Số lượng người đẹp lên ngôi hoa hậu, á hậu… những năm gần đây như nấm sau mưa, nhiều người còn nói vui là Việt Nam đang trong thời “loạn” hoa hậu, cứ ra ngõ là gặp hoa hậu, “người đẹp” nhiều hơn “người xấu”.

TIN BÀI KHÁC

Vài năm trở lại đây, Việt Nam thường xuyên đăng cai tổ chức các cuộc thi sắc đẹp của thế giới như Miss Universe, Miss Earth… Bên cạnh đó người Việt cũng có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp của riêng mình. Không những ở trong nước mà cả cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng sổi nổi với các cuộc thi hoa hậu với nhiều hình thức, quy mô khác nhau. Cùng với đó là số lượng người đẹp lên ngôi hoa hậu, á hậu… cũng nhiều vô kể. Nhiều người còn nói vui là Việt Nam đang trong thời “loạn” hoa hậu, cứ ra ngõ là gặp hoa hậu, “người đẹp” nhiều hơn “người xấu”.

Cùng “điểm mặt gọi tên” một số cuộc thi hoa hậu dành cho người Việt hiện nay.

Lớn nhất, uy tín nhất, với chiếc vương miện cao quý nhất phải kể đến cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (tên Tiếng Anh: Miss Vietnam), được tổ chức lần đầu vào năm 1988, sau đó cứ hai năm lại tổ chức một lần. Cuộc thi này do Báo Tiền Phong khởi xướng và là đơn vị tổ chức với tên gọi lúc đầu là Hoa hậu Toàn quốc báo Tiền Phong. Kể từ năm 2002, cuộc thi chính thức đổi tên thành Hoa hậu Việt Nam với tư cách là cuộc thi hoa hậu quốc gia của Việt Nam. Vương miện của cuộc thi này có đẳng cấp quốc gia và giá trị quốc thể nên người được lựa chọn luôn được công chúng “soi” rất kỹ. Người đầu tiên đội vương miện Hoa hậu Việt Nam là Bùi Bích Phương (năm 1988). Đương kim Hoa hậu Việt Nam hiện nay là Đặng Thị Ngọc Hân (năm 2010).


Đương kim Hoa hậu Việt Nam Đặng Thị Ngọc Hân.

Chiếc vương miện chính thức của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được trao luân lưu kể từ năm 2008 (năm Trần Thị Thùy Dung đăng quang). Đêm đăng quang, tân Hoa hậu Việt Nam sẽ đội vương miện chính làm bằng vàng, sau đó vương miện này được đưa vào bảo quản tại két bảo mật. Khi tham dự các sự kiện và các hoạt động xã hội về sau, Hoa hậu Việt Nam sẽ sử dụng “bản sao” vương miện làm bằng bạc gắn đá quý, Hoa hậu được sở hữu vĩnh viễn chiếc vương miện này.

Những năm gần đây, cuộc thi ngày càng được chú ý, thu hút được nhiều nhà tài trợ nên giải thưởng cũng được tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2008,  Hoa hậu Thùy Dung nhận được giải thưởng được cho là lớn nhất trong lịch sử cuộc thi là 150 triệu đồng thì Hoa hậu 2010, Ngọc Hân được nhận phần thưởng lên đến 500 triệu đồng.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam (Tiếng Anh: Miss Vietnam Universe) cũng là một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia, mới được tổ chức một lần vào năm 2008. Đơn vị đồng đăng cai tổ chức cuộc thi năm 2008 là Công ty Hoàn vũ, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cát Tiên Sa. Người đăng quang ngôi vị hoa hậu là diễn viên, ca sĩ Thùy Lâm.
 

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 Thùy Lâm.

Hoa hậu các dân tộc Việt Nam (tên tiếng Anh: Miss Vietnam Ethnics). Cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức năm 2007 do Sở Văn hóa thông tin tỉnh Lâm Đồng khởi xướng. Sau một kỳ lỡ hẹn, lần tổ chức thứ hai diễn ra vào năm nay và thời điểm này đang trong quá trình khởi động. Lần này, cuộc thi được nâng cao hơn một bước, có sự tham gia của Ủy ban dân tộc Việt Nam tổ chức cùng công ty Ciat. Đương kim Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đăng quang từ 2007 là Nguyễn Thị Hoàng Nhung (dân tộc Tày, Thái Nguyên). Giải thưởng của Hoa hậu các dân tộc Việt Nam có phần “khiêm tốn” hơn với tiền mặt là 100 triệu đồng.
 

Đương kim Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Nguyễn Thị Hoàng Nhung.

Hoa hậu du lịch Việt Nam (Tiếng Anh: Miss Vietnam Tourism) mới được tổ chức một lần vào năm 2008. Đúng như tên của cuộc thi, Hoa hậu Du lịch Việt Nam tổ chức với mục đích quảng bá cho du lịch Việt Nam đến khách du lịch trong và ngoài nước. Đương kim Hoa hậu du lịch Việt Nam năm 2008 là Phan Thị Ngọc Diễm (Khánh Hòa). Vương miện của cuộc thi được làm bằng pha lê.
 

Hoa hậu du lịch Việt Nam năm 2008 Phan Thị Ngọc Diễm.

Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh (Ttiếng Anh: Miss Vietnam Photogic) được tổ chức bởi báo Thế giới phụ nữ lần đầu tiên vào năm 2000 và liên tiếp sau đó 6 năm liền đều tổ chức mỗi năm một lần. Lần cuối cùng là vào năm 2006 và người đăng quang là Dương Thị Mỹ Linh. Không “đình đám” bằng các cuộc thi sắc đẹp khác nhưng tên tuổi những người đẹp giành giải từ cuộc thi này sau đó cũng rất thành công. Có thể kể đến những cái tên như: Hoa Hậu: Trần Bảo Ngọc; Á hậu Dương Yến Ngọc, Ngô Thanh Vân (2000); Hoa Hậu: Phạm Thị Thanh Hằng (2002); Á hậu Trương Tri Trúc Diễm (2005); Hoa Hậu Dương Thị Mỹ Linh, Á Hậu Trương Thị May (2006)...
 

Hoa hậu PNVN qua ảnh 2004 Bùi Thị Diễm.

Đặc biệt còn phải kể đến cuộc thi Hoa hậu quý bà Việt Nam với đối tượng dành cho những phụ nữ thành đạt trong xã hội. Đến nay cuộc thi mới được tổ chức một lần vào năm 2009 tại TP Vũng Tàu. Đoạt giải Hoa hậu là Hoàng Thị Yến 33 tuổi, một nữ giám đốc với phần thưởng trị giá 150 triệu đồng. Tuy nhiên cuộc thi Hoa hậu quý bà Việt Nam cũng được biết đến với những lùm xùm trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi và cả sau đó như việc một thí sinh bị chồng gửi đơn kiện, thí sinh kiện Ban tổ chức….
 

Hoa hậu Quý bà 2009 Hoàng Thị Yến.

Cũ hơn, có thể kể đến hàng loạt cuộc thi sắc đẹp mang tính địa phương khác như: Hoa Hậu Duyên Hải, Hoa Hậu Mường (Hoà Bình), Hoa Hậu Đồng Bằng Sông Cửu Long, Hoa Hậu Tây Đô,  Hoa hậu trang sức, Hoa Hậu đền Hùng…
 
Trong nước rầm rộ, ngoài nước cũng không kém
 
Nổi bật nhất trong những cuộc thi dành cho người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài là Hoa hậu Thế giới người Việt (tiếng Anh: Miss Vietnam World), hội tụ những người đẹp gốc Việt đang sinh sống, làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau trên khắp thế giới (tất nhiên là có cả Việt Nam). Cuộc thi này mới qua hai lần tổ chức, lần đầu tiên vào năm 2007 (Hoa hậu là Ngô Phương Lan), lần thứ hai là năm 2010 (Lưu Thị Diễm Hương đoạt vương miện).
 

Hoa hậu Hoa hậu thế giới người Việt Ngô Phương Lan.

Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt được dư luận rất ủng hộ vì mang ý nghĩa, thể hiện tình đoàn kết người Việt trên khắp thế giới, lòng tự hào là người con gái Việt Nam với vẻ đẹp và cốt cách văn hóa người Việt. Có thể nói, uy tín và chất lượng của cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt chỉ đứng sau cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Còn tính về giải thưởng thì cuộc thi này vẫn đang giữ kỷ lục có giải thưởng lớn nhất trong số các cuộc thi sắc đẹp của người Việt từ trước đến nay. Ngoài chiếc chiếc vương miện có trị giá lên đến một tỷ đồng, Hoa hậu còn được nhận 500 triệu đồng tiền mặt.

Còn có một số cuộc thi khác với những tên gọi “na ná” nhưng có qui mô cũng như cách thức tổ chức nhỏ hơn như Hoa hậu người Việt hoàn cầu, Hoa hậu người Việt tại châu Âu, Hoa hậu người Việt khu vực SNG, Hoa hậu Việt Nam tại Mỹ…

Tên gọi na ná nhau, cùng tổ chức đồng loạt nên nhiều khi công chúng "hoa mắt chóng mặt" vì những danh hiệu Hoa hậu này. Ngay thời điểm hiện tại, ở nước ngoài có hai cuộc thi Hoa hậu dành cho người Việt, một tại Đức là Hoa hậu người Việt tại châu Âu, một tại Mỹ với tên gọi Hoa hậu người Việt hoàn cầu (cuộc thi mà người mẫu Ngọc Trinh, Ngọc Hằng và Như Thảo đang dự thi).
 

Ngọc Trinh cũng đang trên đường tìm kiếm danh hiệu Hoa hậu tại Mỹ.

Hầu như tất cả các cuộc thi sắc đẹp đều có thể lệ là thí sinh phải tốt nghiệp PTTH mới được dự thi, tiêu chuẩn Hoa hậu phải là người đẹp cả hình thức bên ngoài và trí tuệ bên trong, nhưng đáng tiếc là vẫn xảy ra một vài trường hợp, người đẹp sau khi đăng quang bị công chúng phản đối vì những lý do liên quan đến trình độ học vấn, hay văn hóa ứng xử… Công chúng mong rằng, dù đăng quang ở cuộc thi nào, lớn hay bé nhưng đã may mắn được đội lên đầu chiếc vương miện thì các người đẹp hãy hành động, hãy tỏa sáng xứng đáng với chiếc vương miện quí giá ấy.
 
(Theo Đất Việt)