Làng Phan là một xóm nằm tít sâu trong xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Thời gian gần đây, địa danh vốn lạ hoắc ngay cả với dân xứ chè này bỗng dưng được nhiều người quan tâm nhắc tới. Ở đó đang có một kỳ án lạ lùng, khiến người dân hoang mang, không biết đâu là đúng, sai, phải, trái.

TIN BÀI KHÁC

Đường vào Làng Phan đất đỏ bụi mù. Bụi và cái nắng hầm hập của mùa hè làm người ta có cảm giác ngột thở. Thế nhưng, cái oi nồng, ngột ngạt của tự nhiên ấy chẳng thấm vào đâu so với những bức xúc của người dân.

Đồi hoang… “tỉnh giấc”


Vụ án ầm ĩ và đau xót này khởi nguồn từ diện tích đất rừng rộng 12,75 ha gồm hai thửa số 39, 40 (tờ bản đồ số 3) thuộc quản lý của xóm Làng Phan. Trước đây, khu đồi đó  toàn lau lách với cỏ dại. Xóm làng heo hút, đất rộng người thưa nên chẳng ai ngó ngàng. Khi dự án trồng rừng PAM được triển khai, xã Linh Sơn đã hợp đồng thuê một đơn vị bộ đội triển khai phủ xanh khu đồi trọc trên. Kết quả, được 7,8 ha đã được phủ xanh bằng cây bạch đàn, 5 ha còn lại vẫn là hoang hóa.


Khu đất rừng gây tranh cãi ở Làng Phan

Năm 1995, khi cây đã phát triển ổn định, ông Trương Công Ngọ, khi đó là Trưởng ban dự án PAM của xã đã bàn giao diện tích đồi rừng đã được phủ xanh (7,8 ha) cho địa phương (xóm Làng Phan) quản lý mà đại diện là ông Long Trọng Đức, khi đó là Chủ nhiệm HTX xóm Làng Phan.

Ngay sau thời điểm bàn giao này chừng 1 tháng, ông Đức lại giao lại diện tích rừng trên cho 10 hộ dân  sống ở gần đó. Trong số những hộ dân này có cả tên ông Long Trọng Đức. Biên bản bàn giao này ghi rõ 10 hộ dân này có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, không được để mất mát, trộm cắp. Đến tuổi khai thác phải báo cáo cho tập thể trước 30 ngày. Quyền lợi các hộ được hưởng là 80% sản phẩm rừng, còn lại nộp lại cho HTX.

Ngày 7/8/1999, ông Nguyễn Văn Hiến khi đó là trưởng xóm Làng Phan, cũng là 1 trong 10 hộ cho rằng mình được giao bảo vệ trông nom diện tích đồi rừng trên có thay mặt cho xóm làm đơn xin UBND huyện Đồng Hỷ giao diện tích đất rừng trên cho xóm. Ngay sau đơn đề nghị của ông Hiến, UBND huyện Đồng Hỷ đã xem xét và ra quyết định số 8150/QĐ-UB giao diện tích đất lâm nghiệp nêu trên (12,75ha) cho Tập thể xóm Làng Phan có trách nhiệm quản lý, chăm sóc theo quy định của nhà nước.

Nếu đất rừng mãi mãi ngủ yên như từ xưa vốn thế thì chẳng có chuyện gì xảy ra và tình làng nghĩa xóm ở Làng Phan đã không sứt mẻ, căng thẳng như bây giờ. Mọi chuyện bắt đầu từ việc UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty Gang thép Thái Nguyên vào năm 2006. Làm dự án trên,  UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định thu hồi nhiều diện tích đồi rừng, trong đó có diện tích đất trên.

Nước đục thả câu


Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Thái Nguyên thì do nắm trong tay tấm quyết định giao rừng và đất lâm nghiệp của UBND huyện Đồng Hỷ (sổ đỏ), ông Phạm Hoài Ân đã bàn với ông Đinh Văn Vượng và ông Nguyễn Văn Mão, khi đó là trưởng, phó xóm Làng Phan cách thức để trục lợi.

Theo sự “vẽ đường” của ông  Ân thì tổng số diện tích đất là 12,75 ha thuộc sở hữu của tập thể xóm Làng Phan trên thì chỉ có 7,8 ha đã giao cho 10 hộ dân, còn 5 ha thì chưa… có chủ vậy nên ông Vượng và ông Mão đứng ra “nhận” diện tích còn lại đó để hưởng tiền đền bù. Theo kết luận điều tra này thì ông Ân sẽ được phần tiền tương đương với 3 ha, còn ông Mão và ông Vượng sẽ được hưởng tiền từ 2 ha còn lại.

Cũng theo kết luận này, sau khi bàn bạc thống nhất, ông Vượng và ông Mão đã mời 10 hộ dân có liên quan trên đến họp. Tại cuộc họp đó, “ý tưởng” của ông Ân đã được 10 hộ dân nhất trí. Trong đơn đề nghị bồi thường gửi UBND huyện Đồng Hỷ, khi kê khai tên tuổi, diện tích đất rừng, ông Mão và ông Vượng đã ghi thêm tên của mình vào, mỗi người nhận là “sở hữu” 2,5 ha. Sau khi làm xong thủ tục trên, ông Mão chuyển đơn đề nghị cho ông Nguyễn Văn Việt, khi đó là phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn ký xác nhận.

Cuối tháng 11/2008, khi nhận tổng số tiền đền bù là gần 1 tỉ đồng, ông Mão và ông Vượng đã chia cho các hộ dân mỗi hộ là 51 triệu đồng (510 triệu đồng cho 10 hộ). Số tiền còn lại thì chia cho ông Ân, ông Việt mỗi người 60 triệu đồng, dư lại bao nhiêu hai ông Mão, Vượng chia nhau.

Một thời gian sau, phát hiện thấy ông Mão và ông Vượng “chỉ bỏ ra một chút công sức” mà “ăn dày” hơn mình, 10 hộ dân trên đã phát đơn kiện hai ông Vượng, Mão. Công an tỉnh Thái Nguyên vào cuộc, với kết quả điều tra như trên, tại phiên sơ thẩm ngày 28-5-2010 TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt ông Mão, ông Vượng mỗi người 7 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Cũng tội danh trên, ông Ân và ông Việt bị tuyên phạt 6 năm tù.

Kêu oan!   

Bản án trên như một tiếng sét khiến dân Làng Phan… chết đứng. Và, không chỉ những người đứng trước vành móng ngựa mà cả những người dân, những cán bộ xóm đã đồng loạt kêu oan. Họ cho rằng công an Thái Nguyên đã sai phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra vụ án, đã bỏ lọt tội phạm cũng như những chứng cứ quan trọng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Việt, nguyên là Phó chủ tịch UBND xã Linh Sơn cho rằng, ông có sai, nhưng cái sai của ông chỉ là… không giữ được mình khi nhận quà biếu của dân chứ ông không hề có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Việc nhận quà biếu trên ông đã khắc phục, đã trả lại tiền nên không thể “khép tội” nặng tay như vậy.

Thêm nữa, khi “khép” cho ông tội danh trên, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã xác định sai người bị hại, cho rằng 10 hộ dân là người bị chiếm đoạt tài sản, là nguyên đơn của vụ án là không đúng. Ở vụ án này, chỉ có những người dân của xóm Làng Phan mới là người bị hại, bởi diện tích đất rừng trên họ mới là chủ hợp pháp. Vì thế, họ mới là nguyên đơn thật sự của vụ án. Việc xác định sai như vậy đã làm sai lệch vụ án, khiến ông phải nhận hình phạt oan ức. Thậm chí, ông Việt còn cho rằng mình bị lừa, bị mắc bẫy bởi một “âm mưu” chiếm đoạt tiền hoàn hảo do chính 10 hộ dân tự nhận mình là chủ đất dựng lên.

Nhận thấy cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã có những sai sót nghiêm trọng, người dân và những bị can trong vụ án trên đã đi tìm bằng chứng để tự cứu mình. Thế nhưng, vượt bao sóng gió mà họ vẫn chưa tới được bến bờ công lý.

(Theo VTC News)