Tại buổi thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần tổ chức ngày 15/5 ở Đà Nẵng, các chuyên gia đã đưa ra nhận định miền Trung Việt Nam có thể bị sóng thần cao trên 10m.
TIN BÀI KHÁC

Sáng 15/5, tại Trung đoàn thông tin 575 (Bộ Tư lệnh QK5, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã tiến hành thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng.

Tình huống giả định là một trận động đất khoảng 8,8 độ richter diễn ra hồi 9h57 (giờ địa phương) ở ngoài khơi phía Tây Philippines, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 2.000km và có khả năng gây ra sóng thần lớn ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực bờ biển Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung trong vài giờ sau đó.

8 nguồn động đất có thể gây sóng thần tại Việt Nam (Nguồn: Vast.ac)


Khi nhận được thông tin trên, trong vòng 2 phút, Viện Vật lý địa cầu phát tin động đất tại Trung tâm Báo tin động đất, sóng thần; đồng thời tại các trạm trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống còi đèn báo tín hiệu sẽ hụ lên, các phương tiện báo động, gây sự chú ý của người dân được vận hành.

Cùng lúc đó, thông tin động đất được nhắn tới các thuê bao di động theo danh bạ được chuẩn bị trước, rồi tiếp đó truyền tới hệ thống phát thanh trong bán kính khoảng 2km (đối với tháp cảnh báo) và thông qua hệ thống truyền thanh sẵn có của quận, huyện, phường.
Sau 8-10 phút, bản tin số hai về cảnh báo sóng thần sẽ phát đi, yêu cầu di chuyển, sơ tán, đồng thời nhắn bản tin thứ hai đến các thuê bao di động, đài phát thanh. Công tác sơ tán sẽ do lực lượng bộ đội chịu trách nhiệm.

Sau khi sóng thần xảy ra, bản tin số 3 được phát với nội dung thông báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng chống, cứu hộ hoặc báo an toàn và trở về nhà khỏi nơi sơ tán tùy theo mức độ ảnh hưởng của sóng thần vào bờ.

Chia sẻ với VietNamNet, TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), cho rằng sở dĩ vừa qua liên tục xảy ra động đất vì Việt Nam còn các hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp, như: đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, đứt gãy sông Mã, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy sông Hồng, đới đứt gãy sông Cả, đứt gãy kinh tuyến 1090 -1100... Các trận động đất liên tiếp thời gian qua chứng tỏ các đới đứt gãy ở nước ta đang hoạt động mạnh và không loại trừ một chu kỳ động đất mạnh đang lặp lại ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tới thời điểm này chưa có những bằng chứng thuyết phục để khẳng định sóng thần từng ảnh hưởng tới vùng biển Việt Nam. 


“Các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter ở các vùng biển này đều có khả năng gây ra sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam” – TS Minh cho biết thêm.

Trước đó, theo các kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý Địa cầu, nghiên cứu lịch sử động đất ở Việt Nam cho thấy cứ 20 - 30 năm lại xuất hiện động đất trên 6 độ richter. Cụ thể, năm 1923 có động đất mạnh 6,1 độ richter ở ngoài khơi Vũng Tàu - Phan Thiết; năm 1935, động đất mạnh 6,5 độ richter ở đới đứt gãy sông Mã và năm 1983, động đất mạnh 6,8 richter ở Tuần Giáo, Điện Biên.

Có nguy cơ cao nhất là đới hút chìm Manila. Động đất 8,3 độ richter tại đây có thể tạo sóng thần cao 5,2m ở Quảng Ngãi và 2,1m ở Nha Trang. Nếu mạnh 9,2 độ richter thì sóng thần ở Quảng Ngãi sẽ cao 10,6m và ở Nha Trang là 5m. Sóng thần đi từ rãnh nước sâu Manila tới bờ biển Việt Nam mất khoảng 2 giờ sau khi xảy ra động đất. Gần đây, vào ngày 26/5/2006, khu vực này đã xảy ra động đất 8,2 độ richter nhưng rất may không gây sóng thần.

Theo các nhà khoa học, không chỉ ở Việt Nam, các nước tiên tiến như: Nhật Bản, Mỹ cũng không thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất. Chính vì vậy Nhật Bản mới bị thiệt hại lớn trong trận động đất vừa qua. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có 30 trạm dự báo động đất và sóng thần phân bố khắp cả nước. Trong đó, có 8 trạm đặt cả máy ghi địa chấn và GPS liên tục.
Mẫn Chi (Tổng hợp)