Họ lấy con sâu róm cho vào cây măng, sau đó bịt lỗ không cho sâu chui ra. Con sâu róm sẽ chết, thối rữa, tạo thành “đé” (phần xơ cứng chưa bị thối hết). Lấy “đé” pha với một số độc dược từ cây cỏ sẽ tạo ra chất độc ghê người.
TIN BÀI KHÁC
Đúng là HKT đi hát mang theo mã tấu
Lại nóng "khu vườn kỳ lạ" chữa bệnh ở Long An
Bí ẩn tàu tự về bến không người lái
Rùng rợn... độc dược tự nhiên
Để tìm hiểu về những bài thuốc độc kỳ quái, chúng tôi tìm đến ông Lã Văn Lợi, thầy thuốc nam, là Hội trưởng Hội Đông y xã Bắc Lãng (Đình Lập – Lạng Sơn). Ông Lợi bảo: “Những bài độc dược ở vùng núi này chủ yếu được chế từ thảo dược và nọc độc của các loài động vật, sâu bọ... Để đề phòng, các cháu cầm mấy quả ớt và nhai trước khi ăn cơm sẽ không sợ bị trúng độc”.
Biết được những thủ thuật mà ông Lợi bày cho, chúng tôi đã không ngần ngại đi vào “miền độc dược”.
Đến xã Đồng Thắng tìm hiểu, chúng tôi mới biết những bài thuốc độc được truyền tụng nơi đây không phải chất nào quá xa lạ, mà là thứ độc sẵn có trong tự nhiên, chiết từ cóc, nấm độc, lông sâu róm, nọc độc rắn, nọc rết...
Ông Dương A Lộc, thôn Khe Lạn, xã Đồng Thắng kể: “Những năm 70, ở xứ Lạng còn khá nhiều hổ. Các cụ thường dùng râu hổ làm thuốc độc. Chất độc được tẩm vào mũi tên, mũi lao, săn bắn con mồi, con thú. Nhiều người đã dùng độc râu hổ để hại nhau do mâu thuẫn”.
Thầy thuốc Chu Văn Làu tiết lộ: “Rất nhiều loại cây có chứa chất độc được thầy thuốc pha chế với nhau thành thuốc kịch độc. Họ tìm những loài côn trùng có chất độc, chiết lấy chất độc của chúng. Họ bắt rắn độc cho cắn vào miệng chén để lấy nọc đựng vào lọ thủy tinh, đậy kín. Mật cóc cũng được lấy đúng cách. Rồi độc chất chiết xuất từ nhiều loại cây. Các loại độc dược này bảo quản cẩn thận sẽ để được mấy đời”.
Đồn rằng râu hổ cắt ngắn, thả vào thức ăn, đồ uống, người nuốt vào sẽ ngứa không chịu nổi, gãi đến rách tia máu và chết. Nếu râu hổ vào đến ruột, ruột sẽ thối, nôn ói, đau vật vã đến phun trào ruột gan ra ngoài và... chết!
Ông Chu Văn Làu kể cho tôi nghe cách chế bài thuốc có tên “phối tam kịch độc”. Họ lấy con sâu róm cho vào cây măng, sau đó bịt lỗ không cho sâu chui ra. Con sâu róm sẽ chết, thối rữa, tạo thành “đé” (phần xơ cứng chưa bị thối hết). Lấy “đé” pha với một số độc dược từ cây cỏ sẽ tạo ra chất độc ghê người.
Thả sâu róm trong cây măng để tạo ra bài thuốc "phối tam kịch độc" |
Theo ông Làu, để giải bài “phối tam kịch độc”, cần đến sự kết hợp cả đông y lẫn tây y, cả khoa học lẫn thần linh, bùa chú, tuân thủ các bước rất phức tạp... Những người thả loại thuốc độc này nhằm giết chết nạn nhân, nên tính độc phát nhanh, dồn dập, hủy hoại các cơ quan, các hệ bài tiết, các tế bào. Nếu như bệnh nhân đã bị thối ruột thì rất khó chữa, có rửa ruột cũng đành chịu, có đưa đến bệnh viện cũng khó cứu.
Người ta đồn rằng, người dân nơi đây có lời nguyền: “Nếu không thả độc giết người thì gia đình không hạnh phúc, không bình an, người thân sẽ chết. Thầy mo, thầy cúng không giết người thì hành nghề sẽ không linh”.
Tôi rất bất ngờ khi lời nguyền trên lại ăn sâu vào tiềm thức nhiều người đến vậy. Thậm chí, người ta còn đồn rằng, làm thầy mo, thầy cúng, muốn làm bùa linh thiêng, thì phải có ma đi theo. Vì vậy, thầy mo, thầy cúng cần phải giết người để có hồn ma đi bên cạnh. Nếu không giết được người, thì sẽ phải tự tử, kẻo hồn xiêu phách lạc.
Ông Lã Văn Lợi, thầy thuốc Đông y, thuộc rất nhiều truyền thuyết về những bài thuốc độc hại người |
Nỗi oan của cả xã
Ông Hoàng Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng cho biết, cả xã có 107 hộ, hơn 400 nhân khẩu, 3 dân tộc sinh sống, gồm Tày, Sán chỉ, Dao Thanh Phán. Người Dao Thanh Phán chiếm khoảng 31% dân số. Những năm 70, người Dao Thanh Phán đến Đồng Thắng sinh sống, hòa nhập với bản làng.
“Ngày xưa, đồng bào thường pha chế một số chất độc rồi tẩm vào cây lao, mũi
tên hạ sát thú dữ. Sau một vài cái chết do bị rắn rết, bọ cạp cắn, thế là người
ta nghi oan cho cả xã. Từ xưa đến nay, đã có ai chỉ ra được người bỏ độc hại
người đâu? Người ta cứ đổ tội cho quê hương chúng tôi là “xã thuốc độc”. Oan lắm
chú ạ!” - ông Vương bất bình.
Thầy thuốc Chu Văn Làu (thôn Nà Xoong, xã
Đồng Thắng) phân bua: “Người ta đồn dân Đồng Thắng có người thả độc, làm tai
tiếng cho xã chúng tôi. Chính tôi đã chữa cho nhiều người bị rắn cắn, bị trúng
độc của sâu bọ, cây cỏ, thế nhưng lại cứ đổ cho người Đồng Thắng thả độc”.
Ông Dương A Lộc, người Dao Thanh Phán, đồng thời là trưởng thôn Khe Lạn bộc bạch: “Ta là người Dao Thanh Phán, nhưng không thấy trong người dân tộc ta có tục thả độc này. Người ta cứ truyền tụng lung tung, vớ vẩn. Khi ta đi ăn cưới, nhiều người không dám ngồi cùng mâm ta với ta. Ta bất bình lắm!”.
Ông Hoàng Văn Châu, thôn Nà Phai (Bắc Lãng, Đình Lập) cho biết, trước đây, ông là một thương lái, hay qua xã Đồng Thắng buôn bán, nhưng không dám ăn quán hay nhà dân. Ông và các lái buôn luôn mang theo đồ ăn, thức uống, nếu không chỉ mua nước đóng chai, trứng luộc.
“Người dân các xã trong huyện, trong tỉnh, nghe đến cái tên Đồng Thắng đã phải khiếp vía. Cả xã chịu sự miệt thị, xa lánh. Thậm chí, cán bộ trong xã ra huyện họp, rồi đi ăn uống, người ta cũng ngại ngồi cùng” - ông Giáp Văn Hiền, Trưởng Công an xã Đồng Thắng kể lại.
Ông Hoàng Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng bộc bạch: “Những lời đồn đại vớ vẩn đã làm cho xã Đồng Thắng mang cái án oan “xã thuốc độc” bao đời nay. Ngày xưa, các cụ không hiểu biết, dân trí thấp nên mới có những lời đồn tai hại như vậy. Hiện nay, đời sống người dân đã no ấm, dân trí nâng cao, nên lẽ ra các hiện tượng như vậy sẽ không có lý do gì để tồn tại. Nhưng cái án oan cho cả xã thì đến nay vẫn chưa được gỡ bỏ.
Mặc dù, những hủ tục lạc hậu đã mất dần đi, nhưng lời nguyền ma quái, kì bí về tục thả thuốc độc hại người ở Đồng Thắng vẫn cứ tồn tại. Không biết bao giờ đồng bào ở xã Đồng Thắng mới thoát khỏi cái án oan “miền độc dược”?.
(Theo VTC News)