Bà Lương Thị Ngọc Thư, vợ cố Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết hàng nghìn lá thư gửi chồng những năm lửa đạn. Bà đã cho in những lá thư ấy thành sách với mong muốn gửi một thông điệp đến lớp trẻ...

TIN BÀI KHÁC

Lá thư lạ nên duyên chồng vợ

Nghe tiếng chuông cửa reo vang, bỏ dở việc nhà, bà Thư nhanh nhẹn bước ra mở cửa đón khách lạ. Giọng nói trầm ấm, đôi mắt sáng và tinh nhanh như thời nào còn trẻ, bà Thư nhớ về ngày ấy...

Sinh ra ở Móng Cái (Quảng Ninh), là con thứ hai trong gia đình, bố mẹ đều là y tá, chiến tranh loạn lạc, gia đình bà phải chuyển về Hà Đông, rồi lại vào Thanh Hóa. Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, năm 1949, Thư xin bố mẹ xung phong đi dân công hỏa tuyến nhưng bố mẹ chưa đồng ý. Đúng lúc này,  Bộ Y tế mở lớp y tá hộ sinh, Thư liền nộp đơn, cô được gọi vào nhập học ở trường đóng ngay tại Nam Đàn (Nghệ An). Tháng 12 năm 1952, Thư ra trường và được phân công về công tác tại trạm y tế Hà Đông. Tháng 10 năm 1953, bà hoạt động ở những vùng sau lưng địch. Cũng từ đây mở ra những ký ức đẹp như những câu chuyện cổ tích về chuyện tình và chuyện đời của bà với Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, người chồng yêu quý của bà.

Một ngày cuối đông năm 1953, bà Thư nhận được một lá thư lạ của chàng trai không quen có cái tên như con gái – Lê Ngọc Hiền từ Thanh Hóa gửi ra. Suốt cả ngày hôm đó, lòng Thư cứ nôn nao một cảm giác thật khó tả, hết đứng lại ngồi…

“Lá thư đầu tiên anh viết cho tôi, anh nói anh là bạn của anh Xuân, người yêu của Tố, bạn tôi. Hai người đã cho xem ảnh của tôi và hỏi anh có thích không. Thế rồi, anh mạnh dạn biên thư, sau khi đã đến nói chuyện xin phép bố mẹ tôi. Khi gặp anh, bố mẹ tôi cũng đã ưng và biên thư lại cho tôi để tôi... tìm hiểu anh trước" – bà kể. Thư đi thư lại nhưng vì hoàn cảnh mà họ chưa một lần hẹn gặp.

Bà Lương Thị Ngọc Thư và những lá thư kỉ vật
Họ được gặp nhau trong ngày cưới của đôi bạn thân. Sau lần gặp đầu tiên ấy, tình yêu của họ dần chín muồi để rồi đơm hoa kết trái. Họ tạm thời chia tay nhau trong nỗi quyến luyến nhớ nhung để mỗi người làm một nhiệm vụ. “Sau khi chia tay, hơn một tuần anh Hiền lại viết thư cho tôi đúng lần sinh nhật tròn 20 tuổi. Tôi hạnh phúc khi nhận được thư anh. Trong thư anh không nhắc đến sinh nhật, nhưng khi đọc thấy anh đã thầm chúc mừng”. Cứ như thế, những cánh thư từ hậu phương, những cánh thư từ nơi chiến trận xa xôi vẫn đến được với nhau. Rồi ngày vui của họ cũng đến, ngày bà Thư giản dị trong bộ áo quần y tá, còn chàng trai Hiền vẫn mặc bộ quân phục sờn vai bạc màu trước sự chứng kiến của những đồng đội và hai gia đình.

Sau ngày cưới, Lê Ngọc Hiền tiếp tục ra chiến trường, gửi lại người vợ nơi hậu phương. Những lá thư của họ cứ thế được tiếp diễn, tái sinh lại cuộc sống sinh hoạt đời thường, những cuộc chiến nơi chiến trường khốc liệt…

Thư in thành sách
“Thư yêu quý! …Đến phút chúng đầu hàng, quân ta tiến vào Dinh Độc Lập. Tất cả trong cơ quan chỉ huy, từ những đồng chí đã già, tóc bạc phơ, đến các anh em cán bộ vẫn còn trẻ, mọi người đều ôm chầm lấy nhau, mừng tủi bao nhiêu năm chiến đấu mới có ngày này, giờ này. Tự nhiên nước mắt chảy giàn giụa, nhiều đồng chí cười và khóc nức nở. Thật là không thể tưởng tượng được giờ phút lịch sử đó...”  (Thư Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử gửi vợ viết ngày 15-5-1975). 

“Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có niềm vui nỗi buồn cùng với những hạnh phúc riêng của mình. Đối với tôi cũng vậy, tổ ấm gia đình, chồng con là sự sống không thể thiếu được…” – những dòng tâm sự mang đầy chất triết lý́, cao cả của chính cuộc sống bản thân được bà Thư gửi gắm vào trong cuốn hồi ký “Anh và Thư”. Cuốn hồi ký là những lá thư hai vợ chồng gửi cho nhau từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” cho đến ngày giải phóng. Những lá thư tràn đầy sức mạnh của niềm tin vào tình yêu, vượt qua bao sóng gió cuộc sống thường nhật, qua mưa bom bão đạn vẫn son sắt một lòng. Được đọc những bức thư tình của bà Thư và ông Lê Ngọc Hiền, hẳn ai cũng đều cảm phục.

Lần giở từng lá thư đã ngả màu ố vàng qua thời gian được bà gói gọn và cất cẩn thận trong chiếc hộp nhôm sáng bóng, bà Thư đọc lại lá thư của chồng trước khi phải đi chiến trường xa: “Anh lại đi xa một thời gian, đi xa để làm nhiệm vụ mà Đảng giao cho, là vinh dự cho anh và cũng là vinh dự cho cả hai vợ chồng ta. Em đừng buồn nhé! Cuộc tình duyên của chúng ta đã trải qua bao nhiêu đấu tranh khó khăn, em cũng vẫn vững chí kiên trì mà vượt qua được để xứng đáng với nhau…”.

Sau ngày thống nhất đất nước, một số lá thư trong hơn nghìn lá thư bà Thư đã mang gửi tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số còn lại được tập hợp thành quyển hồi ký: “Anh và Thư”. Bà bảo: “Chiến tranh đã lùi xa, tôi muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng những giá trị của cuộc sống hiện tại”. Từ ý nghĩ đó, bà đã cho in những bức thư của mình thành sách. Những lúc ký́ ức ngày xưa chợt ùa về, bà Thư ngồi một mình trên sân thượng, rơm rớm nước mắt đọc lại những lá thư của một thời lửa đạn...

(Theo Quân đội Nhân dân)