Nhiều người vợ con nhà giàu đã phải khiến các ông chồng ngán ngẩm khi tự coi mình là một đại tiểu thư. Họ từ chối vai trò của người phụ nữ mặc dù đã lập gia đình.

TIN BÀI KHÁC

Lấy “nhầm” vợ nhà giàu
Sau khi kết hôn, anh Tân (Kĩ sư xây dựng ở Mỹ Đình, Hà Nội) giật mình khi chị Nga, vợ anh rủ rỉ: “Nhà mình thuê người giúp việc anh nhé. Em đi làm về mệt không đủ thời gian nữa…”. Lí do không đủ thời gian nhưng anh cũng hiểu rằng chị lười việc nhà chứ Nga là dân công sở, công việc cũng nhàn rỗi không đến mức không làm được bữa cơm tối cho chồng. 

Thời gian còn tìm hiểu nhau, mỗi lần anh đến nhà chơi đều được gia đình Nga mời ở lại dùng cơm. Bao nhiêu món ăn ngon, đẹp mắt bày lên bàn anh cứ ngỡ là của người vợ tương lai mình đảm đang làm ra hóa ra lại là tài nghệ của … mẹ vợ. 

Khốn khổ vì lấy vợ tiểu thư (Nguồn: kenh24.vn)

Những ngày chị giúp việc về quê, hai vợ chồng hết ra quán lại “chung thủy” với mì gói, phở gói. Anh cáu, chị hờn dỗi chạy vào phòng đóng cửa khóc lóc. Anh thở dài “Trời không chịu đất thì đất chịu trời” lại lóc cóc lấy xe đèo vợ đi ăn quán.

Sự xuất hiện của các tiểu thư đời mới là một phần hệ quả của lối sống hiện đại khi đời sống vật chất của nhiều gia đình được nâng cao. Họ cho rằng chỉ cần học hành, làm đẹp để kiếm một công việc ổn định và ông chồng sung túc là trọn vẹn bổn phận.

Còn việc nội trợ, những bà vợ tương lai này lại phó mặc cho người giúp việc. Họ quên rằng chính sự đảm đang, vén khéo của người phụ nữ mới là chìa khóa bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Những đại tiểu thư chối bỏ việc nhà
Cưới nhau chưa được một năm mà Hồng Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) đã giận dỗi bỏ về nhà ngoại đến cả chục lần, và lần nào, anh Phúc, chồng chị, cũng phải đích thân đến xin lỗi, năn nỉ mới đón được vợ về. 

Không chỉ có thế, bố mẹ vợ anh cũng hùa vào trách móc: “Con rể ăn ở không ra gì mới làm nó phải uất ức bỏ về nhà mẹ đẻ như thế”. Được thể, cô dâu mới chỉ cần một chuyện cỏn con không vừa lòng là sẵn sàng xách va li ngúng nguẩy bỏ về.

Sinh ra trong một gia đình sung túc, lại là con một nên Hạnh được bố mẹ chiều chuộng quá mức. Từ nhỏ đến lớn, cô được bố mẹ cưng chiều chỉ có ăn với học. Trầy trật mãi mới đậu được một trường cao đẳng, sau khi tốt nghiệp, Hạnh cũng được bố mẹ lo lót cho chỗ làm “trong mơ” dù học lực chỉ ở hạng làng nhàng. 

Khi chồng đảm” vợ lười (Nguồn: Ahaiday.com)

Về nhà chồng, Hạnh vẫn giữ thói quen và nếp sinh hoạt ở nhà. Sáng ngủ dậy trưa trật, sau giờ làm vẫn tụ tập bạn bè, lượn lờ phố xá tối mịt mới về nhà. Việc nhà chẳng bao giờ cô mó tay, chỉ khi nào được mẹ chồng nhờ cô cũng làm cho qua loa xong chuyện.
Lần này chỉ vì một chuyện “trời ơi đất hỡi” cô lại bỏ về nhà.

Nhưng một tuần trôi qua vẫn không thấy chồng đến đón như mọi lần, Hạnh thấy ngạc nhiên. Sang tuần kế tiếp, cô phải “xui” mẹ đẻ gọi điện sang giục nhà chồng. Mẹ đẻ theo thói quen cũ lại ngọt nhạt, Phúc thẳng thừng từ chối. Bố mẹ Hạnh cũng nóng ruột sợ hàng xóm “lời ra tiếng vào” đành phải xuống nước chở con gái về nhà chồng. 

Lần này trước thái độ cương quyết của Phúc “Thêm một lần bước chân ra khỏi nhà nữa là khỏi quay về” - Hạnh cũng bắt đầu thấy lo lo.
“Thế gian được vợ mất chồng”
Một bạn đọc cũng tâm sự trên một diễn đàn về câu chuyện của anh: “Vợ tôi là một giáo viên. Tôi từng suy nghĩ: vợ là giáo viên, được sinh ra trong một gia đình gia giáo thì hẳn là cô ấy sẽ là người biết sống và là người vợ rất đảm đang. Nhưng sau khi chung sống với nhau, tôi nhận ra mình đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng.

Tôi đã kiên trì, nhẫn nhịn để dạy bảo, hướng dẫn cho cô ấy từ cách đi chợ, nấu ăn, cách chăm lo cho cuộc sống gia đình... nhưng cho đến giờ, sau 4 năm, vẫn chẳng có sự thay đổi tích cực nào đáng kể. Vừa rồi, sau mấy lần có thai rồi lại bị hỏng, bé gái của tôi cũng được chào đời. Nhưng đến nay, bé đã được 3 tháng tuổi mà cô ấy vẫn “chưa biết làm mẹ”. Cô ấy không biết cách dỗ khi con khóc, không biết cả cách cho con ăn.

Đã 3 lần rồi tôi viết đơn ly hôn, cả 3 lần đó cô ấy đều xin lỗi và hứa sẽ cố gắng thay đổi, nhưng đâu vẫn vào đó. Sau 4 năm sống chung, tôi đúc kết ra rằng vợ tôi luôn coi mình là một đại tiểu thư trong gia đình này”.

Bạn đọc này đã tỏ ra rất bế tắc trong câu chuyện của gia đình mình. Không ít ông chồng cũng đã phải than thở khi vợ họ không làm tròn trách nhiệm của một người vợ và người chồng người trụ cột gia đình đã phải xuống nước làm thay vai trò này. Sau giờ làm họ cũng tất tả đón con, giặt giũ, lau nhà…chỉ vì vợ vụng. Có khi nào những người phụ nữ này nghĩ rằng đến một lúc nào đó, “giọt nước tràn ly” thì gia đình họ sẽ thế nào?
Lan Châu (tổng hợp)