Từ trường hợp "quảng cáo vô lễ" có sự góp mặt của một hoa hậu, nhiều khán giả cũng đã bức xúc cho rằng không hiếm những quảng cáo Việt không phù hợp với thuần phong mỹ tục như thế.

TIN BÀI KHÁC


“Máy chọc tức hàng đầu Việt Nam”

Quảng cáo nước xả vải trên không phải là quảng cáo đầu tiên ở Việt Nam bị "bắt lỗi". Trước đó, cư dân mạng cũng đã sôi sục nhiều tuần liền để phản đối quảng cáo bị cho làm người xem ức chế nhất - máy lọc nước Kangaroo.

Thậm chí, một số thành viên trên các diễn đàn đã “ưu ái” dành tặng cho quảng cáo của sản phẩm Kangaroo là “Máy chọc tức hàng đầu Việt Nam”.

 Ảnh đại diện Facebook của những người bức xúc về quảng cáo máy lọc nước Kangaroo (Nguồn: webphunu.net)

Thương hiệu Kangaroo đã xuất hiện trong phần quảng cáo trước trận đấu chung kết Champions League giữa 2 đội Barcelona và MU được phát trên VTC3. Mỗi clip chỉ vài giây với tiếng nổ chát chúa kèm theo câu khẩu hiệu duy nhất: " Kangaroo - máy lọc nước hàng đầu Việt Nam" như đập vào tai người nghe. Phần hình ảnh chỉ có duy nhất logo, hình ảnh sản phẩm và địa chỉ liên hệ với nhà sản xuất.

Clip này ngay sau đó đã nhận được những phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, phần nhiều cho rằng nó quá phản cảm. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ của những người làm truyền thông, tiếp thị, chính sự phản cảm này lại đạt được những thành công nhất định. Càng bị cư dân mạng “ném đá” hiệu quả của quảng cáo này càng cao.
Chia sẻ trên một tờ báo mạng, một đại diện của của hãng Kangaroo cho biết, clip quảng cáo được thực hiện với mục đích tạo khác biệt và độc đáo so với clip khác được phát trên truyền hình cùng thời điểm.

“Quả thật, khi đưa ra clip này, chúng tôi không lường trước được rằng hiệu ứng của nó lại lan truyền đến như vậy”, vị đại diện này nói.

Khi hoa hậu cũng bị vạ lây

Gần đây nhất là quảng cáo của một nhãn hàng dầu gội cũng bị người xem phản ứng kịch liệt. Trong kịch bản quảng cáo này, hoa hậu Mai Phương Thúy đóng vai cô gái xinh đẹp, có mái tóc dài óng mượt được người yêu đưa về ra mắt gia đình. Mẹ chàng trai ấn tượng với mái tóc dài suôn mượt của cô gái trẻ liền hồ hởi thăm dò bí quyết làm đẹp của cô gái: "Cháu duỗi tóc ở tiệm à?”. Đáp lại câu hỏi đó, Mai Phương Thúy chỉ trả lời: “À không, chỉ là Rejoice”.

Hoa hậu bị “mất điểm” sau sự cố “quảng cáo vô lễ” (Nguồn: Eva).

Ngay sau khi đoạn quảng cáo này lên sóng truyền hình, rất nhiều người đã lên tiếng bình luận cũng như phản đối Hoa hậu vì lời thoại trong đoạn quảng cáo. Theo một cư dân mạng nhận xét: "Câu trả lời của Mai Phương Thúy chỉ hợp để trả lời với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng đây là trả lời với người lớn tuổi hơn, thậm chí còn là mẹ chồng tương lai, như vậy là vô lễ."

Bên cạnh đó, cách ứng xử của người đẹp này với scandal cũng làm công chúng thất vọng. Mai Phương Thúy cho biết, khi đọc kịch bản cô đã trao đổi lại vấn đề này nhưng ý kiến của người đẹp đã không được chấp nhận. “Thúy không muốn là người phá vỡ hợp đồng và cũng không để mọi người vì mình mà phải dừng công việc” - hoa hậu cho biết trên Kênh 14.

Tuy nhiên, đại diện của nhãn hàng này lại phủ nhận hoàn toàn những điều Mai Phương Thúy đã trần tình. Nhiều người cho rằng, Mai Phương Thúy đã phần nào làm “mất điểm” trong mắt công chúng sau sự cố này.

Nụ cười nhếp mép của cậu học sinh tiểu học

Trước đó, quảng cáo của một hãng xà phòng được nhiều người tin dùng ở Việt Nam cũng đã bị công chúng chỉ trích dữ dội. Clip quảng cáo của nhãn hiệu xà phòng này quay cảnh một cậu bé trong giờ kiểm tra đã không làm được bài. Cậu bé toát mồ hôi nên lấy chiếc khăn tay ra để lau rồi hét lên: "Ủa, ai viết vậy?". Phát hiện vụ việc, cô giáo nghi ngờ đó là tài liệu nên đã xuống lấy chiếc khăn để xem mới biết mình nhầm. Điều khiến khán giả bức xúc là, sau khi biết cô giáo mình nhầm cậu bé này đã nhếch mép cười khẩy.

Ngay sau đó, quảng cáo trên đã bị nhiều bậc phụ huynh lên tiếng phản ứng đặc biệt là hình ảnh nụ cười nhếc mép của cậu bé rất hỗn với cô giáo của mình.

Một vị phụ huynh bức xúc: “Ý đồ của nhà quảng cáo là thể hiện được tình cảm yêu thương giữa mẹ và con để cho thấy chất lượng sản phẩm bột giặt. Nhưng cách đưa ra hình ảnh: hành động giật khăn từ tay học sinh của cô giáo – nụ cười nhếch mép của cậu bé vô tình gây ra hiệu ứng ngược”.

Một độc giả ở địa chỉ minhthu…@yahoo cũng đồng tình khi cho rằng: “Khi xem nó tôi chỉ thấy sự xúc phạm hình ảnh người giáo viên và thái độ coi thường cô giáo. Trong suy nghĩ của người Việt nói chung và suy nghĩ của tôi nói riêng, hình ảnh người thầy rất cao đẹp, không bao giờ có những hành động giật đồ từ tay học sinh như vậy. Tôi không cho phép con tôi được xem đoạn quảng cáo đó, vì sợ nó có ấn tượng xấu về các cô giáo ở trường, những người mà hiện nay nó rất kính trọng và thần tượng”.

Đã đến lúc các nhà sản xuất và sử dụng các sản phẩm quảng cáo cần có cái nhìn trên góc độ văn hóa để có những clip quảng cáo có văn hóa trên màn ảnh Việt Nam. Chỉ có cái đẹp, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt mới đủ sức lay động người tiêu dùng Việt. Ngược lại, những sản phẩm quảng cáo dù có hot, sốc gây hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ đến mấy nhưng nếu không phù hợp với văn hóa Việt cũng vô tình sẽ nhận phải hiệu ứng ngược từ phía khán giả.

Lan Châu (Tổng hợp)