Ưng ý với những ông chồng đứng đắn, chững chạc và vững vàng về kinh tế, các cô gái chấp nhận cảnh “vợ trẻ - chồng già” ngày càng nhiều. Nhưng từ khi bắt đầu sống chung, giữa họ mới xuất hiện những điều khó thể hòa hợp.
TIN BÀI KHÁC

Bi kịch "đôi đũa lệch"
Mải lo sự nghiệp, đã 43 tuổi anh Lê Hùng (Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa có vợ. Được một cấp dưới mai mối, anh quen với Hà, một cô gái trẻ đẹp, lại vừa mới 23 tuổi.
Dù chênh lệch tuổi tác, nhưng Hà rất vừa lòng với cuộc hôn nhân này. Một phần bởi anh Hùng là dân tỉnh lẻ nhưng đã có được nhà ở Hà Nội, công việc cũng rất ổn định. Nhưng từ khi bắt đầu sống chung, giữa họ mới xuất hiện những rạn nứt, những điều khó thể hòa hợp.
Ngày càng nhiều cô gái chấp nhận cảnh “chồng già – vợ trẻ” (Nguồn: Gia đình & Xã hội)

Vào ngày nghỉ, Hà muốn đi shopping, chồng lại thích ở nhà đọc sách, xem ti vi. Những ngày trời mưa cô vẫn giữ thói quen từ thời sinh viên như đi lên phố cổ ăn quà vặt, đi dạo các hàng sách…nhưng chỉ mới nêu ra ý kiến thì chồng Hà đã lắc đầu lia lịa.
Hà trách móc: “Ngoài công việc, anh ấy chỉ luẩn quẩn ở nhà. Được ngày nghỉ cũng chỉ ôm cái ti vi xem thời sự. Nhưng khi vợ mở nhạc trẻ, chồng kêu nhức đầu. Vợ muốn đi mua sắm, sinh nhật bạn…chồng cũng lại lắc đầu “chỗ ấy không hợp với anh”. Cả hai như những người ở chung phòng trọ vậy”.
Không chỉ có Hà, anh Hùng cũng cảm thấy có vấn đề. Anh kể, những giận hờn trẻ con của cô ngày càng khiến anh mệt mỏi. Một tháng không dưới hai lần cô bỏ về nhà mẹ đẻ, để chồng phải sang năn nỉ, xin lỗi. Giữa họ khoảng cách xuất hiện ngày càng lớn.
Chồng già “giương cờ trắng” với vợ trẻ
Chị Kim Chi 32 tuổi, nhân viên kế toán ở Hà Nội, đang ở thời kỳ sung mãn nhất của phụ nữ, còn chồng thì đã bước sang tuổi 50. Nhiều lần chị Chi có “nhu cầu” thì chồng lại “treo cờ trắng”. Hoặc nếu có “trả bài” với vợ thì ngày hôm sau, trong sinh hoạt, lúc nào anh cũng than mệt mỏi và thiếu hoạt bát.
Cặp vợ chồng anh Minh – chị Lan (tạm trú Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đã phải nhờ đến nhà tư vấn tâm lý. Cùng cảnh “vợ trẻ - chồng già”, chị Lan cho biết, nhiều đêm chị bẽ bàng vì những lúc có “nhu cầu”, “gợi ý” thì chồng lại khước từ. Có khi hai tuần anh mới gần vợ một lần, nhưng lần nào cũng khiến vợ phải thất vọng. Chị chia sẻ: “Những lần mình gợi ý chồng lại uể oải đáp ứng, nếu không cứ xong chương trình thời sự là chồng đã ngon giấc trên giường”.
Bố mẹ chị Lan bằng tuổi nhau nên từ bé chị đã phải chứng kiến những ngày “cơm không lành canh không ngọt” trong gia đình. Mỗi lần có bất đồng cả hai đều khăng khăng theo ý mình. Bởi vậy, chị đã sớm có riêng cho mình một quyết định: Sẽ lấy chồng hơn nhiều tuổi dù đã được “khuyến cáo” như “chồng già gia trưởng”, “chênh lệch tâm sinh lý...”.
Rồi đúng như mơ ước, tốt nghiệp đại học ra trường đi làm, chị đã ngầm ưng ông trưởng phòng lớn hơn 20 tuổi. Nhưng với sự lựa chọn của mình, đến lúc này, hình như chị Lan đã thấy hối hận.
Những bất đồng nhỏ cho tới bất đồng lớn khiến cuộc sống của hai vợ chồng của họ ngày càng ngột ngạt, bế tắc.
Bí quyết giữ lửa cho cặp vợ chồng “đũa lệch”
Theo chuyên gia tâm lý, những cặp vợ chồng chênh lệch 15 - 20 tuổi thuộc hai thế hệ với tâm sinh lý khác nhau. Có thể lúc đầu người vợ choáng ngợp trước sự từng trải, sự sung túc vật chất của chồng nên sẵn sàng “lên xe hoa” với chồng già. Nhưng theo thời gian, người chồng không đáp ứng được những nhu cầu tâm, sinh lý…của vợ thì mâu thuẫn rất dễ nảy sinh.
Bởi vậy, đừng tạo áp lực cho người bạn đời mà nên có thái độ đồng cảm, chia sẻ, đặc biệt là nên bày tỏ mong muốn của mình. Khi gặp trục trặc, cách tốt nhất là đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để cùng tìm hướng giải quyết thích hợp.
Bên cạnh đó, hai vợ chồng cũng nên thường xuyên trò chuyện để trao đổi các vấn đề cuộc sống hằng ngày. Qua đó, vợ chồng sẽ hiểu và thông cảm với nhau hơn. Đặc biệt, mỗi lứa tuổi có nhân sinh quan khác nhau, nên chấp nhận và cảm thông cho nhau thay vì chỉ trích, hờn trách là điều mà nhiều chuyên gia tâm lý đã chia sẻ cho các cặp vợ chồng “đũa lệch”.
N. Lê (Tổng hợp)