Bộ TT&TT đang triển khai nhiều giải pháp để tạo lập một thị trường 4G nói riêng và viễn thông nói chung cạnh tranh lành mạnh, thông qua những biện pháp quản lý theo cơ chế thị trường.

Lời khẳng định này được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đưa ra bên lề một Hội thảo chuyên về 4G LTE mới đây, khi ông tái cam kết việc cơ quan quản lý sẽ nỗ lực để đảm bảo người dân được hưởng lợi ích cao nhất từ hạ tầng băng rộng di động 4G trong thời gian tới.

viễn thông, 4G
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: 2016 đã hội tụ tương đối đầy đủ điều kiện để triển khai 4G thương mại. Ảnh: V.P

Điều này chỉ có thể có được khi các nhà mạng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với nhau trong việc cung cấp dịch vụ, đồng thời cơ chế "chia sẻ lợi ích" giữa doanh nghiệp xây dựng hạ tầng băng rộng, doanh nghiệp phát triển nội dung, ứng dụng với người dùng dịch vụ phải "hợp lý, hài hòa, cân bằng".

"Chìa khóa" quyết định sự thành công, phát triển bền vững của băng rộng 4G chính là mô hình hợp tác, là cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý giữa các bên. Chừng nào các quan hệ này cân bằng, hài hòa, tạo ra hệ sinh thái thì chúng ta mới tận dụng được hết tiềm năng của công nghệ, dịch vụ băng rộng 4G cho sự phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng lưu ý các nhà mạng.

"Cần một hệ sinh thái"

Liên quan đến một vấn đề rất được quan tâm là thời điểm dự kiến triển khai 4G LTE chính thức tại Việt Nam, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, 2016 là năm hội tụ tương đối đầy đủ các điều kiện để VN triển khai thành công băng rộng di động 4G. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ đòi hỏi băng thông rộng xuất hiện ngày càng nhiều; các loại thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G trên thị trường đa dạng, có giá ngày càng giảm. Các doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng triển khai 4G. Bộ cũng đã cấp phép thử nghiệm cho một số nhà mạng từ cuối năm 2015 và tới đây, họ sẽ báo cáo kết quả thử nghiệm. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xem xét cấp phép chính thức. Mặt khác, Chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến năm 2020 của Chính phủ cũng xác định mục tiêu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ rộng khắp cả nước. Đến năm 2020, dự kiến 95% dân số sẽ được phủ sóng 3G/4G theo như Chương trình này.

"Với tất cả những điều kiện đó, Bộ sẽ khẩn trương xem xét cấp phép 4G chính thức trong năm 2016 này", Thứ trưởng nêu rõ.

Để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thương mại 4G một cách thành công, ngoài các nhóm giải pháp nhằm tạo lập một thị trường cạnh tranh lành mạnh bằng các biện pháp quản lý theo cơ chế thị trường, Bộ TT&TT cũng sẽ thúc đẩy việc phát triển các ứng dụng nội dung, CNTT trên hạ tầng viễn thông băng rộng như Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đào tạo từ xa, y tế từ xa, giao thông thông minh... Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng trong việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật công cộng liên ngành; tinh giản thủ tục và đồng bộ các yêu cầu cấp phép triển khai hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của các bộ, ngành, địa phương với doanh nghiệp viễn thông.

Trong số này, nhóm giải pháp số 2 có vai trò rất quan trọng, bởi nó sẽ góp phần hình thành nên một hệ "sinh thái" ứng dụng cho hạ tầng 4G. Chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến năm 2020 cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử... Các doanh nghiệp viễn thông lớn cũng đang xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020, đặc biệt quan tâm đầu tư lớn cho 4G. Ngoài ba mạng Viettel, VNPT VinaPhone và MobiFone thì một số doanh nghiệp khác như FPT cũng đã đề xuất được phát triển 4G.

viễn thông, 4G
Các chuyên gia khuyến nghị nhà mạng nên xem xét chính sách cước khi triển khai 4G

"Chúng tôi sẽ xem xét, cân nhắc tất cả các đề xuất và kết quả thử nghiệm 4G của doanh nghiệp để đưa ra lộ trình phát triển hợp lý cho công nghệ này tại Việt Nam. Tôi tin rằng năm 2016 sẽ là năm khởi đầu thuận lợi cho 4G còn 2017 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ này", Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ với VietNamNet.

Cần thay đổi chính sách cước?

Ông Dong Soo Park, TGĐ phụ trách Marketing & Sales toàn cầu của Samsung Networks cũng khẳng định phía Hàn Quốc đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường LTE Việt Nam. Tỷ lệ tăng trưởng GDP của VN trong năm 2015 là 6.68%. "Thu nhập người dân được cải thiện là điều kiện lý tưởng để trải nghiệm những dịch vụ mới, nhất là các dịch vụ đa phương tiện như video", ông Park phân tích.

Từ kinh nghiệm những tập đoàn viễn thông hàng đầu Hàn Quốc đã triển khai 4G, lưu lượng dữ liệu sẽ tăng lên chóng mặt khi người dùng tăng lên. "Yếu tố quan trọng nhất là xây dựng hệ thống mạng LTE tốc độ cao để nắm bắt kịp sự phát triển của công nghệ như LTE-Advanced Pro, nhằm cung cấp đường truyền liên tục, các cuộc gọi chất lượng cao và tốc độ dữ liệu di động nhanh cho người dùng cuối", ông Park chia sẻ. Về điểm này, Samsung khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng mạng LTE overlay (LTE lớp), tách biệt hoàn toàn với các mạng 2G/3G giúp quá trình triển khai nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Trước câu hỏi của VietNamNet về những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi triển khai 4G, bên cạnh những lợi ích đã được nhắc đến quá nhiều, ông Park cho biết:"Trong vòng khoảng 2, 3 năm trở lại đây, rất nhiều nhà mạng trên thế giới đã hỏi chúng tôi câu hỏi và cách giải quyết tương tự".

Một trong số những thách thức lớn nhất mà chúng tôi đề cập ngày hôm nay là làm thế nào để đáp ứng được sự phát triển bùng nổ của lưu lượng dữ liệu di động trong mạng LTE. Yếu tố chủ chốt của sự bùng nổ này chính là dịch vụ video. Trung bình một người dùng 4G LTE sử dụng 4.3 Gigabytes (GB) một tháng trong khi người dùng 3G chỉ sử dụng 0.7 GB. Điều khó khăn là nhu cầu thị trường này vẫn đang tăng lên không ngừng. Chúng tôi chắc chắn rằng những nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam cùng các nhà mạng sẽ phải cân nhắc về vấn đề này".

Bên cạnh đó, chính sách giá cước cũng phải thay đổi cho phù hợp với thực tế sử dụng của người dùng. Chẳng hạn như tại Hàn Quốc, sau khi dịch vụ LTE chính thức ra mắt, các nhà mạng nước này đã điều chỉnh chính sách giá từ dịch vụ thoại sang dịch vụ dữ liệu. Nếu bạn đăng ký gói cước dữ liệu không giới hạn, bạn sẽ nhận được những cuộc gọi và tin nhắn miễn phí, ông Park lưu ý.

Trước những chia sẻ này từ phía Hàn Quốc, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng đây là những bài học kinh nghiệm rất hữu ích cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam, bởi Hàn Quốc không chỉ triển khai thành công thương mại 4G trong nước mà còn cả ở nước ngoài, dành được nhiều dự án lớn tại Mỹ, Anh, Ấn Độ... Đặc biệt, các nhà mạng trong nước có thể tham khảo đối tác Hàn Quốc để xây dựng mô hình kinh doanh tối ưu ngay từ đầu. Dù vậy, ông cũng lưu ý các nhà mạng rằng, tuy 2016 hội tụ đầy đủ điều kiện để triển khai 4G chính thức, nhưng thời điểm chính thức "khi nào, bao giờ" thì còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh cụ thể của từng doanh nghiệp. "Họ cần phải cân bằng được các bài toán về đầu tư, hiệu quả mạng lưới... một cách kỹ lưỡng trước khi lựa chọn thời điểm cung cấp dịch vụ chính thức".

Trọng Cầm

VN phủ sóng 3G/4G đến 95% dân số trước 2020

Sẽ đấu giá băng tần 4G vào cuối 2016

Đừng nên ảo tưởng về 4G

Bộ TT&TT sẽ cấp phép 4G trong năm 2016

Tập trung phát triển mạng 4G trong năm 2016

Nhà mạng không tin 4G có thể bùng nổ trong 2016

Sẽ có 4 nhà mạng thử nghiệm 4G?

Nhà nước không quy định trần giá cước 4G

Nhà mạng cần tránh triển khai 4G chỉ để lấy tiếng

"Muốn 4G thành công, giá cước phải hợp lý"