- Sau khi HĐXX kết thúc phần luận tội, tòa bước vào phần tranh tụng với phần bảo vệ của các luật sư cho thân chủ của mình.


Cần xem xét nguyên nhân thua lỗ

Bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị cáo Phạm Thanh Bình - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Vinashin là luật sư Chu Đông - đoàn luật sư Hà Nội.

Luật sư Chu Đông cho rằng, HĐXX cần xem xét lý do vì sao từ năm 2009, Tập đoàn Vinashin kinh doanh thua lỗ.

Luật sư Chu Đông cho rằng, những thiệt hại của Vinashin do chịu tác động ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong đó, nhiều ngành kinh tế lâm vào hoàn cảnh khó khăn chứ không gì Vinashin.

VKS đề nghị mức án 19-20 năm đối với bị cáo Phạm Thanh Bình.
Mặt khác, việc truy tố bị cáo Bình là không đúng, bởi Bình chỉ là người ký các quyết định, còn việc thực hiện là ở cấp dưới.

Về dự án tàu Hoa Sen, theo như cáo trạng, Phạm Thanh Bình đã không thực hiện đúng quy trình và thủ tục đầu tư, không có biên bản tổng nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, không lập báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quá trình kiểm tra chất lượng trước khi nhận bàn giao tàu không đảm bảo tính khách quan.

Cáo trạng cũng khẳng định: Trong dự án này, Phạm Thanh Bình giữ vai trò là người tổ chức, Trần Văn Liêm, Hồ Ngọc Tùng, Giang Kim Đạt, Trịnh Thị Hậu và Hoàng Gia Hiệp là đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, luật sư Chu Đông cho rằng, bị cáo Bình đã “hiểu lầm” các Công văn số 1959/VPCP–CN ngày 12-4-2007 của Văn phòng Chính phủ.

Về quy trình, luật sư Đông cho rằng, tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thực hiện việc đầu tư theo đúng các quy định hiện hành. Trên cơ sở nóng vội thực hiện ý tưởng xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nên bị cáo Bình đã hiểu nhầm chỉ đạo của Chính phủ, ham rẻ để mua tàu cũ về chạy thử nghiệm với mong muốn hình thành được tuyến đường cao tốc Bắc- Nam trên biển.

Tại tòa bị cáo Bình đồng tình với quan điểm luật sư của mình, và cho rằng, không gây nên các thiệt hại như cáo buộc. Bị cáo Bình cho rằng “để triển khai một dự án lớn như vậy, ắt hẳn sẽ phải có những sai sót, và điều đó là khó có thể tránh khỏi”.

Bị cáo Trần Văn Liêm cũng cho rằng, hành động của mình cũng chỉ tuân theo chỉ đạo từ trên tập đoàn với mong muốn xây dựng một con đường cao tốc Bắc - Nam vận tải trên biển.

Tôi đã từng phục vụ trên đoàn tàu không số trong thời kỳ chiến tranh. Đã từng trải qua quân ngũ. Khi được chỉ đạo thực hiện dự án này, tôi có mong muốn xây dựng một đường cao tốc Bắc -Nam thực sự trở thành “con đường Hồ Chí Minh trên biển” trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, bây giờ vinh quang chưa thấy đâu mà lại ra thế này. Bản thân tôi cảm thấy rất buồn”- bị cáo Liêm nói.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo Hoàng Gia Hiệp, Nguyễn Đình Côn, Trần Quang Vũ… cũng cho rằng hành vi của thân chủ mình không vi phạm pháp luật.

Luật sư Trần Hồng Phúc (Đoàn Luật sư Hà Nội), người bào chữa cho bị cáo Trần Quang Vũ cho rằng, không đủ cơ sở cáo buộc ông Vũ cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Theo luật sư Phúc, Tàu Bạch Đằng Giang khi mua về năm 2001 là tàu sắt vụn, sau đó được hoán cải, sau khi chở một chuyến về thì bị đắm, được đưa lên neo đậu một chỗ cho đến khi bàn giao cho Công ty Nam Triệu.

Hành vi của bị cáo Vũ là làm lợi cho Nhà nước bởi vì nếu đấu giá chỉ bán được 75 tỷ đồng, nhưng qua tháo dỡ bán vỏ tàu thì được hơn 66 tỷ đồng, 9,3 tỷ đồng tiền thiết bị còn lại, và một cầu trị giá 3,7 tỷ đồng. Như vậy tổng giá trị là trên 86 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, việc “xé” lẻ tàu ra để bán đã thu lời hơn 11 tỷ đồng. Do vậy, hoàn toàn không có thiệt hại” - luật sư Phúc nói.

Nguyên Chủ tịch Vinashin bị đề nghị 19-20 năm

Trước đó, trong buổi sáng 29/3, phần luận tội, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã khẳng định: Tại thời điểm phạm tội, Phạm Thanh Bình là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, là người giữ vai trò chủ chốt của 3 dự án. Do vậy, Bình có vai trò chính trong vụ án, mức án cao hơn các bị cáo khác. Mặc dù, Phạm Thanh Bình có nhiều tình tiết giảm nhẹ song hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên cần áp dụng cao nhất của khung hình phạt.

VKS đề nghị mức án 19-20 năm đối với bị cáo Phạm Thanh Bình.

8 bị cáo khác bị đề nghị mức án từ 3- 18 năm tù về tội.

Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương , nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long, đại diện VKS đề nghị HĐXX chuyển từ tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “sử dụng tài sản trái phép”.

Ngày mai, tòa sẽ tiếp tục phần tranh tụng và tuyên án.

Hoàng Sang