đã rút thấp hơn so với đường kè được dựng bằng bao tải cát gia cố cọc tre vào ngày hôm qua.

Nhiều người dân cho biết, kể từ sau đợt lụt lịch sử năm 2008 đến nay, đây là lần thứ hai người dân được huy động đi chống lụt sông Nhuệ.

Trước đó, vào ngày 9/8, 120 chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn Thiết giáp 47, 340 cán bộ chiến sĩ K83, 20 cán bộ chiến sĩ BCH quân sự huyện Từ Liêm (Bộ Tư lệnh Thủ đô), cùng 80 dân quân tự vệ xã Tây Mỗ, Xuân Phương và bà con nhân dân xã Tây Mỗ nỗ lực vá điểm vỡ.

Hai đầu đoạn đường 70 từ Xuân Phương đi Đại lộ Thăng Long đã bị cấm đường. Các bao tải cát đã được dựng để làm kè chắn ngăn không cho nước sông Nhuệ tràn sang khu dân sinh.

Cầu Ngà cũng được ghi biển cảnh báo là “cầu hỏng”, các phương tiện giao thông bị cấm tuyệt đối đi vào khu vực này.

Người dân có nhu cầu đi vào thôn Miêu Nha (xã Tây Mỗ) phải chọn đường men theo đường sắt cách đó chừng 500 mét, đường rất xấu, để qua lại, và chỉ lưu thông được xe thô sơ.

{keywords}

{keywords} 

Người dân tăng bo tại phần rìa đường sắt vượt sông Nhuệ tại khu vực thôn Miêu Nha.

 

Người dân xã Xuân Phương buộc phải đi đường vòng qua đường Lê Đức Thọ để sang Đại lộ Thăng Long.

Cũng trong chiều 10/8, lãnh đạo xã Tây Mỗ đã có một cuộc họp nội bộ. Khi được hỏi về việc khắc phục hậu quả sau mưa úng và phương án xử lý điểm cầu Ngà bị xuống cấp nghiêm trọng, chủ tịch xã Tây Mỗ cho biết, ngành giao thông sẽ xử lý việc này.

Người dân xã Tây Mỗ kỳ vọng về việc, sau sự việc ngập úng gây nguy hại đến cầu Ngà cũ, tiến độ xây dựng cầu Ngà mới sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới.

Điểm nóng Keangnam

Chiều 10/8, PV cũng đã trở lại điểm nóng về ngập nước ở khu vực đường Phạm Hùng, xung quanh khu Keangnam.

Nước đã rút từ chiều tối qua (9/8), tuy nhiên người dân vẫn chưa thôi bàn tán về ‘sự kiện’ ngập lớn nhất ở Hà Nội tình từ năm 2008 đến nay.

{keywords}
Khu vực Keangnam ngập sâu trong ngày 9/8 - Ảnh: Hiếu Linh

 

Chị Lê Thanh L. (cư dân khu chung cư cao cấp Keangnam, đường Phạm Hùng cho hay, nước đã phong tỏa hết các tuyến đường vào khu đô thị. Việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn do người dân không dám đi ô tô, xe máy của mình.

“Nhìn các xe chết máy, thuê cứu hộ ầm ầm xung quanh, gia đình tôi không dám sử dụng xe. Cả ngày hôm qua có việc phải đi bằng taxi, tốn khá nhiều tiền” – chị L. cho hay.

Trong khi đó, chị Nguyễn H.L (có trụ sở cơ quan trên đường Phạm Hùng) cho biết, khu vực này ngập nặng nhất Hà Nội. Ngập kéo dài 2 ngày khiến việc đi lại của chị bị thay đổi. Ngày 8/8, khi các tuyến phố Hà Nội ngập ngày đầu tiên do ảnh hưởng bão số 6, chị đã phải để xe ở cơ quan, đi taxi về. Hôm sau (9/8), đường đến cơ quan vẫn ngập, chị vẫn để xe ở cơ quan và bảo người nhà đến đón.

Tuy nhiên, theo chị L., dù như thế nhưng chị vẫn thích cảm giác đứng trên tòa nhà mấy chục tầng nhìn xuống ‘các dòng sông’ uốn lượn xung quanh. Chị đã cùng đồng nghiệp chụp lại “các dòng sông” để làm kỷ niệm.  

Tiếp tục xả nước sông Nhuệ vào nội đô

Về việc xả nước sông Nhuệ vào nội đô để cứu khu vực ngoại thành không bị ngập úng nặng trên diện rộng, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết tính đến thời điểm cuối ngày 8/8, tình trạng ngập úng khu vực đường Phạm Hùng đã được kiểm soát.

{keywords}
Người dân ra bắt cá trong ngày 9/8 khi nước sông Nhuệ được xả ra sông Tô Lịch

Sau khi mở cống Thanh Liệt để nước sông Nhuệ tràn vào sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, đến khoảng 5 giờ chiều ngày 8/8, mực nước sông Nhuệ đã giảm 40cm.

Công ty cho biết mới chỉ mở 20% cống Thanh Liệt bởi nếu mở rộng hơn, lượng nước về quá lớn, trạm bơm Yên Sở không tải đủ sẽ khiến nước tràn vào khu vực nội thành gây tái ngập.

Trong tình hình hiện nay, khi mưa đã chấm dứt, nắng đã hửng, khu vực nội đô không còn điểm úng ngập, cống Thanh Liệt sẽ được mở rộng hơn để lượng nước sông Nhuệ tràn vào mạnh hơn giúp tình trạng ngập nhanh chóng được giải quyết.

Công ty thoát nước cho biết sẽ điều hòa chủ động, linh hoạt để mực nước giữa các khu vực được cân đối, đồng đều, tránh ngập úng cục bộ.

K.Trung – T.Du – C.Quyên