Hiện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ gần trăm chiếc ấn ngọc, ấn vàng của triều nhà Nguyễn. Đây là những bảo vật vô giá, ghi dấu một thời oanh liệt của triều đại phong kiến Việt Nam
TIN BÀI KHÁC
Minh Tiệp lên xe hoa cùng người rất trẻ đẹp
Chung cư mini giá rẻ giật mình
Vụ chìm tàu Dìn Ký, gia đình nạn nhân xin bãi nại
Triều Nguyễn cũng như các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó đều thực hiện chế độ Quân quyền hay còn gọi là Đế quyền. Theo thuyết Tôn quân quyền trong Nho giáo, Hoàng đế là Thiên tử (con Trời) nhận trách nhiệm thay trời hành đạo trị vì thiên hạ. Đế quyền tuân thủ theo nguyên tắc truyền ngôi kế thừa – cha truyền con nối.
Lễ đăng quang lên ngôi Hoàng Đế dùng Bảo Tỷ và Bảo Kiếm truyền ngôi để biểu thị cho quyền lực tối cao của mình và cả vương triều. Khi một ông vua lên ngôi kế vị phải lạy cái ấn 5 lạy, rồi mới được bước lên ngôi. Bảo tỷ bằng vàng, bằng bạc gọi là Kim bảo tỷ. Bảo tỷ được làm bằng ngọc gọi Ngọc tỷ.
Sắc mệnh chi bảo, Minh Mệnh năm
1827. |
Ấn vàng, ấn ngọc
Theo các tư liệu, trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 bảo tỷ. Trước đó, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) đã làm được nhiều việc quan trọng như mở khoa thi chọn người tài, xây dựng được lực lượng hùng mạnh, mở mang bờ cõi đến biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận, Gia Định. Đất phương Nam ngày càng phồn thịnh, dân chúng được yên vui, no đủ.
Tháng Chạp năm Kỷ Sửu (1709), chúa cho đúc Kim bảo Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo để truyền về sau. Đây là Kim bảo, khi xưng vương ở Sài Gòn (1780), Nguyễn Ánh dùng làm ấn truyền quốc và các vua triều Nguyễn kế vị dùng Kim bảo này truyền ngôi.
Ấn đúc bằng vàng, hình vuông, một cấp, quai hình tượng kỳ lân vờn ngọc, đầu ngẩng cao quay về bên phải. Chân trước bên trái đặt lên viên ngọc. Dọc lưng kỳ lân chạm khắc hoa văn mây lửa. Trên ấn còn ghi rõ dùng vàng tám tuổi, trọng lượng vàng và ngày tháng năm, người trông nom đúc.
Đến đời vua Thiệu Trị, theo sổ sách ghi chép lại, có người dâng lên vua một miếng ngọc rất lớn, vốn là sản vật của núi ngọc huyện Hòa Điền (Quảng Nam ). Vua rất mừng và cho rằng có điềm may mắn, bèn sai quan Hữu tư mài dũa, khắc thành Ngọc tỷ Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (Ngọc Tỷ truyền quốc của nước Đại Nam, nhận mệnh lâu dài từ trời). Sau hơn một năm, Ngọc tỷ truyền quốc hoàn thành.
Nghiên cứu Kim bảo. |
Đây là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong số các ngọc tỷ triều Nguyễn. Bản thân nhà vua làm lễ Đại tự cho khắc chữ trên mặt ấn. Ngọc tỷ này được đóng trên bản sắc mệnh ban cho các nước chư hầu và những việc ban bố cho thiên hạ. Ngọc Tỷ cùng với Kim bảo Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo là những bảo vật truyền ngôi vương triều Nguyễn, vì vậy được cất giữ, bảo vệ rất cẩn mật.
Ngoài các Kim ngọc Bảo tỷ truyền ngôi, mỗi đời vua thường đúc thêm một số Kim Ngọc Bảo Tỷ phục vụ công việc khác như huấn dụ, sắc thư khi tuần thú địa phương; tấn tôn, tấn phong...
Nhìn chung Kim ngọc, Bảo tỷ đều có hình dáng tương tự nhau. Hầu hết Kim ngọc, Bảo tỷ hình vuông, tay cầm hình rồng, chỉ có kích thước và một vài chi tiết trang trí khác nhau chút ít.
Nghi lễ dùng ấn thể hiện quyền uy
Việc chế tác Kim ngọc Bảo tỷ được thực hiện đúng theo chính mệnh của Hoàng đế dưới hình thức sắc lệnh, chỉ dụ. Tiến hành đúc Bảo tỷ rất bài bản, cẩn trọng. Trước tiên, bộ Lễ chọn ngày lành tháng tốt. Các phủ trong cung lo sắm sửa lễ vật và làm lễ kính cáo với tổ tiên và lập Hội đồng cùng Phủ Nội vụ kính cẩn giám thị. Đúc xong dâng lên Hoàng đế. Sau đó đem đến điện Trung Hòa trong Đại Nội cất giữ. Khi Nội các cần dùng Bảo tỷ nào thì các Cung giám phụng mệnh đưa ra.
Sử dụng Bảo tỷ cũng được quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ. Loại Bảo tỷ thường dùng như Sắc mệnh chi bảo, Ngự tiền chi bảo, khi đem dùng, các quan Nội các và Bộ quan đương trực đặt một cái án giữa tả vu của điện Cần Chánh để “hầu bảo” (đóng dấu). Cung giám bưng hòm ấn đi ra từ cửa giữa gian thứ nhất bên trái, các quan văn võ đại thần đứng hai bên. Một viên quan Sung biện nội các, một viên quan Thuộc các mặc phẩm phục cùng kính cẩn đóng dấu.
Trong các văn bản còn ghi rõ, loại ấn triện nào thì đóng vào văn bản nào và đóng ở vị trí nào. Kim Bảo Ngự tiền chi bảo được đóng trên mặt chữ “Khâm thử”. Những sớ tấu có vua phê thì đóng ở chỗ giấy bỏ không cuối tập. Tất cả sớ tấu, sách tấu... nếu có tẩy xóa, bổ sung và chỗ giáp lai thì đóng Kim bảo văn lý mật sát.
Những lúc có công việc quan trọng, cần dùng Bảo tỷ đặc biệt như Hoàng Đế chi bảo, Hoàng Đế chi tỷ thì theo nghi thức riêng. Trước tiên, cơ quan hữu trách dâng phiếu tấu trình Hoàng đế. Trong khi chờ chiếu văn (3 ngày), thì trước một ngày, Bộ Lại phải làm phiếu xin “Hầu bảo” (ngày đóng dấu). Ngày đóng dấu phải đặt hương án ở gian thứ nhất bên tả điện Cần Chánh.
Quan Nội các kính cẩn mang ấn báu để lên án. Hai bên tả hữu có hai viên quan Thị vệ. Các viên quan Trực thần mặc phẩm phục màu xanh bước vào mở tráp. Sau khi đóng dấu xong, quan Nội vụ niêm phong rồi Nội thần nhận tráp, kính cẩn mang cất vào chỗ cũ. Mỗi lần dùng dấu vào công việc gì, Hội đồng phải lập biên bản ghi lại rõ ràng.
Hàng năm, vào hạ tuần tháng chạp có lễ “Phất thức” diễn ra tại
điện Cần Chánh. Đây là nghi thức kiểm tra, bảo quản ấn tín. Trong buổi lễ này,
đích thân nhà vua chọn lựa những người được tham dự, chủ yếu là các hoàng tử,
các quan văn võ đại thần trong triều. Nội thần bưng các hòm Bảo tỷ ra đặt trên
bàn ở gian giữa điện Cần Chánh, hoàng tử và các quan bước vào kiểm thị rồi dùng
lụa đỏ và nước hương thang lau chùi các ấn. Công việc “Phất thức”xong, các hòm
ấn lại được niêm phong cẩn thận và cất vào chỗ cũ.
Sưu tập Kim ngọc, Bảo
tỷ của vương triều Nguyễn nói chung và các bảo ấn truyền ngôi là loại hình thuộc
đồ ngự dụng của vua và hoàng gia bằng các chất liệu vàng bạc, đá
ngọc.
Đây là tài sản vô giá của dân tộc. Bởi nó không chỉ bằng vàng bạc,
ngọc ngà mà còn mang dấu ấn lịch sử vô cùng quan trọng gắn bó với triều Nguyễn –
triều đại phong kiến cuối cùng và gắn bó với lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam
thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sưu tập Kim
ngọc, Bảo tỷ vẫn tồn tại và đang được lưu giữ, bảo quản một cách khoa học tại
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, phát huy.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang lưu giữ 83 Kim ngọc, Bảo
tỷ khác. Mỗi Kim ngọc, Bảo tỷ dùng với những chức năng riêng. Theo thống kê tại bảo tàng, chỉ có mười đời vua Nguyễn còn để lại 42 kim bảo tỷ, trong đó hai vua đầu triều là Gia Long, Minh Mệnh chiếm số lượng lớn. Ba đời vua không để lại ấn tín nào, đó là Dục Đức làm vua được ba ngày, Hiệp Hòa làm vua bốn tháng và Duy Tân làm vua gần mười năm. Triều Nguyễn cũng quy định việc “phong khóa Bảo tỷ”, tức là khóa và niêm phong hòm đựng Bảo tỷ rất tỷ mĩ. Khi đóng dấu xong, ấn triện được đặt vào hòm, các Trực thần dùng hai mảnh giấy có chữ viết của vua dán niêm phong vào mặt trước, rồi lấy the vàng che mặt chữ. Tiếp theo, Trực thần dán hai miếng giấy niêm phong, có chữ ghi của Bộ quan và Trực thần. Cuối cùng đóng ấn Quan phòng của Cơ mật đại thần vào khóa hòm niêm phong. |
(Theo Đất Việt)