- Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con bị bỏng, vội vàng ngâm tay con vào cả vại cà muối hay đổ trực tiếp nước mắm lên vết bỏng… gây ra những hậu quả vô cùng đau đớn.

TIN BÀI KHÁC

Chữa bỏng bằng muối, vôi bột, bùn ao…

Trường hợp của cháu V. (3 tuổi, Nghệ An) khiến các bác sĩ tại Viện Bỏng Quốc gia còn nhớ mãi. Cháu bé nhập viện trong tình trạng toàn thân bỏng nặng và đã tử vong sau đó ít giờ do bị sốc bỏng.

Nguyên do là, sau khi nghe tiếng con khóc thét vì bị phích nước sôi trên bàn đổ cả vào người. Cha mẹ bé vội vàng ôm con chạy xuống bếp rồi nhúng cả người cháu vào vại cà muối.

Rồi trường hợp cháu Hồng P. 4 tháng tuổi tại Cầu Giấy, Hà Nội. Cha mẹ đều là những người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng khi thấy con bị bỏng thì liền mang cả lọ nước mắm dội hết vào vết thương. Hậu quả là vết bỏng bị hoại tử và nhiễm trùng. Cháu bé vĩnh viễn mất đi 3 đốt ngón tay.

Sự sai lầm của một số bậc phụ huynh khiến các vết bỏng trên người trẻ thêm nặng (Ảnh: Zing)
Một gia đình nọ ở vùng quê Hải Hậu, Nam Định cũng áp dụng bài thuốc dân gian chữa bỏng bằng muối cho cô con gái mới 5 tuổi của mình. Sau khi phát hiện con bị bỏng bô xe máy, gia đình liền lấy cả kg muối bỏ vào miếng vải rồi đắp lên vết bỏng cho con. Hậu quả sau gần nửa tháng “điều trị” tại gia, vết bỏng của cháu bé bị thối rữa và nhiễm trùng nặng, cần phải tiến hành phẫu thuật để cấy da.

Cũng có không ít những trường hợp tự chữa bỏng bằng vôi bột, bùn ao vì các cụ truyền lại những thứ này vừa lành, vừa mát. Một số khác còn đắp tỏi, trứng… và muôn vàn những thứ “tả pí lù” khác như kem đánh răng, nhựa chuối, mỡ trăn, nõn ổi, mẻ…
Một cháu bé 10 tuổi ở Lạng Sơn, sau khi bị bỏng vì ngã vào bếp than, nhiều người hàng xóm mách nước cho gia đình nhai lá ổi non đắp vào vết bỏng. Đợi 3 ngày, 5 ngày rồi cả tuần không thấy có tiến triển gì, gia đình mới vội vã đưa con vào Viện Bỏng quốc gia. Lúc này, các vết bỏng đã bị nhiễm trùng huyết, hoại tử và buộc các bác sĩ phải cắt cụt nửa bàn tay.

Một số bậc phụ huynh cũng tin tưởng giao tính mạng của con cái cho các thầy lang chữa bỏng vì theo giới thiệu của nhiều người những bài thuốc dân gian này hiệu nghiệm mà giá thành lại rẻ. Song không ít vết bỏng từ nhẹ chuyển sang nặng vì đã qua tay “thầy”.

Trường hợp cháu Duy N. (13 tháng tuổi, Hà Nội) là một ví dụ. Bé từ chỗ bị bỏng nước sôi độ nhẹ đã chuyển sang độ sâu sau khi được đắp “thuốc gia truyền” hơn 10 ngày. Hậu quả cháu bé bị hoại tử mu bàn chân trái, bên trên lớp thuốc đóng vảy, nhưng bên dưới có nhiều dịch mủ, phải phẫu thuật ghép da.

80% trường hợp mắc sai lầm

Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng Quốc gia đã trả lời trên các phương tiện truyền thông rằng, chỉ có khoảng 20-30% số bệnh nhân được sơ cứu bỏng đúng cách trước khi đưa đến bệnh viện. Số còn lại thường làm sai hoặc không xử lý gì.

Tiến sĩ Lượng cũng cho biết, việc dân gian quan niệm khi bị bỏng thì không nên chạm vào nước để tránh phồng là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi nước giúp vết bỏng hạ nhiệt tại chỗ, khiến tổn thương không ăn sâu vào trong, giảm đau và giảm nguy cơ sốc. Trong trường hợp các vết bỏng do axit, hay vôi tôi thì nước sẽ giúp làm loãng các chất này, giúp vết thương bớt nghiêm trọng hơn trước khi được đưa đi cấp cứu.

Một bệnh nhân phải vào viện bỏng điều trị sau khi đắp thuốc của thầy lang (Ảnh do Viện Bỏng quốc gia cung cấp)
Vì vậy khi bị bỏng, chỉ cần ngâm vào nước khoảng 15-20 phút, sau đó dùng băng sạch băng ép lại thì vết bỏng sẽ không bị phồng.

Đề cập đến các bài thuốc gia truyền trong chữa bỏng, Tiến sĩ Lượng nói rõ, y học không phủ nhận những bài thuốc gia truyền hay của nhiều gia đình. Tuy nhiên, một số “thầy lang” mạo danh, hoặc hiểu biết sơ sài về bệnh cũng treo biển khám chữa. Hậu quả trong công thức chữa bệnh, thầy thuốc tiến hành pha chế đủ thứ tạp nham… và bệnh nhân là người phải gánh chịu.

Nhiều gia đình dùng muối, nước mắm, tương, mẻ… để đắp lên vết bỏng cũng là một sai lầm. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Huệ, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, việc sơ cứu như trên chỉ làm bệnh nhân đau đớn hơn, dễ bị sốc và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Nếu bôi kem đánh răng lên vết bỏng, bệnh nhân không những không đỡ mà sẽ bỏng nặng thêm do bị bỏng kiềm (trong thành phần kem đánh răng có chứa kiềm nhẹ).

Dân gian cũng truyền tụng cách chữa bỏng bằng mỡ trăn. Tuy nhiên trên thực tế tác dụng làm mát của mỡ trăn thấp hơn nhiều so với nước.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích có đến 50% các ca bỏng mỗi năm tại Việt Nam là trẻ em và hơn nửa trong số đó là bệnh nhi dưới 5 tuổi. Bỏng ở trẻ em nguy hiểm hơn người lớn vì sức đề kháng của trẻ còn kém, dễ bị bội nhiễm. Do vậy, dù chỉ là vết bỏng nhẹ nhưng nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời có thể gây hoại tử hoặc tử vong do nhiễm trùng.

Vì vậy theo khuyến cáo của các bác sĩ, các bậc phụ huynh nên đặc biệt cẩn thận với các tác nhân có thể gây bỏng cho trẻ, đồng thời khi phát hiện thì cần phải sơ cứu đúng cách càng nhanh càng tốt, sau đó nên đưa đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị.

Minh Anh