Đại công trường đắp đập thủy lợi Trại Lốc đã tàn phá nhẫn tâm toàn bộ lăng mộ khổng lồ của vua Trần Minh Tông.
TIN BÀI KHÁC
Kỷ luật 52 cán bộ sử dụng bằng giả ở một huyện
Trường học dành cho những người đồng tính
Váy chống nắng 'hút' chị em công sở
Sau khi rời núi Bãi Bắn, nơi có lăng Tư Phúc (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh), tôi vòng về thôn Trại Lốc. Ngay đầu thôn, có tấm biển chỉ đường lên đền Thái.
Đền Thái là một gian nhà cấp bốn nhỏ xíu, xây hình chữ Đinh nằm giữa quả đồi, lẩn khuất sau những tán vải um tùm. Ông Nguyễn Văn Yên, người trông nom, hương khói đền và ông Nguyễn Hữu Tâm đang ngồi uống nước trước sân đền.
Ông Tâm chỉ tay về các hướng và tả cho tôi dấu vết công trình đền Thái khi xưa. Thì ra, di tích đền Thái mới được các nhà khoa học khai quật năm ngoái. Người dân thôn Trại Lốc tham gia đào bới rất đông, chia làm hai đợt, suốt mấy tháng liền, mới làm lộ ra chân móng, đường hào công trình cực kỳ hoành tráng khi xưa.
Cổ vật khai quật ở di tích Thái Miếu. |
Đền Thái vốn là một công trình được coi như Thái Miếu của Vương triều Trần khi xưa. Các nhà khoa học đã đào bới, làm phát lộ nền móng rộng tới 2 héc-ta, choán hết cả quả đồi. Theo lời ông Yên, các nhà khoa học đã thu gom được cả chục xe tải gạch ngói, đá tảng, là các di vật quý chở đi. Còn cả đống di vật vẫn xếp ngổn ngang sau đền.
Sau khi làm phát lộ di tích, các nhà khoa học ghi chép rồi lại thuê dân lấp lại như cũ. Hiện các gia đình sở hữu quả đồi này đã nhận tiền bồi thường. Chưa rõ khi nào Nhà nước sẽ tiến hành phục dựng Thái Miếu khổng lồ này.
Theo ông Yên, đền Thái hiện tại do nhân dân dựng lại cách nay hơn chục năm để thờ 3 vị vua là Trần Hiến Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Lăng mộ 3 vị vua Trần này đều nằm ở thôn Trại Lốc, ngay sau đền Thái. Ông Nguyễn Hữu Tâm đã nhiệt tình dẫn tôi đi tìm lăng mộ của vua Trần Minh Tông.
Đứng trên con đập hùng vĩ, ông Tâm chỉ tay xuống phía chân đập và bảo: “Ngay dưới chân đập, chỗ bãi bằng kia là lăng mộ vua Trần Minh Tông đấy! Chỉ vài người lớn tuổi chúng tôi là còn biết đến lăng mộ của ông Minh Tông thôi. Giờ lăng mộ biến mất rồi, không có sự chỉ dẫn của chúng tôi, các nhà khảo cổ cũng khó mà xác định được vị trí”.
Tôi và ông Tâm tụt xuống chân đập và định vị lăng mộ khổng lồ của một vị vua Trần nổi tiếng thế kỷ 14. Tôi loanh quanh trên khoảng đất rộng mênh mông lọt giữa khe đồi, song tuyệt nhiên không tìm thấy dấu tích gì, dù là một mẩu gạch, một viên đá.
Theo lời ông Tâm, khu vực này từng có tên là Khe Gạch. Địa danh Khe Gạch vốn là một khu dân cư thuộc thôn Trại Lốc. Năm 1970, gia đình ông Tâm đến định cư ở ngay chân đồi Khe Gạch, cách lăng mộ vua Trần Minh Tông khoảng 150m. Lăng mộ khi đó nằm dựa vào chân đồi, ngay cạnh con suối. Địa thế nơi đặt lăng mộ rất đẹp.
Rất nhiều gạch thời Trần nằm dưới lòng đất ở nơi từng là Thái Miếu. |
Ngày đó, ông Tâm là chi hội trưởng người cao tuổi của thôn, được nhân dân giao trông nom, hương khói khu lăng mộ này. Khi đó, lăng mộ đã đổ nát, nhưng di vật vẫn còn rất nhiều, nằm la liệt trên mặt đất. Cả một khu vực rộng mênh mông có vô vàn bia đá, tượng, bụt, gạch ngói, bệ đá. Đặc biệt, lăng mộ vẫn còn nguyên 8 cửa lên xuống, với mỗi cửa là 2 con “sấu đá” (cách gọi của địa phương, gần giống như rồng đá), tổng cộng là 18 con. Theo ông Tâm, lăng mộ vua Trần Minh Tông ở chân đồi Khe Gạch là lăng mộ lớn nhất, đẹp nhất và còn nguyên vẹn nhất khi đó.
Mưa nắng mài mòn mấy trăm năm, khiến những phiến đá lớn lộ ra. Cả những súc gỗ lớn, là cũi của mộ cũng lộ ra ngoài, nhưng đã mục nát. Dù công trình lăng mộ đã đổ nát từ hàng trăm năm trước, nhưng dấu tích vẫn còn. Dựa vào các vết tích đó, các nhà khoa học có thể phục dựng lại lăng mộ như xưa.
Thế nhưng, đại công trường đắp đập thủy lợi Trại Lốc, đã tàn phá nhẫn tâm toàn bộ lăng mộ khổng lồ của vua Trần Minh Tông.
Theo lời ông Tâm, cuộc đắp đập Trại Lốc làm hồ chứa nước phục vụ nông nghiệp diễn ra từ những năm đầu thập kỷ 80, đến tận năm 1986 mới hoàn thành. Con đập khổng lồ này chặn suối Trại Lốc, tạo ra một cái hồ lớn để trữ nước. Đập nằm cách lăng mộ Minh Tông khoảng 200 mét và cao gần 30m.
Để đắp được con đập này, hàng chục máy xúc, máy ủi, cả ngàn nhân công được huy động đào bới rầm rập ngày đêm. Những chiếc máy ủi đã ủi phăng khu lăng mộ, những chiếc máy xúc xúc đất, rồi xe tải chạy vọt qua lăng mộ đổ đất đắp thành con đập cao lừng lững.
Ông Tâm tiếc nuối: “Tôi nhìn cảnh người ta phá tung lăng mộ lấy đất đắp đập mà đau lòng lắm. Khi máy ủi, máy xúc móc lăng mộ lên, thấy gạch đá nhiều lắm, những tảng đá lớn, tượng lớn chất thành đống lớn đống bé. Nhưng đá sỏi không dùng đắp đập được, họ chỉ moi lấy đất sét thôi. Một lượng gạch, đá được ủi kè ngoài chân đập, còn lại họ ủi hết tượng, bụt, rồng phượng xuống hố rồi lấp lại. Đập làm xong, thì lăng mộ biến mất hoàn toàn”.
Cách đây hơn 30 năm, tại lăng mộ Minh Tông vẫn còn 18 con sấu đá như thế này. |
Ông Tâm cũng như những người lớn tuổi ở thôn Trại Lốc kể rằng, vào đúng đêm 29, 30 và mùng 1 Tết năm 1979, có một nhóm người Trung Quốc đào bới, tìm kiếm ở quanh mộ vua Trần Minh Tông, Trần Anh Tông và Trần Hiến Tông. Chính mắt ông Tâm thấy họ mang theo gia phả, bản đồ cổ, vác dao, thuổng, súng kíp và dắt chó đi tìm kiếm kho báu.
Nhóm người này đào một số địa điểm trong đêm, rồi mất tích vào sáng mùng 2 Tết. Ông Tâm và mọi người kéo ra, thì thấy những hố đào ở 3 ngôi mộ vua đều có dấu đáy chum. Ông Tâm khẳng định rằng, nhóm người này đã lấy đi… kho báu!
Theo ông Tâm, khu vực Khe Gạch là nơi có rất nhiều cổ vật. Ngay cả bây giờ, chỉ cần bới lớp đất lên, sẽ thấy gạch ngói, cổ vật bằng đá rất nhiều dưới lòng đất. Sở dĩ khu vực này gọi là Khe Gạch, vì dưới lòng đất toàn là gạch ngói, đồ gốm. Theo đó, ngoài lăng mộ vua Trần Minh Tông, Thái Miếu, khả năng khu vực này còn có một công trình rất lớn mà chưa được biết đến.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì: “Mùa xuân, tháng 2, ngày 19, Thượng Hoàng Trần Minh Tông băng ở cung Bảo Nguyên, miếu hiệu là Minh Tông… Mùa đông, tháng 11, ngày 11, táng Minh Tông ở Mục Lăng”.
Theo sách “Triều Trần thánh tổ các xứ địa đồ”, thì Mục Lăng có 3 nền. Nền ở trong dài rộng đều 2 trượng (6,6m), cao 2 thước, mở cửa rộng 4 thước. Nền thứ hai, Đông - Tây dài 3 trượng (9,9m), rộng 2 trượng (6,6m), cao 1 trượng (3,3m). Chiều Nam – Bắc dài 3 trượng, rộng 1 trượng, cao 1 thước… Bên ngoài, phía trái, phải có hai nền, mỗi nền dài 24 trượng 5 thước (79,2m), rộng 2 trượng 7 thước (8,91m), cửa rộng 4 thước, đều có lân đá, thềm đá…
Cuộc điền dã của các nhà khoa học vào các năm 1968 và 1973 cho thấy giới hạn ngoài cùng của lăng hình chữ nhật, một chiều dài 145m, một chiều 28m. Như vậy, lăng mộ này có quy mô lên tới 4.060 mét vuông, quả là một lăng mộ vĩ đại.
Tiếc rằng, công trình lăng mộ cực kỳ hoành tráng của vị vua Trần Minh Tông chưa được khai quật, nghiên cứu, đã vĩnh viễn biến mất bởi sự vô ý thức của con người.
Trần Minh Tông tên húy
là Trần Mạnh, sinh ngày 21 tháng 8 năm Canh Tý (1300). Ông là con thứ 4 của vua
Trần Anh Tông. Mẹ là Chiêu Từ Hoàng Thái Phi. Ông làm vua từ năm 14 tuổi, ở ngôi
15 năm, làm Thượng Hoàng 28 năm. Ông mất ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357),
thọ 58 tuổi. |
(Theo VTC News)