Tính đến thời điểm 1/5/2016, Hà Nội có khoảng 65.377 hộ nghèo, trong đó 44.765 hộ nghèo và hơn 21.800 hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương cần được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2.
Con số này được đưa ra trong cuộc làm việc giữa Bộ TT&TT với UBND TP.Hà Nội sáng nay, 18/5, về tình hình triển khai Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua.
Viettel có thể hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo trên địa bàn HN, nhưng cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. |
Đây là số hộ nghèo, cận nghèo áp dụng theo chuẩn mới, phát sinh hơn 20.000 hộ cận nghèo so với dự kiến ban đầu. Theo tính toán, Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam sẽ chỉ hỗ trợ được 34.409 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn cũ. Vì thế, hỗ trợ đầu thu đang là một vấn đề mà Hà Nội gặp khó khăn. Theo báo cáo của UBND TP thì mới đây, cơ quan này và Viettel Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ theo hướng Viettel hỗ trợ triển khai Đề án số hóa trên địa bàn Thủ đô với nhiều nội dung. Trong đó có việc Viettel sẽ triển khai lắp đặt truyền hình cáp các hộ nghèo, cận nghèo của Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện tại Viettel chưa có hạ tầng tại một số địa bàn, đặc biệt là các xã ở xa trung tâm, xã miền núi nên việc lắp đặt truyền hình cáp tại các địa bàn này sẽ chậm hơn các địa bàn đã có hạ tầng. Dự kiến đến ngày 15/8/2016, Viettel chỉ có thể hỗ trợ lắp đặt truyền hình cáp cho khoảng 12 nghìn hộ. Vì thế, trong trường hợp cả hai đơn vị (Viettel và Quỹ VTCI) không kịp hỗ trợ đầu thu cho số lượng hộ nghèo trước ngày 15/8/2016, Văn phòng đề nghị UBND TP Hà Nội mua đầu thu hỗ trợ từ nguồn ngân sách của địa phương để đảm bảo tiến độ tắt sóng analog như đã định.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số (Bộ TT&TT) cho biết, theo quyết định phê duyệt Đề án số hóa truyền hình của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương kèm theo điều kiện là các hộ này phải có TV. Nguồn tiền mua đầu thu từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích và đơn vị triển khai hỗ trợ là Bộ TT&TT. Vai trò của UBND các tỉnh, thành phố là phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức phân phối và kiểm tra giám sát việc hỗ trợ. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/6 là thời điểm tắt sóng mềm 7 kênh analog tại 3 TP lớn là Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ.
Ông Tuấn nêu rõ, nhà nước sẽ hỗ trợ đầu thu cho cả các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới, nhưng do số lượng các hộ nghèo mới phát sinh chưa kịp cập nhật nên để kịp tiến độ tắt sóng analog, Hà Nội cần triển khai hỗ trợ trước cho hơn 34.000 hộ theo chuẩn Trung ương cũ. Đối với các hộ phát sinh theo chuẩn mới, Bộ TT&TT sẽ triển khai Dự án mua sắm hỗ trợ sau.
Phân biệt rõ giữa hỗ trợ công ích và dịch vụ trả tiền
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng lưu ý Viettel cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Hà Nội, như chỉ được hỗ trợ việc lắp đặt đầu thu nếu dùng nguồn quỹ phúc lợi sau thuế và không được hạch toán vào chi phí kinh doanh, đồng thời chỉ được hỗ trợ bằng hình thức phổ cập dịch vụ truyền hình quảng bá. Nếu cung cấp thêm các kênh giải trí, doanh nghiệp phải làm đúng quy định về cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
T.C