-  “Muốn cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển thì đầu tiên phải có khung pháp lý, phải có giấy khai sinh cho các công nghệ 4.0, các mô hình kinh doanh 4.0", chia sẻ của một chuyên gia tại buổi gặp mặt giữa Bộ TT&TT và các chuyên gia người Việt tại nước ngoài đang tham dự Chương trình kết nối Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018.

Tự tạo “tình trạng chiến tranh” làm động lực phát triển

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận những ý kiến rất có giá trị của các đại biểu trẻ tham dự Chương trình kết nối Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018. Cụ thể như ý kiến của chuyên gia Nghiêm Đức Long (đang công tác tại Sydney, Úc): “Việt Nam muốn thành một cường quốc về 4.0 thì phải thực hiện cuộc cách mạng toàn dân. Việt Nam chỉ mạnh khi có cách mạng toàn dân.” 

{keywords}
Tham dự buổi gặp mặt có nhiều lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn công nghệ tại Việt Nam. Ảnh: MIC.

Một chuyên gia công tác tại Pháp chia sẻ quan điểm: “Muốn cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển thì đầu tiên phải có khung pháp lý, phải có giấy khai sinh cho các công nghệ 4.0, các mô hình kinh doanh 4.0. Nếu Chính phủ và và các bộ ngành quản lý không cấp ‘giấy khai sinh’ cho các mô hình này thì công nghệ 4.0 rất khó sống.”

Chuyên gia Vũ Lê Hải (Đại học Monash, Úc) đặt vấn đề khá thiết thực: “Cần tập trung vào việc phát triển công nghệ ở Việt Nam để giải quyết các bài toán của thị trường Việt Nam.”

Việt Nam sẽ tự sản xuất chip vi xử lý

Một chuyên gia khác đang là nghiên cứu sinh tại Busan, Hàn Quốc đặt câu hỏi: “Làm cách mạng thì phải cần có vũ khí. Vậy tiềm năng sức mạnh tính toán của Việt Nam hiện đã chuẩn bị đến đâu? Liệu vài năm nữa có hệ thống siêu máy tính nào nằm trong top 500 máy tính mạnh nhất thế giới hay không?”

Trả lời câu hỏi này, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định thế giới ngày nay đang ngày càng khó dự đoán tương lai. Những người giỏi nhất chưa chắc đã là người dự đoán đúng. Cách ứng xử với thế giới hiện tại là phản ứng nhanh, không dự tính quá dài, và Việt Nam có lợi thế ở khả năng này. Khi cần tới siêu máy tính để giải quyết các bài toán lớn, Việt Nam sẽ có.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vi mạch Viettel cho biết hiện doanh nghiệp này đã triển khai và vận hành một hệ thống siêu máy tính về tín hiệu vệ tinh với gần 2000 core, tương đương hiệu suất hàng tỷ teraflop. Ông Trương Gia Bình cho biết tập đoàn FPTcũng vừa mua một siêu máy tính chuyên về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI).

Đại biểu Mai Khanh, Trung tâm vi mạch ở Đại học Tokyo chia sẻ về vấn đề bảo mật cho phần cứng. “Nếu muốn phòng tránh nguy cơ bảo mật phần cứng thì Việt Nam phải làm chủ được quy trình thiết kế và chế tạo vi mạch xử lý. Điều này nhằm tránh việc sau khi thiết kế chip xử lý, nếu chúng ta thuê các công ty sản xuất nước ngoài như Đài Loan hoặc các quốc gia khác, sẽ không kiểm soát được việc họ có cài lén các chương trình gián điệp vào phần cứng chip xử lý.” 

“ Tôi luôn có khát vọng người Việt Nam tự thiết kế và tự sản xuất được chip xử lý made in Việt Nam. Để làm được điều này cần có sự kết hợp về nghiên cứu giữa các trường đại học về công nghệ và đầu tư của Chính phủ để hướng tới sản xuất vi mạch ngay tại VN”, chuyên gia Mai Khanh chia sẻ.

Liên quan tới vấn đề nghiên cứu và sản xuất chip xử lý, ông Kiên cho biết: “Viettel mới thành lập Trung tâm thiết kế chip, chưa phải trung tâm sản xuất. Năm 2010 – 2012, UBND TPHCM đã có chương trình vi mạch gồm cả thiết kế và nhà máy sản xuất. Sau một thời gian nghiên cứu, hiện vẫn chưa đủ điều kiện để làm một nhà máy sản xuất vì phải đầu tư tới vài chục tỷ đô.”

“Viettel đang làm công nghệ chip cho trạm BTS 5G, ứng dụng công nghệ 7–10 nanomet, dự kiến sẽ có sản phẩm vào năm 2019. Chúng tôi sẽ làm công nghệ mini-fab, thấp hơn 1 chút so với thế giới, hướng tới sản xuất vi mạch cho thiết bị IoT ngay tại Việt Nam để có mức giá rẻ”, ông Kiên cho biết. 

{keywords}
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với các đại biểu dự buổi gặp mặt. Ảnh: MIC.

Việt Nam cần những bài toán lớn để phát triển công nghệ

Chuyên gia Vũ Kiên Dương, (Tập đoàn Tesla, Mỹ) đặt câu hỏi: “Trên thế giới, các nhà khoa học lớn thường có xu hướng thích giải những bài toán lớn. Với thị trường Việt Nam, liệu có những bài toán nào đủ lớn để sau này có thể áp dụng toàn cầu? đủ lớn để thu hút nhân tài quốc tế, sau đó đủ lớn để bán lại giải pháp cho thế giới?

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định đây là câu hỏi rất chính xác. Việc khó sẽ sinh ra người giỏi, việc  trung bình sinh ra người trung bình. Câu chuyện đặt ra bài toán lớn là việc rất quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Người đứng đầu ngành TT&TT nhận định: “Câu chuyện bài toán lớn hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu. Có ai nghĩ được chuyện tỉ phú Elon Musk của Tesla phóng được vệ tinh với giá giảm 10 lần, hay lên kế hoạch đưa người lên vũ trụ. Cứ đặt vấn đề, tạo áp lực, rồi sau đó mới nghĩ cách làm. Câu chuyện chúng ta chia sẻ hôm nay là bài toán lớn thì sinh ra người lớn, bài toán vĩ đại sinh ra người vĩ đại. Người đứng đầu có trách nhiệm đặt bài toán cho doanh nghiệp của mình.”

Ông Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch kiêm TGĐ Viettel góp ý kiến: “Tôi thấy một trong những bài toán lớn của Việt Nam là kêu gọi trí thức Việt Nam góp sức. Chúng tôi mong những bài toán lớn của Việt Nam có sự tham gia của các tri thức Việt Nam khắp thế giới. Các bạn nên hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn, khi có kết quả cụ thể sẽ thuyết phục Chính phủ điều chỉnh chính sách, pháp lý hỗ trợ CMCN 4.0 hiệu quả hơn.”

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng tái khẳng định công thức thành công được đề cập tại Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, đó là: “Trí tuệ toàn cầu, trong đó có trí tuệ người Việt ở nước ngoài, nhân với Chính phủ, là nơi tạo ra môi trường pháp lý, chính sách, rồi nhân với Doanh nghiệp Việt Nam bằng Thành công. Chính doanh nghiệp Việt Nam mới là người giải bài toán lớn, đưa công nghệ đến với thị trường, vì họ hiểu Việt Nam cần gì, họ có thị trường, có tài chính và nguồn đầu tư. Doanh nghiệp cũng sẽ là người thử nghiệm công nghệ tại thị trường Việt Nam, khi thành công mới có thể mang ra thế giới.”

Huy Phong (ghi)