Kết quả nghiên cứu của TT Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm cho thấy, trong tổng số 5.009 vụ phạm tội giết người được thống kê từ tháng 1/2007 - 9/2010, thì chỉ có 4% thủ phạm sinh ra từ những gia đình bình thường... Vậy, sát thủ sinh ra từ những gia đình như thế nào?

TIN BÀI KHÁC


Mang nặng đẻ đau, rồi chắt chiu từng ngaỳ nuôi con khôn lớn, không người cha, người mẹ nào có thể tưởng tượng một ngày nào đó, đứa con bé bỏng ngày nào lại trở thành một kẻ giết người, thậm chí một sát thủ dã man, khiến dư luận bàng hoàng như Lê Văn Luyện trong vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích.

Tuy trường hợp giết người dã man khiến dư luật đặc biệt chú ý như Lê Văn Luyện rất hiếm, nhưng những cái chết bất ngờ do những sát thủ chưa đủ tuổi thành niên gây ra ngày nay không còn là quá hiếm. Có thể nói, hình như người ta đã quen với cái tin “sát thủ tuổi teen” trên mặt báo, đến nỗi, một cái tít “sát thủ tuổi teen” có khi còn chẳng thu hút được sự chú ý của người đọc bằng một cái tin người mẫu lộ hàng hay cô nào đoạt vương miện hoa hậu cấp huyện.

Con đường nào khiến những đứa trẻ lớn lên và trở thành kẻ giết người?
Có rất nhiều con đường khiến một con người khi còn nhỏ là một đứa trẻ ngoan hiền, nhưng lớn lên lại trở thành một sát thủ tàn độc, trong đó phải nói đến một nguyên nhân rất quan trọng, đó là cách giáo dục của bố mẹ.

Điều này được minh chứng bởi một số liệu điều tra rất đáng quan tâm. Đó là, theo đó, kết quả nghiên cứu về Tội phạm giết người từ năm 2007-2010 mà Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm cho thấy, có tới 46% số người phạm tội xuất thân trong những gia đình phức tạp, có vấn đề (đa số các gia đình này có bố, mẹ hoặc anh, chị, em là những người có tiền án, tiền sự, làm những nghề phi pháp); có 18% đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; có 14% đối tượng sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp (mặc dù có đầy đủ cha, mẹ; vợ chồng nhưng trình độ văn hóa của bố, mẹ; vợ hoặc chồng và các anh chị em thấp, thường xử sự thiếu tôn trọng nhau, có các xung đột, cãi vã thường xuyên xảy ra trong gia đình); 7% xuất phát trong gia đình giàu có, bố mẹ, vợ hoặc chồng có lối sống buông thả, ích kỷ, sỹ diện hão hoặc nuông chiều nhau thái quá; 11% có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn. Chỉ có 4% thủ phạm sinh ra từ những gia đình bình thường.

Hồi chuông báo động tới các gia đình

Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Tội phạm học (Học viện Cảnh sát Nhân dân), cũng là người trực tiếp nghiên cứu về đề tài tội phạm nói trên chia sẻ, môi trường và cách giáo dục trong gia đình có tác động đặc biệt đến nhân cách và hành động của một đứa trẻ khi nhỏ và có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp đẩy một người đến hành vi giết người.

Trở lại vụ án tại tiệm vàng Bắc Giang, mặc dù bố mẹ có nghề bán thịt lợn, không thể nói là không có điều kiện nuôi con ăn học, nhưng Lê Văn Luyện đã nghỉ học rất sớm và theo chúng bạn xa gia đình đi làm ăn khi còn chưa đủ tuổi thành niên. Đây là lứa tuổi rất cần có sự giáo dục, định hướng, uốn nắn lối sống của người lớn, nhưng Lê Văn Luyện lại chỉ được hấp thụ nhân sinh quan từ môi trường phức tạp bên ngoài, trong khi bản thân chưa đủ hiểu biết về cạm bẫy, chưa đủ năng lực, bản lĩnh để tránh xa cám dỗ. Chính vì thế, từ một cậu bé hiền lành như lời hàng xóm nhận xét, Luyện đã trở thành kẻ nghiện ngập, rồi giết người cướp của. Vụ việc này, có thể kết luận Lê Văn Luyện vừa là thủ phạm, nhưng cũng là nạn nhân của sự thiếu trách nhiệm đối với con cái của bố mẹ y.

Nếu thâm nhập vào thế giới của những đứa trẻ lang thang, đánh giầy, những đứa trẻ làm phụ hồ tại các công trình, bất cứ ai cũng sẽ giât mình bởi lối sống buông thả, bản năng của chúng. Không có người định hướng, chúng kiếm tiền bằng mọi cách và cũng tiêu tiền vào những việc hết sức nguy hiểm như: chơi game thâu đêm suốt sáng với cái bụng rỗng, sẵn sàng lao vào nhau thanh toán nhau chỉ vì những va chạm nhỏ nhặt… Rất nhiều đứa trẻ, cho đến khi nghiện ngập, giết người và vào tù, lúc đó bố mẹ chúng mới hay biết.

Dù là hiếm, nhưng ngay cả đối với những gia đình cán bộ, công chức có điều kiện kinh tế, bố mẹ có trình độ nhưng do lối sống ích kỷ, chỉ lo tiến thân hoặc hạnh phúc riêng tư… cũng có thể đẩy một đứa trẻ cô đơn lạc vào vòng xoáy tội lỗi.

Những năm gần đây, xã hội còn gia tăng một số đối tượng phạm tội xuất phát từ các gia đình khá giả về kinh tế. Điều nguy hiểm là, những gia đình này vốn bản chất là nông dân, chưa từng có nhiều tiền trong tay, nhưng nay do có sự biến động về giá cả đất cát, nhiều nhà bỗng trở nên giàu bất thình lình, trong khi chưa hề có kiến thức về quản lý tiền bạc. Có nhiều tiền, cộng thêm với sự ít học, thiếu hiểu biết, nhiều ông bố bà mẹ đã chiều chuộng, buông lỏng sự giáo dục con cái khiến chúng sa vào nghiên game, nghiện cờ bạc hoặc ma tuý. Từ sự nghiện ngập này dẫn đến con đường tội phạm rất gần.

Theo Thượng tá Đức, thủ phạm giết người đa phần đều mới chỉ có trình độ phổ thông, phổ thông cơ sở và sống phụ thuộc gia đình, không có công ăn, việc làm ổn định. Đây chính là chính là điều kiện làm nảy sinh những bức bách trong cuộc sống, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những mâu thuẫn.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Minh Đức, hầu hết các mâu thuẫn đều xuất phát từ các mối quan hệ quen biết, quan hệ họ hàng, ruột thịt, mâu thuẫn trong nội bộ không giải quyết được dẫn đến hành động bột phát, gây ra cái chết cho người thân, bạn bè. Trong số đó, những vụ án do mâu thuẫn tức thời, chủ yếu là do đối tượng ở độ tuổi từ 16 đến dưới 30, là nhóm đối tượng có khả năng kiềm chế kém, xuất phát từ điều kiện sống, điều kiện giáo dục không tốt dẫn tới định hướng hành vi kém, khi gặp tình huống mâu thuẫn dễ xảy ra hành vi bạo lực.

Thực tế cũng đã chứng minh, nhiều gia đình chỉ vì bố mẹ mâu thuẫn với nhau, hoặc mâu thuẫn với hàng xóm, nhưng do cách giáo dục không tốt nên một đứa trẻ sẵn sàng cầm dao giết cha, mẹ, người thân hoặc hàng xóm khi có bức xúc. Cho đến khi chúng phạm tội, cả gia đình và bản thân kẻ gây án mới ân hận thì đã muộn …

Điển hình của hiện tượng này, phải kể đến trường hợp con giết bố đẻ rồi chặt xác vứt xuống sông, xảy ra hồi tháng 5/2011, tại tỉnh Hải Dương. Bố mẹ của thủ phạm Nghiêm Viết Thành để con ở nhà từ lúc Thành còn nhỏ để ra nước ngoài kiếm sống. Năm Thành 15 tuổi, bố Thành trở về nhà chăm sóc con cái, nhưng lại dùng cách thức hà khắc, đánh đập con tàn nhẫn. Vừa nghiện game lẫn cờ bạc, lô đề, lại bị bố nhục mạ, khinh rẻ, Thành đã điên rồ giết chết bố rồi lấy dao, chặt xác làm nhiều khúc, đem vứt xuống sông để phi tang... Tên nghịch tử vừa bị toà tuyên án tử hình cách đây đúng 2 hôm (ngày1/9/2011), cho dù mẹ hắn hết lời xin pháp luật khoan hồng, tha cho hắn tội chết bởi chính bà vì gánh nặng mưu sinh mà quên mất phần trách nhiệm trong việc nuôi nấng, dạy bảo, bồi đắp tinh thần cho con.

Khi án mạng xảy ra, lên án và trừng trị thủ phạm là điều rất dễ. Ngay cả khi tội phạm vẫn còn là một đứa trẻ, hầu hết mọi người đều mong muốn kẻ thủ ác phải đền mạng. Thế nhưng, những bậc làm cha, làm mẹ, khi sinh con ra mà không nuôi dạy cho đến nơi đến chốn, không dành cho chúng tình thương, sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ mà đáng lẽ bất cứ đứa trẻ nào cũng phải được hưởng, cũng cần phải bị lên án.

(Theo Vnmedia)