Cho rằng vụ đắm tàu thương tâm khiến 16 người thiệt mạng là do thời tiết, một số thân nhân người bị nạn đã làm đơn xin bãi nại, giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị can vừa bị khởi tố trong vụ lật tàu Dìn Ký.

TIN BÀI KHÁC

Ngày 8/6, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã nhận được đơn xin bãi nại, giảm nhẹ hình phạt của một số gia đình nạn nhân cho 2 bị can Lao Văn Quang (quản lý) và lái tàu Nguyễn Văn Đức hiện đã đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ chìm tàu, nhà hàng nổi vào tối 20/5 khiến 16 người thiệt mạng.

Trong đơn của bà Hà Thị Tám (53 tuổi) quê Đồng Hới, Quảng Bình, mẹ ruột nạn nhân Trần Thị Thùy Trang, bà ngoại của cháu Trương Trần Đức Anh có viết: “Khi nhà hàng nổi đang chạy trên sông thì gặp mưa lớn kèm theo gió, lốc xoáy dẫn đến việc chiếc tàu bị lật và chìm xuống sông. Đây là trường hợp bất khả kháng về nguyên nhân dẫn đến cái chết của con và cháu tôi”. 

Bà Tám cũng cho biết phía Dìn Ký đã thỏa thuận và thực hiện đền bù, lo toàn bộ chi phí mai táng cho gia đình số tiền 12.444 USD (khoảng 256 triệu đồng).

Gia đình các nạn nhân trong buổi cầu siêu cho những người gặp nạn trong vụ đắm tàu Dìn Ký (Ảnh: Dân trí)
Cùng xin bãi nại, giảm nhẹ cho những người bị khởi tố còn có vợ chồng ông Đồng Văn Sỹ (54 tuổi) và bà Nguyễn Thị Đào (52 tuổi) ngụ tại thị xã Thuận An, Bình Dương, là cha mẹ ruột của nạn nhân Đồng Thị Thanh Hoa. "Dù còn rất đau đớn khi mất đi con gái ruột nhưng đây cũng là tai nạn không mong muốn. Phía doanh nghiệp Dìn Ký đã tích cực khắc phục hậu quả cho gia đình…”, ông Sỹ nêu trong đơn.

Đến nay đại diện phía Dìn Ký cho biết, mức thương lượng đền bù cho các nạn nhân trong nước ban đầu là 2.828 USD/người (khoảng 58 triệu đồng) và khoản bồi thường tổn thất tinh thần là 3.393 USD/nạn nhân (khoảng 70 triệu đồng).

Trước đó, thân nhân của 4 người Trung Quốc gặp nạn trong vụ đắm tàu Dìn Ký đã gửi đơn lên Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM đề nghị xử lý hình sự, khởi tố chủ doanh nghiệp tư nhân Dìn Ký vì đã có hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông không đăng ký, hết hạn đăng kiểm, kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng thời, các gia đình bị hại cũng yêu cầu phong tỏa toàn bộ tài sản, cấm việc mua bán chuyển nhượng tài sản, thay đổi đại diện pháp luật, mua bán chuyển nhượng cổ phần… để đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ giải quyết tổn thất và bồi thường dân sự cho người bị nạn.

Đến chiều 1/6, phía các gia đình nạn nhân Trung Quốc đã chấp nhận đưa 4 thi thể về nước mai táng trước, sau đó mới tiến hành các bước thỏa thuận mức hỗ trợ.

Đến tối 8/6, theo Sài Gòn tiếp thị, sau hơn 2 giờ thương lượng về khoản tiền đền bù tổn thất thiệt hại về tinh thần và vật chật cho 4 nạn nhân người Trung Quốc giữa đại diện doanh nghiệp tư nhân Dìn Ký và phía thân nhân người bị nạn vẫn chưa đi đến thỏa thuận thống nhất.

Phía thân nhân người bị nạn đã giảm số tiền từ 50.000 USD/người xuống còn 30.000 USD/người, tuy nhiên đại diện Dìn Ký vẫn kiên quyết giữ nguyên quyết định đền bù 7.000 USD/người và cộng thêm các chi phí vận chuyển thi hài, chi phí đi lại ăn, ở của 19 thân nhân với tổng số tiền là 68.000 USD.

Minh Anh (tổng hợp)