- Vụ chìm tàu du lịch của KDL Xanh Dìn Ký xảy ra đêm 20/5 tại xã Bình Nhâm, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương không phải là vụ đầu tiên từ đầu năm đến nay. Số người thiệt mạng và mất tích ban đầu dự tính ít nhất 15 người một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng an toàn du lịch Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Chất lượng tàu du lịch

Đầu tháng 5 vừa qua, một tàu du lịch của Công ty Hải Long đã bị đâm chìm ở khu vực neo tàu hang Sửng Sốt, vịnh Hạ Long. Toàn bộ du khách và thủy thủ đoàn may mắn thoát nạn. Nguyên nhân khiến tàu du lịch bị chìm được xác định do bị một tàu tiếp nước đâm trúng.

Cách đây 3 tháng, tàu du lịch mang số hiệu QN 5198 của công ty TNHH Trường Hải đang hoạt động ở vùng biển cạnh đảo Ti Tốp đã bị chìm khi đang chở 20 khách du lịch người nước ngoài. Vụ chìm tàu kinh hoàng khiến 12 du khách thiệt mạng, trong đó có 10 người nước ngoài. Nguyên nhân được xác định là do bị bật tấm ván sạp ở khoang máy của tàu khiến nước biển tràn vào rất nhanh gây lật tàu.

Các lực lượng cứu hộ đang khẩn trương tìm những người mất tích trong vụ đắm tàu trên sông Sài Gòn tối 20/5

Công tác cứu hộ, cứu nạn hoàn tất cũng là lúc các ngành chức năng ngồi lại để phân tích nguyên nhân vì sao nên nỗi. Tại vụ đắm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long khiến 12 người thiệt mạng, chủ yếu là người nước ngoài thì nguyên nhân là do máy trưởng tắc trách. Kết luận của cơ quan công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, máy trưởng Đỗ Văn Thắng khi tắt máy không đóng các van lấy nước hai bên mạn tàu; rồi thuyền trưởng và các thuyền viên đã bỏ trực đêm, khi nước tràn sâu mới phát hiện và không kịp xử lý.

Vụ việc đã được khởi tố, Nguyễn Văn Minh (thuyền trưởng) và Đỗ Văn Thắng (máy trưởng) đã bị bắt về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tối 20/5, lại xảy ra vụ đắm tàu du lịch của KDL Xanh Dìn Ký trên sông Sài Gòn. Theo thông tin mới nhất của PV VietNamNet báo về từ hiện trường thì, đến khoảng 3h chiều 21/5, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã vớt được 15 nạn nhân của vụ chìm tàu, trong đó có 5 trẻ em.

Cũng theo nguồn tin của PV VietNamNet, một cán bộ Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 (đề nghị không nêu tên) cho biết, còn tàu du lịch bị chìm đã hết hạn đăng kiểm vào ngày 28/1/2011; tuy nhiên chủ quản lý phương tiện không làm việc với Cảng vụ. Thêm vào đó, nguồn tin từ nhiều phía, trong đó có những người đang làm việc tại nhà hàng nổi Dìn Ký xác định rằng tài công Lê Văn Đức (thuyền trưởng) không có bằng lái, chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện.

Bài toán nhân viên phục vụ?

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến những vụ tai nạn chìm tàu thương tâm xảy ra có yếu tố con người rất lớn. Nếu các tiếp viên hàng không cần mẫn giải thích cho khách cách xử lý sự cố xảy ra trước khi bay, thì những nhân viên nhà tàu khi có chuyện xảy ra họ lại là người chạy thoát đầu tiên. Trên tàu bị chìm tối qua, những người thoát thân được chủ yếu là người phục vụ và nhân viên.

Hay như vụ chìm tàu ở Hạ Long, những người còn sống sót bơi vào bờ cũng chủ yếu là những thuyền viên, nhân viên phục vụ trên tàu. Vậy tiêu chuẩn nào để đánh giá về đội ngũ thuyền viên và nhân viên phục vụ khi tham gia trên một chuyến tàu?

Sau vụ đắm tàu ở Quảng Ninh, ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ninh đã chia sẻ với báo chí rằng, mặc dù các thuyền viên, người phục vụ trên tàu đã có chứng chỉ về chữa cháy, bơi lội, nhưng có lẽ, sau đợt này các thuyền viên sẽ phải được đào tạo bài bản hơn, trong đó nhấn mạnh về trách nhiệm, ý thức của họ.

Chia sẻ với VietNamNet về việc một nhân chứng trên chiếc tàu bị chìm ở Bình Dương hôm 20/5 cho biết, có thể nguyên nhân xảy ra sự cố trên tàu là do tàu đóng kín tất cả các cửa kính tạo thành một bức tường cản gió nên con tàu nhanh chóng bị lật nghiêng, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết, đấy chỉ là một phần nhỏ dẫn đến nguyên chìm tàu.

Và nếu chỉ vì đóng kín các cửa mà dẫn đến nguyên nhân chìm tàu thì chất lượng của chiếc tàu đó quá là kém - TS Khải cho biết.

TS Khải chia sẻ: "Vụ chìm tàu ở Bình Dương là một bài học đắt giá đối với tất cả chúng ta. Kỹ năng của nhân viên phục vụ trên tàu quá yếu. Một khi mưa to gió lớn đã phải đóng hết các cửa tàu thì nhân viên trên tàu phải lường trước được mọi sự cố có thể xảy ra. Ít nhất cũng phải hướng dẫn hành khách lấy phao cứu sinh. Đằng này, họ chỉ hô hoán có sự cố rồi mạnh ai nấy chạy".

"Một khi tàu bắt đầu chìm, đứng hy vọng dùng tay có thể đẩy cửa thoát thân vì thiết kế hầu hết các tàu cửa mở đều đẩy ra ngoài. Cách tốt nhất là dùng bất cứ thứ gì có thể để đập vỡ cửa kính để thoát ra ngoài" - TS Khải khuyến cáo.

Hồi chuông cảnh báo về an toàn cho phương tiện giao thông đường thủy dường như đã được cảnh báo từ vụ đắm tàu du lịch ở Hạ Long khiến 12 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, một vụ tai nạn đường thủy nữa lại xảy ra. Nguyên nhân do khách quan được xác định là mưa và gió lớn, nhưng chủ quan thì rõ ràng có thể thấy, tàu này đã hết hạn đăng kiểm từ cách đây 5 tháng và thuyền trưởng đang được ngành chức năng xác minh "có bằng lái hay không"?

Sau đây, ngành chức năng không thể chậm trễ trong việc kiểm tra chặt chẽ các phương tiện giao thông đường thủy, đặc biệt các tàu du lịch, nhà hàng nổi để tránh những sự việc thương tâm tái diễn trong tương lai.

Mẫn Chi