“Chúng tôi yêu cầu tàu cá dừng hành động vi phạm và rời ngay vùng biển Việt Nam!” - Đó là mệnh lệnh các chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2 thường xuyên dùng đến để xua đuổi hàng trăm tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền lãnh hải.


TIN BÀI KHÁC


Đến Trường Sa thân yêu

Trong phòng khách trên con tàu Cảnh sát biển 6006 treo một tấm huân chương ở vị trí trang trọng. Các cán bộ trên tàu cho biết: Trước đó, chiếc tàu này thuộc lực lượng hải quân và biên chế qua lực lượng Cảnh sát biển. Nhiều năm trụ bám ở Trường Sa, trong đó có DK1, chính vì vậy, con tàu này gắn với biết bao câu chuyện vui buồn của các chiến sĩ trên biển khơi.

Các chiến sĩ cảnh sát biển vùng 2 tuần tra trên biển.
Khi ra Trường Sa, anh em trong đội tàu Cảnh sát biển thường đến thăm các gia đình đang sinh sống trên đảo. Một chiến sĩ tâm sự: “Nhìn vào khuôn mặt những em thơ trong các gia đình, chúng em cảm thấy sự gian nan của mình thật chẳng đáng là bao. Anh em như được tiếp thêm nghị lực để bảo vệ biển khơi”.

Trong những chuyến hải trình này, tàu Cảnh sát biển luôn quét radar để quan sát một vùng biển rộng lớn thuộc chủ quyền của VN. Tháng 4 năm 2011, anh em trên tàu đã phát hiện một số tàu nước ngoài đang đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN.

Thượng úy Vũ Đức Tuyên nhấn ga, con tàu gầm lên như một con kình ngư, lao nhanh về phía mục tiêu. Khi áp sát tàu ngư dân Trung Quốc, loa trên tàu phát đi thông điệp bằng một số tiếng nước ngoài: “Giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, chúng tôi yêu cầu dừng ngay hành động vi phạm và rời ngay khỏi vùng biển VN...”.

Khi bắt và xử lý tàu Trung Quốc, các chiến sĩ thường giáo dục, nhắc nhở, và buộc các ngư dân vi phạm phải rời ngay khỏi vùng biển VN. Biện pháp xử lý vừa lý, vừa tình, thể hiện chính sách nhân đạo của người lính Cụ Hồ.

Theo đại tá Nguyễn Quang Trung - Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 2, trước tình hình các tàu cá của ngư dân đánh bắt trên vùng biển VN, đặc biệt là vùng biển Hoàng Sa luôn bị các tàu nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, tịch thu hải sản, lực lượng Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường hoạt động tuần tra trên biển và tổ chức các điểm trực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý.

Đặc biệt, từ ngày 1.6, Cảnh sát biển vùng 2 đã điều một tàu túc trực thường xuyên 24/24 ở Cồn Cỏ (Quảng Trị). Từ khi có tàu túc trực tại đây, qua theo dõi trên radar, lực lượng Cảnh sát biển không phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm vào vùng biển này. Hiện đơn vị cũng triển khai 1 tàu nữa túc trực thường xuyên tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) để cơ động trong mọi tình huống, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản.

Tuần trăng mật trên biển


Tại vùng 2 Cảnh sát biển, từ chỉ huy đến các chiến sĩ, phần lớn đều quê tận đất Bắc đến đóng quân nơi dải đất miền Trung xa xôi. Chính vì vậy, mỗi người lính đều có những câu chuyện riêng về mái ấm nơi quê nhà.

Trong một chuyến đi Trường Sa, thiếu úy Hoàng Văn Sáu, nhân viên máy tàu, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, nhận được tin người mẹ già ở quê lại lên cơn đau tim. Chỉ kịp gọi điện về nhà động viên gia đình đưa mẹ vào viện cấp cứu, thiếu úy Sáu lên tàu nhổ neo ra khơi. Ngày tàu cập bến, được sự cho phép của cấp trên, anh mới tất tả mang món quà của chỉ huy và anh em đơn vị đón xe về quê thăm mẹ.

Nhiều chiến sĩ tâm sự: Khi ra vùng biển Trường Sa rộng mênh mông, mỗi khi nhìn thấy một chiếc tàu của ngư dân Việt Nam đánh cá treo lá cờ đỏ sao vàng, lòng ai cũng phấn chấn. Và ở vùng biển Trường Sa, những người lính biển thường gặp những chiếc tàu cá mang biển số Quảng Ngãi. Họ như những cột mốc chủ quyền trên biển.
Có gia đình thấy con đóng quân biền biệt ở miền Trung, một năm về phép một lần nên lo sắp chuyện tơ duyên cho con. Tết năm 2011, thiếu úy Phan Văn Trung, nhân viên pháo và thiếu úy Trần Văn Quân, nhân viên máy của tàu 4033 về quê ở tận Nghệ An để ăn tết và thực hiện lời hẹn ước với người thương. Khi hai chàng lính biển về quê thì mọi đồ sính lễ của nhà trai đã sắp đủ, bố mẹ cùng con sang nhà gái rước dâu.

Đám cưới xong, tuần trăng mật mới được 3 ngày thì có lệnh đi biển khẩn cấp. Vậy là 2 chàng lính biển phải chia tay người vợ trẻ, khoác ba lô quay trở lại dải đất miền Trung, nơi có con tàu đang chuẩn bị nhổ neo ra khơi làm nhiệm vụ. Những ngày trên biển, 2 chàng lính trẻ vẫn còn lâng lâng men say của hạnh phúc.

Trong hành trang của Thuyền trưởng Tuyên cũng có những tấm ảnh của mái ấm gia đình của anh. Quê ở Quảng Ninh, hàng ngày, chị vừa đi dạy, vừa chăm sóc đứa con trai kháu khỉnh 2 tuổi. Ở dải đất miền Trung xa xôi, thỉnh thoảng anh thăm vợ qua... điện thoại. Là thuyền trưởng, trách nhiệm đứng mũi chịu sào càng lớn, người thuyền trưởng này càng phải gác niềm riêng cho anh em noi theo.

“Kiên quyết dũng cảm – Khắc phục khó khăn – Đoàn kết hợp đồng – Giữ nghiêm kỷ luật” - đó chính là phương châm của những người lính Cảnh sát biển. Phương châm đó giúp các anh vững vàng tay súng trên biển cả, không mắc mưu trước sự khiêu khích của kẻ địch.


(Theo Dân Việt)