Mảnh đất Mường Chiềng heo hút cách thành phố Hòa Bình không biết bao nhiêu đèo dốc và những khúc quanh co gấp tay áo bỗng chốc “nổi như cồn” bởi căn bệnh lạ hoành hành. Tây y không thể đoán bệnh đặt tên, Đông y cũng “bó tay” vô phương cứu chữa càng khiến người ta đinh ninh, những đứa trẻ bất hạnh ở đất này bị “quỷ ám”.

TIN BÀI KHÁC


Căn bệnh rùng rợn.

Tính đến nay, căn bệnh đã gieo rắc nỗi đau đớn tột cùng cho 10 đứa trẻ ở Mường Chiềng. Trong đó, có đứa đã bị tử thần cướp đi, có đứa ngày một lớn lên nhưng bị căn bệnh quái ác làm cho méo mó nhân dạng. Cha mẹ những đứa trẻ bất hạnh ấy đã từng khóc hết nước mắt, chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh cho con, nhưng giờ chỉ biết nhắm mắt nhìn nỗi đau thể xác hành hạ con mình.


Một trong những người phải gánh chịu đau đớn nhất là ông Xa Văn Mính, ở xóm Nà Mười. Ông Mính 62 tuổi, tóc bạc như cước. Có lẽ, những ngày lam lũ nuôi bày con bệnh tật, những đêm thức trắng bởi những dằn vặt khổ đau đã khiến ông già trước tuổi.

Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đời qua những giọt nước mắt mặn đắng: “Chúng tôi có làm gì nên tội đâu mà ông trời nỡ gieo rắc cay nghiệt lên gia đình tôi. Tất cả những đứa con của tôi, không đứa nào được làm người…”.

Một trong hai người con của ông Xa Văn Mính. Căn bệnh có thể khiến người mắc bệnh mù mắt.
Theo lời ông Mính, ông vốn là bộ đội, sau ngày thống nhất đất nước, ông cưới vợ. Vợ ông là cô gái ngoan hiền cùng xã. Hai vợ chồng trẻ nuôi bao hy vọng, vỡ òa niềm vui đón đứa con trai đầu lòng. Ông đặt tên thằng con trai đầu là Xa Văn Khoa.

Thế nhưng, nỗi đau đớn bất ngờ ập xuống khi Khoa vừa đầy cữ, mặt nổi đầy những nốt mẩn lạ. Đi khám khắp nơi nhưng không chữa được, cũng không ai biết đó là bệnh gì. Khi lên 3, nó đã mang một khuôn mặt đáng sợ. Những vết mụn ngày nào bị nó cào cấu, rách toe toét. Mặt nó méo xệch, thẹo này chưa liền da thì thẹo khác lại vỡ toác.

Hàng xóm láng giềng thương thằng bé nhưng chẳng ai dám đến gần. Thậm chí, nhiều người còn ác mồm bảo, vợ chồng ông sinh ra quỷ. Ông Mính kể, khi ấy, có thời gian, chẳng ai dám đến nhà ông. Người ta sợ ma quỷ ám vào mình.

Thằng bé con thứ hai, Xa Văn Khe chào đời trong sự phấp phỏng lo lắng khôn nguôi của hai vợ chồng ông. Nó xinh xắn, kháu khỉnh vô cùng. Thế nhưng, cũng như anh, vừa đầy tháng là trên mặt, trên đầu nó lại xuất hiện những nốt đỏ quái ác kia. Khe đoản mệnh khi vừa lên 3, Khoa cũng bị bệnh lạ ăn vào da thịt và giết chết năm lên 7.

Mất con, vợ chồng ông hóa câm, hóa lặng. Khát khao có con, mong được nghe hai tiếng bố mẹ, vợ chồng ông tiếp tục gieo niềm hi vọng. Thế nhưng, đứa con thứ 3 (Xa Văn Mẫn), thứ 4 (Xa Văn Nam) đều mang trên mình chứng bệnh kỳ dị trên, duy chỉ có hai người con út là đến giờ chưa thấy triệu chứng đau đớn đó.

Ông bảo, đến giờ ông cũng không nhớ tuổi chính xác của hai người con bệnh tật của mình. Từ khi sinh ra, bởi hình hài xấu xí, Mẫn và Nam cứ lủi thủi trong nhà, hoặc trên rừng, trên nương vắng nên chẳng giao tiếp với ai. Ai gặp cũng ngượng ngùng, nói được vài câu rồi lại tìm chỗ khuất ẩn mình.

Rời nhà ông Mính, chúng tôi tìm đến nhà anh Xa Văn Quan, ngôi nhà sàn chênh vênh trên sườn núi, trống huơ trống hoác. Khi được hỏi về đứa con bệnh tật Xa Văn Tâm, anh Quan nén tiếng thở dài, bùi ngùi: “Giờ này tôi cũng không biết cháu ở đâu nữa. Trước còn bé, vợ chồng tôi thay nhau cắt cử giữ nó mỗi lần nó đau đớn. Nhưng giờ hễ thấy khó chịu trong người là nó vụt chạy. Thằng bé nhanh như con sóc, khi thịt da bỏng rát có thể liều mình đến bất cứ đâu. Khi thì chúng tôi tìm thấy con mình ở chợ, ở bờ suối, có lúc thì ở tít ngọn cây”.

Anh Quan kể, vợ chồng anh đón đứa con thứ Xa Văn Tâm năm 1997 trong niềm vui bất tận. Nhưng sự hoảng hốt bắt nguồn khi Tâm vài tháng tuổi với những nốt mẩn đỏ au lạ lẫm. Tâm càng lớn bệnh tình ngày càng nặng thêm. Những mảng da thịt non nớt như bị cả ngàn đàn kiến gặm nhấm, mỗi ngày một sâu hoắm. Khổ nhất là những hôm trời nắng nóng, mồ hôi làm những vết đau bỏng rát, ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Mùi tanh bốc lên nồng nặc.

Mỗi lúc bị “quỷ hành” thằng bé lại gào khóc dữ dội. Cũng có bận vợ chồng anh đóng cũi nhốt con lại sợ khi đau nó lại nhảy xuống sông, vách núi thì nguy. Nhưng nó đập phá, giãy giụa ghê quá, thương con, vợ chồng anh đành thả ra.

Bây giờ cứ khi bị “quỷ” gặm nhấm da thịt, nó lại bỏ chạy. Thường thằng bé tìm nơi vắng người để “trú ẩn” bởi đi đến đâu nó cũng bị người ta xua đuổi như đuổi tà, chỉ trỏ miệt thị. Nó cứ bỏ đi biền biệt như thế, dăm bữa nửa tháng nhớ con, anh chị lại đi tìm con về.

Xa Văn Hiệp.
Nỗi đau chưa dứt

Nỗi đau chưa dứt

Trạc tuổi Tâm, thằng bé Xa Văn Thành cũng chịu chung căn bệnh đau đớn. Anh của nó cũng đã bị căn bệnh lấy đi sinh mạng từ khi chưa được sinh ra.

Xa Văn Hiệp ở cạnh nhà Thành, năm nay đã hơn 20 tuổi nhưng cũng giống như Thành, Hiệp chẳng mấy khi ra khỏi ngõ. Ở nhà nhưng Hiệp mặc áo kín cổ. Chắc cậu không muốn ai phải thấy thân hình xấu xí của mình.

Hiệp đã từng nuôi hy vọng được sống như những người bạn cùng trang lứa. Được thoải mái ra đường mà không sợ bị dè bỉu, bị xua đuổi khi năm ngoái cậu được Viện da liễu quốc gia đưa về Hà Nội để chữa trị. Sau 3 tháng trời ăn trực nằm chờ ở thủ đô, dù được các y bác sĩ quan tâm, tận tình chạy chữa bằng các biện pháp tiên tiến, hiện đại, thế nhưng, Hiệp “chứng nào tật ấy”. Như sâu, như mọt gặm nhấm đêm ngày, những vết lở loét vẫn làm anh đau điếng.

Sự trở về trong thất vọng của Hiệp đã làm nỗi đau đớn vỡ òa cho tất cả gia đình những đứa trẻ bị “quỷ ám” ở Mường Chiềng. Họ đã tiễn Hiệp với bao niềm hy vọng, nhưng giờ chỉ là những giọt nước mắt xót xa. Những người làm cha, làm mẹ ấy giờ chỉ dặn lòng đừng thổn thức mỗi khi con lên cơn đau và ngày ngày nhìn căn bệnh rút đi từng phần sức lực của con mà không biết thần chết cướp chúng đi lúc nào.

Trước đây, tham gia khảo sát, người ta đã tưởng rằng, chứng bệnh quái ác này đã không còn trở lại đất Mường Chiềng khi những đứa trẻ mắc bệnh đều đã qua 10 tuổi. Nhưng chị Hà Thị Lành, nhân viên y tế Mường Chiềng đau xót cho hay, cháu Xa Mạnh Cường, mới 2 tháng tuổi đã có những dấu hiệu nhiễm bệnh.


Những vết mẩn đỏ trên người cháu Xa Mạnh Cường, 2 tháng tuổi gây bao nỗi xót xa cho mảnh đất Mường Chiềng.

Có lẽ, trong đầu óc non nớt của những đứa trẻ vừa sinh ra đã bị tước quyền làm người kia, mỗi lần bị bệnh tật giày vò, chúng lại ước, giá như chưa từng được sinh ra…


(Theo Bưu Điện Việt Nam)