Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ thủy sản nhập từ Nhật, tuy nhiên đang chờ giá trị tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế và kết quả đo mẫu cá đối chứng của Việt Nam để đưa ra kết luận cuối cùng.

TIN BÀI KHÁC


Nhiều loại rau được bày bán ở chợ Nhật Bản bị phát hiện có nguyên tố phóng xạ vượt quá quy định (SGGP)

Theo nguồn tin của báo Thanh niên tối 29/3, căn cứ theo tiêu chuẩn VN, Bộ KH-CN khẳng định các kết quả đo nồng độ chất phóng xạ I-131 trong không khí các ngày 28-29/3 đều nhỏ hơn hàng trăm ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người. Hiện tại, nồng độ phóng xạ thấp như ở Việt Nam hoàn toàn không đáng lo ngại, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường.

Ông Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học Công nghệ trả lời báo điện tử VOV News, cho biết “phông phóng xạ ở cỡ 0,15 microsivert/giờ. Đó là số liệu rất bình thường ở Hà Nội và các số liệu khác đo phông phóng xạ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng cho thấy rất bình thường. Trạm Quan trắc của Cục Bức xạ an toàn hạt nhân đo liên tục 24 tiếng trong 1 ngày và cứ 10 phút chúng tôi cập nhật thông tin 1 lần. Chúng tôi sẽ cập nhật những thông tin rất chính xác để thông báo tới người dân nắm bắt được tình hình. Đến nay, tôi có thể khẳng định nó chưa ảnh hưởng đến Việt Nam”.

Cũng trong hôm qua, tại Hải Phòng, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Cục Thú y đã tiến hành đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ Cs-137 và I-131 đối với 19 mẫu thủy sản nhập từ Nhật của bốn doanh nghiệp, gồm Công ty CP TM Vikotra, Công ty TNHH Tuấn Việt, Công ty CP TM Trung Sơn Hưng Yên, Công ty CP Khai thác dịch vụ thủy sản Hạ Long. Đoàn kiểm tra cho hay hiện nay đã có kết quả đo nhưng đang chờ giá trị tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế và kết quả đo mẫu cá đối chứng của Việt Nam để đưa ra kết luận cuối cùng.

Hiện nay, lo ngại trước tình hình thực phẩm Nhật bản nhiễm xạ, rất nhiều nước đã ngưng việc nhập khẩu và tiến hành kiểm tra rất gắt gao quy trình này. Ngày 30/3, ông Denis Flory, một quan chức IAEA cho biết cơ quan này đã nhận được thông tin từ giới chức Singapore cho biết nước này đã đo được một số mẫu bắp cải nhập từ Nhật có lượng phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn 9 lần theo quy định trong Luật Dinh dưỡng.

Cùng ngày, cơ quan Bảo vệ môi trường và Cục Thực phẩm, dược phẩm Mỹ cũng cho biết họ đã phát hiện thấy một lượng nhỏ phóng xạ I-131 trong mẫu sữa thu được từ thành phố Spokane, bang Washington.

Tuy nhiên các quan chức nước này cho hay mức độ phóng xạ đo được thấp hơn 5.000 lần mức nguy hiểm và thấp hơn nhiều mức có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ em. Lượng I-131 được tìm thấy là 0,8 picocuri/lít (1picocuri = 1/1.000 tỷ curi – đơn vị đo lường phóng xạ). Trước đó vào hôm 26/3, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết đã phát hiện khoảng 99 sản phẩm bao gồm cả sữa và một số loại rau củ trong đó có rau chân vịt và bông cải bị nhiễm phóng xạ.

Bộ NN-PTNT cũng đã yêu cầu Cục Thú y và cơ quan kiểm soát tại cửa khẩu cần tăng cường kiểm tra hàm lượng, dư lượng phóng xạ trong sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu. Đặc biệt lưu ý các cơ sở sản xuất thủy sản và thịt gia súc, gia cầm tại vùng Fukushima (Nhật Bản) là vùng có sự cố hạt nhân, nếu có hàng xuất vào Việt Nam trong thời gian này. Đồng thời, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với ngành chức năng tăng cường lấy mẫu thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản để xét nghiệm

Hiện chỉ có 4 cơ quan đủ năng lực kiểm tra các chỉ tiêu phóng xạ trong hàng hóa: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Phòng Kiểm nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu khoa học hạt nhân tại Hà Nội, Phòng Kiểm nghiệm thuộc Trung tâm hạt nhân đóng tại TP.HCM và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. (Theo Sài Gòn giải phóng)


Kiều Ngọc (Tổng hợp)