- Nhật ký chuyến thăm chính thức California lần đầu tiên của Đại sứ VN tại Mỹ Phạm Quang Vinh đầy ắp những gạch cộng phong phú. Thăm bang quan trọng hàng đầu với quan hệ hai nước, ông bất ngờ nhận visa đặc biệt chào đón Đại sứ ở bờ Tây nước Mỹ.

Gần 30 hoạt động nối tiếp nhau tại cả miền Bắc và Nam California của Đại sứ Phạm Quang Vinh trong suốt một tuần đã không thể thoát khỏi radar quan sát của báo chí cộng đồng, đặc biệt là báo chí cộng đồng của người Việt.

Sacramento Bee, Los Angeles Times, San Francisco Chronicle...những tờ báo lớn của bang đã chạy các bài tường thuật các cuộc tiếp xúc của Đại sứ VN.

Los Angeles còn tranh thủ tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến (tele-com) nối các phóng viên của báo giữa Los Angeles, Washington DC và Quận Cam nhân sự kiện này để bàn về quan hệ Việt-Mỹ. CalChamber, phòng thương mại Cali còn chạy trên trang mạng riêng bài dài về cơ hội hợp tác với VN với tiêu đề "Đón Đại sứ VN".

Thông tin báo chí trong vùng như vết loang khiến cuộc "đối mặt" của Đại sứ với báo chí cộng đồng người Việt ở ngay "thủ phủ" Cali là một dấu cộng đáng nhớ.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh trả lời báo Vietweekly

Hiếm có một cuộc tương tự nào trước đó giữa Đại sứ VN và báo chí của người Việt vốn có những quan điểm bất đồng trong nước như vậy. Lần đầu tiên ông gặp với tinh thần thẳng thắn, chân thành, cởi mở trước mọi câu hỏi của PhoBolsa TV, Viet Weekly, các báo đài cộng đồng.

Có phóng viên hỏi thẳng: Thưa Đại sứ, ông có thấy bực mình khi vẫn có những người phản đối chuyến thăm của ông tới California?

Ông Vinh trả lời: "|Tôi thăm chính thức bang Cali để thúc đẩy quan hệ và gặp gỡ kiều bào. Tôi đã gặp Thống đốc bang, lãnh đạo các thành phố, các doanh nghiệp, các hiệp hội... 

Tất cả đều mong phát triển quan hệ với VN. Tôi gặp nhiều bà con, họ chúc mừng tôi đến thăm. Còn về câu hỏi cụ thể của nhà báo, tôi xin trả lời: tôi không bực bội, nhưng là Đại sứ, tôi thấy còn nhiều việc phải làm".

Rồi Đại sứ chia sẻ thêm: "Với bà con chưa hiểu, xin hãy về thăm VN để được tận mắt một đất nước đổi mới, phát triển nhiều mặt”.

{keywords}
Đại sứ VN trong cuộc trả lời phỏng vấn Pho Bolsa TV

Gặp gỡ kiều bào là một nửa mục đích quan trọng của Đại sứ khi đến bờ Tây bởi nơi đây là "thủ phủ" của cộng đồng người Việt, chiếm tới gần nửa số người gốc Việt tại Mỹ.

Ở Bắc California, ông đã có cuộc gặp với gần 150 kiều bào. Ở Nam California, Đại sứ cũng có những cuộc tiếp xúc chung, riêng với các nhóm, thế hệ kiều bào khác nhau, tổ chức tiệc thân mật với nhiều bà con.

Nhật ký ghi chép bà con kiều bào chia sẻ thường xuyên theo dõi rất kỹ tình hình trong nước, những chính sách, chủ trương của đất nước và phấn khởi trước sự thay đổi của quê hương. Bà con nhận thấy đất nước đã có vươn lên trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển, vị thế đất nước được nâng cao.

Nhưng không phải ai cũng đã vượt qua được quá khứ, hay có điều kiện nắm đủ thông tin khách quan về đất nước.

Đại sứ đã cởi mở, chủ động nói chuyện với mọi người, chân thành trao đổi và chia sẻ những tình cảm về quê hương, cả về những ý kiến còn khác biệt; tuy rằng chưa thể một lúc giải toả hết được những tâm tư, rào cản.

Kiều bào cũng trực tiếp đặt các câu hỏi cho Đại sứ về những chính sách, lập trường của đất nước trong các vấn đề quan trọng như kinh tế, chính trị, đối ngoại, TPP, biển đảo.

{keywords}
Sinh viên Phạm Nguyễn Đăng Trình đến nghe Đại sứ Phạm Quang Vinh nói chuyện

Trong các cuộc gặp, có kiều bào nói rằng, "ngay trong một gia đình mà vẫn có sự khác về quá khứ-tương lai; chúng tôi hiểu, nhưng rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ chúng tôi muốn hướng tới tương lai, mong có dịp đưa con cháu về Việt Nam, thăm quê cha, đất tổ”.

Thông điệp chung được Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh đó là Nhà nước coi cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nói riêng và cộng đồng người Việt trên toàn thế giới nói chung là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.

Ông bày tỏ, với sự thành tâm, cởi mở của cá nhân trên cương vị Đại sứ nước CHXHCN VN tại Hoa Kỳ, chuyến thăm sẽ thúc đầy hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng với đất nước, tăng cường mối quan hệ khăng khít giữa bà con và quê hương.

Trước khi thăm Cali, ông Vinh bày tỏ trên một bài báo viết riêng cho Sacramento Bee đó là ông muốn "rút ngắn thời gian làm quen với sở tại" bằng cách dùng hình tượng chai rượu vang như một thông điệp giao lưu, thông thương giữa hai nước.

{keywords}
Một buổi nói chuyện của Đại sứ tại trường đại học California Davis

Ông tâm sự coi đây như một tấm visa để thúc đẩy giao lưu, thông thương giữa hai bên và cũng để quảng bá cho VN, quốc gia đứng thứ 9 trong những nước nhập khẩu vang nhiều nhất từ California, như một phần nội dung quan trọng của chuyến đi.

Nhưng khi ông đến bờ Tây, ở Nam California, nơi vẫn còn có những người gốc Việt ngần ngại, có quan điểm khác biệt, bà con đã đánh giá rất cao sự kiện Đại sứ trực tiếp đến thăm kiều bào.

Không chỉ chủ động mở cho mình một visa cho chuyến đi, khi đến với cộng đồng, ông bất ngờ nhận visa đặc biệt đón chào Đại sứ VN ở bờ Tây nước Mỹ.

Xuân Linh

Tiếp: Chai rượu vang quý hiếm của Đại sứ