Theo dự báo, cơn bão số 3 sẽ hết sức phức tạp và cực kỳ nguy hiểm khiến chính quyền và nhân dân nhiều địa phương dồn sức đối phó. Nhưng thực tế, bão đã tan trước khi đổ bộ vào đất liền.

TIN LIÊN QUAN

Theo thông báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (TTDBKTTV TƯ), vào trưa, chiều 30/7, bão số 3 (Nock-ten) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng ven biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88km/h), giật cấp 10, 11, 12 và giật cấp 13; kèm theo đó là mưa lớn, mưa to, có nơi mưa rất to và có giông; trong cơn giông cần đề phòng lốc xoáy...

Trước thông tin về cơn bão, theo thông tin trên báo Người đưa tin, Vietnam Airlines đã phải hủy 38 chuyến bay, hàng trăm phương tiện tàu thuyền cùng hàng ngàn cán bộ chiến sỹ công an, quân đội, bộ đội biên phòng... được huy động; hơn 271.000 người dân tại Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh phải di dời khỏi nơi nguy hiểm trước chiều 30/7.


Người dân ra sức chuẩn bị đối phó với cơn bão số 3 (Ảnh: Quốc Huy) 

Theo dự báo, Thanh Hóa là nơi tâm bão sẽ đổ bộ. Do đó chính quyền và nhân dân Thanh Hoá đã ra sức để đối phó với bão. Các ngành chức năng đã lên kế hoạch dự trữ hàng trăm tấn gạo tẻ; hàng chục nghìn thùng mì tôm; hàng nghìn thùng nước uống… phục vụ nhân dân các huyện miền núi và các vùng dễ bị cô lập, chia cắt khi có mưa lũ. Theo thống kê, đã có 12.634 hộ dân với trên 61.000 người trong phạm vi 200m và 17.168 hộ với 72.523 người trong phạm vi từ 200 - 500 phải sơ tán để tránh bão.

Tại Nghệ An, tính đến hết chiều 30/7, toàn tỉnh đã di dời được 4.947 hộ dân với gần 17.900 người ở các huyện vùng biển: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TX. Cửa Lò.

Tuy nhiên trên thực tế, cơn bão số 3 đã không “hết sức phức tạp, cực kỳ nguy hiểm” như dự báo. Cơn bão đã tan trước khi vào đất liền.

Cũng theo dự báo của TTDBKTTV TƯ, khi bão vào sẽ gây mưa to đến rất to. Nhưng theo số liệu khảo sát của PV Dân Việt từ các trạm khí tượng đóng tại nhiều địa phương từ Thanh Hóa trở vào Hà Tĩnh thì lượng mưa từ 19h ngày 30/7 đến 1h sáng 31/7 đo được chỉ khoảng 10-30mm.

Chiều 1/8, trao đổi với VietNamNet, ông Trịnh Khôi Nguyên, cán bộ văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa – nơi tâm bão đi qua cho biết thiệt hại do đợt bão vừa qua ảnh hưởng đến Thanh Hóa không đáng kể, với lượng mưa rất nhỏ.

Ông Nguyên cho biết thiệt hại từ bão số 3 chủ yếu là hoa màu. Theo thống kê có 9 nhà tốc mái; 23 cột điện hạ thế bị đổ, gãy; 35ha mía bị đổ, gãy; 13,5ha ngô bị đổ, gãy; 3ha cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; diện tích nuôi trồng thủy hải sản đang thu hoạch bị ngập là 259ha; 3,7km giao thông, đê điều, bờ bãi bị sạt lở. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 25 tỷ đồng.

Để có lời giải thích thỏa đáng về việc dự báo thiếu chính xác, chúng tôi đã liên lạc với TTDBKTTV TƯ nhưng nhận được câu trả lời rằng tất cả lãnh đạo đều đang đi công tác. Liên hệ với ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc trung tâm, ông Hải cho biết vấn đề này nằm ngoài thẩm quyền và cần tiếng nói chính thức của lãnh đạo cấp cao hơn.

Trước đó vào ngày 31/7, PV báo Dân Việt cũng đã liên lạc với ông Phạm Văn Đức - Phó TGĐ TTDBKTTV TƯ, ban đầu có chuông, nhưng sau đó ông Đức đã tắt máy hoàn toàn.

Trước đó, không ít lần dự báo của ngành khí tượng thuỷ văn đã sai, khiến dân lao đao, khổ sở. Điển hình là cơn bão số 1 năm 2010.

Theo dự báo đây là một cơn siêu bão nguy hiểm, cường độ mưa lên tới 200-400mm trên diện rộng.

Thông tin này khiến hàng ngàn người dân vùng ảnh hưởng cuống cuồng lo chạy bão, chống lụt. Nhiều người phải thức đêm, căng mình đợi bão, chỉ lo nước ngập. Nhưng cuối cùng bão số 1 đã đổi hướng. Ở Nam Định, gió chỉ mạnh cấp 7-8; còn ở Hải Phòng, gió chỉ mạnh cấp 8-9. Các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái…, được dự báo là tâm của bão, mưa to lũ lớn nhưng thực tế lại không thấy bão đến.

Vào cuối tháng 10/2008, từ dự báo mưa nhỏ của TTDBKTTV TƯ, Hà Nội đã chủ quan và dẫn đến trận “đại hồng thủy” sau nhiều thập kỷ.

Mỗi lần ngành khí tượng thủy văn đưa ra cảnh báo, các ban, ngành chức năng và nhân dân đã phải bỏ không ít thời gian, công sức, tiền của… để lo đối phó với bão, lũ. Tuy nhiên, nếu những dự báo đó khác xa với thực tế thì sẽ gây những thiệt hại khôn cùng. Điều đáng nói, qua mỗi vụ việc không đáng có tương tự như thế này đã khiến người dân mất lòng tin với các thông tin bão lũ, từ đó, nảy sinh tâm lý chủ quan trong nhân dân và ngay cả chính quyền của các địa phương ở vùng tâm bão.

Thu Hòa (tổng hợp)