Nhiều người túi tiền không rủng rỉnh nhưng vẫn muốn có một chuyến du lịch ý nghĩa. Để tổ chức được một chuyến du lịch như vậy, họ phải tính toán, cắt giảm mọi thứ, tiết kiệm chi tiêu hơn, nhất là trong thời bão giá này.

TIN BÀI KHÁC


Ở khách sạn bình dân


Dịp giỗ tổ Hùng Vương này vì được nghỉ liền 3 ngày nên chị Thoa (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức cho cả gia đình và ông bà nội ngoại đi chơi ở Sa Pa. Cả gia đình thích đến Sa Pa để được thả hồn vào thiên nhiên, ngắm mây phủ, những thửa ruộng bậc thang xoáy những vòng tròn bất tận...

Tuy nhiên, điều chị Thoa băn khoăn là việc chọn khách sạn để ở. Chị Thoa rất muốn đặt phòng ở một khách sạn lớn cho cả gia đình, nhất là khi có cả ông bà nội ngoại đi cùng. Nhưng năm nay, xăng tăng, điện nước tăng, hàng hóa tăng chóng mặt... mà tiền lương của chị vẫn dậm chân tại chỗ. Công việc kinh doanh của ông xã thì lẹt đẹt, đồng tiền kiếm ra mỗi lúc mỗi khó.

Suy đi tính lại, chị Thoa bàn với ông xã đặt phòng cho cả nhà ở khách sạn bình dân để dành tiền vui chơi nhiều hơn. Ông xã chị lúc đầu cũng có ý ngại bố mẹ, nhưng thời buổi giá cả leo thang chóng mặt như hiện nay thì tiết kiệm vẫn là thượng sách.

Mang đồ ăn theo

Chị Hòa (ở Cầu Giấy, Hà Nội) lại có cách tiết kiệm khác khi đi du lịch trong thời bão giá.

Kỳ nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương này gia đình chị Hòa đi du lịch Hạ Long. Với thu nhập của cả hai vợ chồng tầm hơn 30 triệu đồng/tháng, trước đây, chị có thể thoải mái chi tiêu cho sinh hoạt gia đình và không phải băn khoăn nhiều về chi phí cho những chuyến du lịch như thế này.

Phải tính làm sao để vừa tiết kiệm chi tiêu mà vẫn có một chuyến du lịch ý nghĩa (Ảnh minh họa. Nguồn Eva)

Tuy nhiên, từ Tết đến giờ, giá cả tăng khủng khiếp, nhiều mặt hàng thậm chí tăng gấp rưỡi, gấp đôi, trong khi đó thu nhập trong gia đình thì không tăng. Gia đình chị Hòa có 4 người, 2 đứa con đang học phổ thông, chi phí sinh hoạt trong gia đình khá tốn kém. Với giá cả tăng cao chóng mặt như hiện nay, đi du lịch phải tiết kiệm thôi.

Chị Hòa nghĩ ra một cách khá hiệu quả để tiết kiệm chi phí cho chuyến du lịch là mang đồ ăn theo. Ở Hạ Long, giá dịch vụ ăn uống đều rất đắt đỏ. Hai thằng con chị Hòa lại đang tuổi ăn tuổi lớn, cứ để cho chúng nó ăn uống thoải mái ở nhà hàng thì tiền đâu mà xuể. Để tiết kiệm, chị Hòa đành phải mang theo đồ ăn. Chị chuẩn bị lỉnh kỉnh đủ thứ, giò, thịt, hoa quả, nước uống... Như thế đỡ phải đi ăn tiệm nhiều, mà lại yên tâm, không lo bị ngộ độc.

Du lịch kiểu bình dân

Gia đình anh Hà (chủ cửa hàng điện tử ở quận Hà Đông, Hà Nội) lại chọn cho mình một kiểu du lịch phù hợp với túi tiền trong thời bão giá này.

Cả nhà đi xe máy lên khu du lịch Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) để được ngắm hồ nước rộng, những biệt thự xinh đẹp ẩn mình bên bìa rừng; thả diều, ngồi ăn uống ở trên những dải cỏ xanh rờn; dạo trên quanh những thác nước phun với nhiều hình thù kì quái...

Vợ anh Hà cũng chuẩn bị nhiều món ăn cho cả nhà mang trong chuyến du lịch. Anh Hà bảo gia đình anh thích đi theo kiểu Tây ba lô này. Họ mang theo toàn bộ đồ ăn thức uống vừa để tiết kiệm vừa để tự do tận hưởng vài ngày theo kiểu sống du mục.

Cả nhà anh Hà đều chung quan điểm đi du lịch không nhất thiết phải đến những khu nổi tiếng, có nhiều du khách, giá cả đắt đỏ. Có thể đến những điểm du lịch ít nổi tiếng mà có cảnh quan thiên nhiên đẹp, miễn sao mọi người được xả hơi sau những ngày lao động vất vả...

Thu Hòa