- Chỉ vì hám lợi, nhiều nhà ngoại cảm đã bất chấp nỗi đau của các gia đình có thân nhân bị thất lạc phần mộ để lừa đảo họ bằng các chiêu thức hết sức tinh vi.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Thực và hư quanh cái tên Phan Thị Bích Hằng
Ẩn số sự 'siêu phàm' của bà Nguyễn Thị Nguyện
Lật nhà, phá đường tìm mộ vì tin ngoại cảm
Phát điên vì tìm đến... nhà ngoại cảm
Dùng hóa chất để tạo ảo giác
Lợi dụng niềm mong mỏi tìm được hài cốt người thân của dân, rất nhiều chiêu
thức lừa đảo được các nhà ngoại cảm áp dụng một cách thành công. Phần lớn mộ tìm
được qua “áp vong” chỉ là những bộ cốt vô danh trong nghĩa trang, hoặc những nắm
đất tượng trưng đào được dưới lòng đất trong rừng sâu.
Mỗi năm có bao nhiêu ngôi mộ đã được tìm thấy như thế? Chưa ai thống kê được con số này cũng như chưa ai dám chắc bao nhiêu phần trăm là chính xác trong số đó. Để qua mắt thân nhân của các liệt sĩ, những nhà ngoại cảm rởm này đã dựng nên những màn kịch hết sức tinh vi.
Tại Nghệ An hiện nay xuất hiện nhiều trung tâm ngoại cảm tự phát. (Nguồn: Dân
trí)
Bác sĩ Đỗ Thanh Tuấn - Phó trưởng Khoa Nội 2, Viện Y học hàng không đã từng
tiết lộ một chiêu thức lừa đảo rất đáng sợ. Bác sĩ này cho biết trên báo Pháp
luật Việt Nam, khi một người nào đó thành tâm đi đến gặp ông đồng, bà cốt với
mục đích là gọi hồn, triệu vong thì tâm tưởng của người đó đã bị ám ảnh bởi
chuyện vong nhập, hồn về. Đó là một dạng tự kỷ ám thị.
Đặc biệt, bác sĩ Tuấn còn tiết lộ: “Sau khi người đi gọi hồn, triệu vong đã bị tự kỷ ám thị, những đối tượng đồng cốt thường dùng một loại hóa chất. Hóa chất này có tác dụng gây ảo giác, kích động tâm lý gây ra sự hoảng loạn, xúc động. Đây là một thủ thuật tương đối phổ biến”.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Tin học ứng dụng - UIA) cũng cho biết trên báo Pháp luật Việt Nam: “Tôi cũng biết được một thủ đoạn là dùng hóa chất, dược liệu để đánh lừa cảm giác, đánh gục ý thức của người đến xem. Nếu dùng quá liều sẽ gây những tác dụng phụ rất lớn”.
Chính loại hóa chất “lạ” này đã tác động gây ảo giác để rồi sau đó, người đi tìm mộ đã hoàn toàn bị nhà ngoại cảm điều khiển.
Dùng “chân gỗ” nghe ngóng tình hình
Ngoài ra còn một chiêu lừa rất tinh vi của các nhà ngoại cảm, đó là việc sử dụng “chân gỗ”. Nghĩa là, các nhà ngoại cảm nuôi một đội quân chuyên đi nghe ngóng thông tin của các gia đình đi tìm mộ. Đội quân này được trang bị đầy đủ điện thoại, chi phí…Sau đó, đội “chân gỗ” báo cáo lại thông tin thu thập được cho “nhà ngoại cảm”. Nhà ngoại cảm lại dùng những thông tin này để “ra đòn” phủ đầu với tín chủ.
Sau khi khiến tín chủ “choáng”, nhà ngoại cảm tiếp tục dựng ra những vở kịch để dẫn đường nạn nhân. Khi một gia đình có người thân bị thất lạc phần mộ chỉ cần nghe nhà ngoại cảm phán: “Có phải anh mất ở X, Y. Z…năm này …không?”.
Thông tin chính xác ban đầu này đã đánh gục tâm lý người đi tìm mộ, khiến họ nhất nhất tin tưởng nhà ngoại cảm. Hoặc trong quá trình các gia đình chờ đến lượt để nhập vong có ngồi tám chuyện với nhau và hé lộ ít nhiều thông tin về thân nhân của họ. Các nhà ngoại cảm đều có các đệ tử đi nghe ngóng tình hình sau đó đi mật báo lại cho nhà ngoại cảm.
Dựng hài cốt giả
Không tốn kém như việc dùng hóa chất, dược liệu hay chân gỗ, một số nhà ngoại cảm tự xưng lại còn mất nhân tính hơn khi dựng mộ giả nhằm tung tin đó là phần mộ của liệt sĩ.
Trên báo Tiền phong có dẫn câu chuyện đầy đau xót của gia đình ông Nguyễn
Đình Nhu, một cán bộ về hưu ở phường Bắc Hà (TP. Hà Tĩnh). Ông Nhu có người em
trai là liệt sĩ Nguyễn Hữu Điền, quê ở Kỳ Tây, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đi bộ đội và hy
sinh năm 1968 tại chiến trường Quảng Trị.
Qua lời giới thiệu, ông Nhu gặp hai “nhà ngoại cảm” là ông Đặng Xuân Ba, quê ở Xuân Trường, Nam Định và ông Nguyễn Đình Mai, cán bộ Hội CCB tỉnh Lâm Đồng, nhận lời tìm giúp mộ em trai ông. Các gia đình bèn mời hai ông giúp đỡ và tổ chức thuê xe ô tô về huyện Hướng Hóa (Quảng Trị ) bắt đầu cuộc tìm kiếm.
Đến cơ quan quân sự huyện Hướng Hóa ngày 17/9/2006, ngày thứ nhất diễn ra khá suôn sẻ. Nhờ sự chỉ dẫn của hai "nhà ngoại cảm”, đoàn đã tìm thấy hai "mộ" liệt sĩ qua hai lọ pê-ni-ci-lin trong đó có các mảnh giấy viết họ tên, quê quán liệt sĩ, kèm theo một ít xương.
Sự việc diễn ra quá nhanh chóng và đơn giản khiến thân nhân các gia đình liệt sĩ đều tỏ ý nghi ngờ. Phát hiện những điểm đáng nghi, đoàn tìm mộ đã đề nghị ngừng đào và mời hai nhà ngoại cảm về cơ quan quân sự huyện để làm việc.
Khi cơ quan chức năng kiểm tra hành lý của hai ông Đặng Xuân Ba và Nguyễn Đình Mai thì phát hiện ra họ cất giấu 6 lọ pê-ni-ci-lin, mỗi lọ có bọc ni-lông màu xanh, còn bên trong lọ đều có các mảnh giấy ghi tên người: Diễn, Hội, Tước, Trung... Hành lý của hai “nhà ngoại cảm” chẳng có gì ngoài các thứ nói trên và 14 túi ni-lông màu trắng đựng những mẩu xương vụn màu đen và màu trắng bạc. Có 13 mẫu giấy trắng cỡ 2x4cm, trong đó có 3 mẫu ghi sẵn tên: Ninh Văn Quang, Nguyễn Hữu Điền, Lê Viết C. Đặc biệt, các lọ đựng giấy, túi đựng xương này rất giống với những thứ mà hai “nhà ngoại cảm” nhặt ra từ các hố mà họ bảo thân nhân liệt sĩ đào bới.
Với hành vi này, tháng 10/2006, Đặng Xuân Ba, trú tại Lâm Đồng bị Công an huyện Hướng Hóa, Quảng Trị bắt về tội lừa đảo.
Hành động của hai nhà ngoại cảm rởm đã khoét sâu thêm nỗi đau của gia đình thân nhân liệt sĩ đã khuất.
Lý giải về hiện tượng “áp vong”, Bác sĩ Phạm Ngọc Ngô, Phó Giám đốc Bệnh viện
Tâm thần Nghệ An cũng cho rằng, hiện tượng "áp vong" ở các trung tâm tìm kiếm mộ
liệt sĩ thực chất là hiện tượng lên đồng.
“Chính trong môi trường gây hiệu ứng
tiêu cực: đông đúc, nắng nôi, mệt mỏi do chờ đợi lâu, ai cũng khóc, ai cũng
cười... bệnh phát sinh là không thể tránh khỏi. Nét chung ở môi trường này là
cảm ứng tiêu cực lây sang nhau, cảm giác như có "vong linh" nhập vào” - bác sĩ
Ngô nhấn mạnh trên tờ Nông nghiệp Việt Nam.
Bác sĩ Ngô cũng khuyến cáo các thân nhân liệt sĩ phải tỉnh táo, nếu các trung tâm có khả năng đặc biệt về ngoại cảm hay tâm linh thật thì mình cũng phải bình tĩnh, nghe ngóng, tránh bị lừa.
Hầu hết các gia đình thân nhân liệt sĩ đều có mong muốn cháy bỏng là tìm thấy phần mộ của người thân nhưng sự khao khát chính đáng ấy đã bị kẻ xấu lợi dụng.
Lan Châu (Tổng hợp)