Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện nhiều người “áp vong, nhập hồn” đi tìm hài cốt liệt sĩ để trục lợi, gây rất nhiều phiền phức cho chính quyền địa phương
TIN BÀI KHÁC

Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng trong tỉnh cảnh báo thận trọng đối với những người đi tìm hài cốt liệt sĩ theo tâm linh.

Hài cốt liệt sĩ chỉ là… đất

Ngày 4-8, bà Bùi Thị Cần (SN 1952) đến UBND xã Ea Ral, huyện Ea H’leo yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ tìm hài cốt liệt sĩ Lê Mạnh Toàn. Do không có thẩm quyền, lãnh đạo xã Ea Ral hướng dẫn bà Cần lên Phòng LĐ-TB-XH huyện Ea H’leo để được giải quyết.
Theo giấy tờ, liệt sĩ Toàn hy sinh năm 1968 tại huyện M’Đrắk chứ không phải ở huyện Ea H’leo nhưng người “áp vong, nhập hồn” cho rằng địa điểm ghi trong giấy tờ là sai và quyết tâm tìm kiếm.

Chiều cùng ngày, một đoàn khoảng 15 người đã che bạt, dựng trại bên lề Quốc lộ 14 (thuộc thôn 8, xã Ea Ral). Dựng xong trại, người “áp vong, nhập hồn” cùng hơn 10 người khác lên núi Cư Rê để tìm hài cốt liệt sĩ Toàn.
Khi đến gần đỉnh núi, cách vị trí dựng trại khoảng 3 km, người “áp vong, nhập hồn” cho biết hài cốt liệt sĩ Toàn ở dưới tảng đá lớn. Lẩm bẩm một lúc, người này nói lớn: “Có 3 bộ hài cốt nằm sâu dưới tảng đá 4 m. Ngoài ra, còn có một số vật dụng khác như súng AK, 3 viên đạn…”.

Theo lời của một người “áp vong, nhập hồn”, khuôn viên bến xe phía Nam TP Buôn Ma Thuột có 12 hài cốt liệt sĩ nhưng sau khi đào chỉ lấy lên được… 12 nắm đất

Sau nhiều giờ làm việc cật lực, nhóm người trên đã đào sâu đúng 4 m theo yêu cầu và người “áp vong, nhập hồn” lập tức gọi điện về lán trại thông báo đã tìm thấy 3 hộp sọ và yêu cầu mua 3 cái quách để cải táng. Ngay trong đêm, nhóm người mang 3 túi ni lông bỏ vào 3 quách, phủ cờ Tổ quốc rồi lập bàn thờ cúng bái suốt đêm. Thấy vậy, người đi đường và người dân địa phương đến thắp hương, đặt tiền cúng.

Rạng sáng hôm sau, một trong 3 quách được đưa lên xe chở về Nghệ An. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Hoài (SN 1975, trú xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk) đến UBND xã Ea Ral tự xưng là người nhà của liệt sĩ, yêu cầu xã truy điệu 2 hài cốt còn lại. Ông Lê Quang Truyền, Trưởng Công an xã Ea Ral, cho biết: “Khi chúng tôi xuống hiện trường, đã có hàng trăm người thắp hương cúng bái. Biết không phải là hài cốt liệt sĩ, chúng tôi xin ý kiến cấp trên rồi lập biên bản kiểm tra quách có phải đựng 2 hộp sọ như “thầy” nói hay không. Qua kiểm tra, bên trong các quách là 2 bịch ni lông đựng toàn… đất”. Tại hiện trường, bà Hoài đã phải ký vào biên bản công nhận không có hài cốt liệt sĩ trong quách.

Làm loạn công sở

Thông qua người “áp vong, nhập hồn”, gia đình một liệt sĩ (quê ở Hà Nội) đã tổ chức tìm mộ tại nghĩa trang huyện Ea Kar. Theo người “áp vong, nhập hồn”, vị trí là mộ vô danh số 10, hàng thứ 3 từ phía Đông sang. Do không có căn cứ rõ ràng nên Phòng LĐ-TB-XH huyện Ea Kar không cho chuyển hài cốt.

 

Sau 3 ngày đào bới theo chỉ dẫn của người “áp vong, nhập hồn”, chỉ lấy được một nắm đất

Ngày hôm sau, người “áp vong, nhập hồn” cùng thân nhân liệt sĩ đã kéo lên Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk yêu cầu làm thủ tục và cho di chuyển hài cốt về quê. Bị từ chối, người “áp vong, nhập hồn” tự xưng mình là liệt sĩ, ngồi nói huyên thuyên gần một buổi sáng không chịu về. Khuyên can không được, lãnh đạo sở đành “cầu cứu” Công an tỉnh Đắk Lắk. Khi được mời về trụ sở công an, “thầy” bỗng tỉnh bơ như chưa có chuyện gì xảy ra. Khi cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra ADN để xác định có đúng là thân nhân liệt sĩ hay không thì ai cũng từ chối.

Theo ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công-Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, sở nhận được rất nhiều phản ánh từ các địa phương trong tỉnh về việc bị một số người tự xưng là nhà ngoại cảm, đồng đội cũ đi tìm mộ liệt sĩ đến nhũng nhiễu. Họ đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ủng hộ tiền và phương tiện tìm kiếm. Có nhiều trường hợp người “áp vong, nhập hồn” cho rằng vị trí này là mộ liệt sĩ nhưng khi quy tập lại không có hài cốt.

Ở Hà Nội chỉ dẫn tìm mộ tại… Đắk Lắk
Theo ông Lê Hải Lý, không ít trường hợp “nhà ngoại cảm” ở tận các địa phương phía Bắc gọi điện thoại chỉ dẫn “đệ tử” tìm mộ liệt sĩ ở Đắk Lắk, gây không ít rắc rối. Hiện tại, có 4 mộ liệt sĩ vô danh ở các nghĩa trang trong tỉnh nhưng có tới 8 gia đình nhận là thân nhân. “Các gia đình thân nhân liệt sĩ cần bình tĩnh, dựa vào sơ đồ mộ chí, cơ quan quân sự, đồng đội cũ hướng dẫn và kiểm tra ADN để tránh bị kẻ xấu lợi dụng” – ông Lý khuyến cáo.

(Theo Người lao động)