Bắt nguồn từ núi Ba Tiên, dòng sông Ma uốn lượn như sợi chỉ bạc quanh các dãy núi phía Bắc tỉnh Hà Giang, rồi hợp lưu vào sông Lô huyền thoại. Sông Ma đoạn chảy qua xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) từ thời Pháp thuộc đến nay, luôn gắn với những câu chuyện về ma rùng rợn đến lạnh sống lưng. Và hầu như năm nào con sông Ma đoạn chảy qua xã Tùng Bá cũng “bắt” đi một vài sinh mạng…


TIN BÀI KHÁC:

Một góc thôn Khuôn Phà, xã Tùng Bá.

Bí ẩn dòng sông Ma

Cụ Vương Đức Trung - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tùng Bá đưa ra một tấm bản đồ cũ của người Pháp vẽ, rồi chỉ cho tôi xem nơi khởi nguồn về con sông Ma. Con sông Ma bắt nguồn từ chân núi Ba Tiên, chảy qua xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên), Yên Định, Minh Ngọc (huyện Bắc Mê) rồi hợp lưu với sông Lô. Từ thời Pháp, cái tên sông Ma đã có trong bản đồ hành chính tỉnh Hà Giang.

Xã Tùng Bá ngày xưa gọi là Tong Ba. Núi Ba Tiên cách Tùng Bá khoảng 30km. Theo truyền miệng của các cụ cao niên trong xã, một số người từng lên núi Ba Tiên, đã tận mắt nhìn thấy trên núi có rừng cam, quýt, chanh, nhưng không rõ do con người trồng hay tự mọc. Cũng chính các cụ dặn lại con cháu rằng: Lên Ba Tiên thấy quả đừng ăn, vì nếu ăn sẽ không còn biết đường về nhà. Vì thế mà đến nay, vô số quả cam, quýt, chanh trên núi cứ chín vàng rồi rụng xuống đầy gốc mà chẳng ai dám hái, nhiều khi có quả rụng xuống trôi theo khe suối ra sông Ma về xã, nhưng chẳng ai dám nếm thử.

Đầu nguồn sông Ma đổ vào xã Tùng Bá.

Cụ Trung cũng đã từng đặt chân lên núi Ba Tiên. Lần ấy, ông và người anh trai đi buôn lợn, buôn bò qua núi, nhìn thấy những gốc cây cổ thụ mọc rêu xanh mướt bám từ gốc đến ngọn, vô số cây với thân hình kỳ quái như củ nhân sâm, nhiều cây không có lá vẫn sừng sững vươn lên như đã từ rất lâu rồi không ai đặt chân đến. Vào cái đêm mưa to gió lớn, nước ào ào trút xuống ấy, hai người đã ngủ lại trên núi. Sáng hôm sau ông Trung cắp lợn, đuổi bò dọc sông Ma về nhà mà dấu vết về khu vườn cam gần như biến mất hoàn toàn.

Hiện nay, ở trung tâm xã Tùng Bá nhìn về phía núi cao cách chừng 3 cây số thấy một “sợi chỉ bạc” dài hàng trăm mét xen giữa rừng cây xanh rậm rạp. “Sợi chỉ” đó có tên là Thác Tiên. Vào mùa mưa thác nước lúc nào cũng trắng xóa, hơi nước bốc lên như mây mù phủ kín cả đỉnh núi. Dưới chân thác là cánh đồng rộng lớn có mấy mươi nóc nhà. Sự hòa quyện của thiên nhiên đã vẽ nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nhưng ít ai biết được sau thác, điểm khởi đầu của dòng sông Ma vào xã Tùng Bá, chính là một khúc sông đầy bí ẩn.

Những câu chuyện rùng rợn


Cụ Trung kể, trước đây hai xã Thái An và Tùng Bá được ngăn cách bởi ngọn núi Ba Tiên hùng vĩ, tuy giáp nhau nhưng dân cư cách rất xa. Xưa nay rất ít người đi lại nên đường lên núi Ba Tiên chỉ là bạt ngàn rừng xanh mọc trên đá tai mèo. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, việc buôn bán, giao thương giữa hai xã ngày càng phát triển, người dân đi săn bắn thú rừng thường xuyên đã hình thành một số đường mòn dọc sông Ma. Từ khi hình thành những con đường mòn đó, những câu chuyện ma đáng sợ dần được bà con truyền khẩu.


Con sông Ma đoạn qua xã Tùng Bá.

Người trong thôn Khuôn Phà kể rằng, nơi núi Ba Tiên trước đây có rất nhiều người chết, nên mỗi khi đi qua đây một mình, người ta đều cảm thấy như có ai níu chân lại. Nếu vùng bước nhanh thì thấy như có người đuổi theo, ngoảnh lại nhìn thì phía sau chẳng có ai.

Cách đây vài năm, có đoàn người từ bên xã Thái An sang nhà người quen ở Tùng Bá chơi, đến giữa đỉnh dốc mệt quá bèn ngồi nghỉ. Trong lúc đang hoa mắt chóng mặt vì thở dốc, vẫn nghe thấy tiếng động như ai rẽ cây bước lại gần, nhưng chẳng thấy gì cả. Rồi lại nghe thấy tiếng đá lăn, cây đổ ào ào thẳng từ đỉnh đồi về phía mấy người nghỉ, nhưng cứ cách khoảng trăm mét lại biến đi đâu mất. Khi đến Tùng Bá, nghe nhiều người kể nơi đó trước đây có nhiều người chết, cả đoàn ai nấy mặt cắt không ra máu.

Cây cầu treo duy nhất bắc qua sông Ma tại xã Tùng Bá.

Cũng tại con dốc đó, có người đã vứt súng săn, lăn lóc theo sườn dốc, chạy bán sống bán chết, quần áo tả tơi vì bị… ma đuổi. Mùa hè năm ngoái, một người Tày sống dưới chân núi Ba Tiên đã ngót chục năm nay là ông Nông Văn Noi, xách súng đi săn. Khi trời xẩm tối, nghe thấy tiếng động trong lùm cây, ông Noi lên cò, chầm chậm tiến lại gần “con mồi”. Thoáng thấy một luồng sáng xanh mờ ảo trong lùm cây, thầm nghĩ là ánh mắt của con thú lớn, ông Noi nín thở bóp cò. “Đoàng”. Không thấy tiếng thú kêu, chỉ thấy một ngọn lửa màu xanh cháy bùng lên, rồi lơ lửng chao nghiêng trước mặt. Ông Noi ngây người mất chừng mươi phút, rồi sực tỉnh, quăng súng tháo chạy. Đến bây giờ, ngồi kể câu chuyện cho tôi mà người ông Noi vẫn toát mồ hôi, tay chân nổi da gà.

Điều đáng sợ hơn là chuyện con sông Ma đoạn qua xã Tùng Bá hầu như năm nào cũng có người chết. Sự việc đó khiến người dân tin rằng đoạn sông đó trước đây có con thuồng luồng (cá sấu thành tinh) sinh sống. Có lẽ vì người dân từng đắc tội với Hà Bá nên mỗi năm có ít nhất một người phải làm vật tế ở đoạn sông này chăng?

Cụ Vương Đức Trung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tùng Bá.

Mấy chục năm qua, hầu như năm nào ở Tùng Bá cũng có người thiệt mạng dưới dòng sông. Sông Ma trở thành nỗi ám ảnh của hàng trăm người dân xã Tùng Bá. Con trẻ bị cấm tiệt, không được bén mảng đến gần dòng sông này vì sợ bị kéo chân xuống dòng nước xoáy. Nỗi ám ảnh lớn đến nỗi, người lớn cũng không dám bước qua cây cầu mới bắc qua sông Ma nữa. Bởi không ít lần, người dân đứng trên cầu nhìn xuống sông thì thấy xác người chết đuối nổi dập dềnh ngay phía dưới.

Theo cụ Trung, tính từ thời Pháp thuộc đến nay đã có hàng chục người chết trôi đến đây. Có người chết tìm mãi không thấy xác, cả tuần sau mới thấy nổi lên. Nhiều xác chết bỗng nổi lên ở đoạn sông này, người chết không phải là người dân địa phương, cũng không biết họ trôi từ đâu đến, đã khiến sông Ma có thêm cái tên rùng rợn: “Dòng sông chết chóc”.

Những câu chuyện về ma thực hư thế nào thì đến nay vẫn chưa ai dám khẳng định. Nhưng có một thực tế là nhiều người khiếp sợ khi đặt chân lên ngọn núi Ba Tiên. Một cán bộ xã Tùng Bá cho biết, xã đã nhiều lần tuyên truyền cho nhân dân không nên tin vào những chuyện này. Bản thân ông, cách đây hai năm, chân ướt chân ráo về nhận việc tại xã cũng đã nghe, nhưng không tin. Ông cho rằng, một bộ phận người dân đã từng bị một nỗi ám ảnh nào đó, nên dẫn đến việc thêu dệt những câu chuyện hoang đường mà thôi.

Ông Đán Văn Viết, Trưởng Công an xã Tùng Bá cho hay, chuyện nhiều người chết tại khúc sông này là có thật. Nhưng ông bác bỏ chuyện rằng họ bị ma làm hay “thuồng luồng, hà bá” ăn thịt. “Có thể thác ghềnh, mưa lũ là nguyên nhân chính khiến người dân bị chết đuối. Còn thì dưới đáy dòng sông vô số hang hốc đá quăng quật thi hài người ta, đến khúc sông lặng này xác mới nổi lên, có lẽ cũng là chuyện thường tình. Tôi mong rằng, bà con đừng nghe thấy cái tên sông Ma, mà thêu dệt thêm những câu chuyện ma quái” - ông Đán Văn Viết cho biết.

Theo Giáo dục Việt Nam