Người thân, con cháu của cụ Trần Văn Tiệp đều ủng hộ việc tìm kiếm "kho vàng" nhằm thỏa mãn ước nguyện cuối đời của cụ, trong khi những người có trách nhiệm ở địa phương dù cấp phép cho thăm dò nhưng vẫn nghi ngờ.

Người Nhật trở lại tìm 4.000 tấn vàng trên núi Tàu?
Trong những lần tiếp xúc với PV, cụ Trần Văn Tiệp đều tỏ ra lo lắng trước những thông tin cho rằng, người Nhật đang tìm mọi cách trở lại núi Tàu để tìm lại “kho vàng”.
 
Lại đi tìm “kho báu 4.000 tấn vàng”
UBND tỉnh Bình Thuận vừa chính thức cấp phép thăm dò kho báu trên núi Tàu (còn gọi là núi Mây Tào ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong) cho ông Trần Văn Tiệp, 96 tuổi, người hơn nửa đời theo đuổi việc tìm kiếm kho báu này.
 
TIN BÀI KHÁC


“Món ăn tinh thần cuối đời của bố tôi”

Giữa tháng 10.2011, chúng tôi tìm gặp những người thân của cụ Tiệp nhằm tìm hiểu thêm về quá trình đi tìm "kho vàng" của cụ.

Đại diện gia đình, anh Trần Phương Hồng, con trai út cụ Tiệp, cho biết bố anh có tất cả 11 người con và nhiều cháu chắt. Hầu hết những con của cụ đều thành đạt và có cuộc sống sung túc; trong đó có ông Trần Phương Bình, hiện là Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, và vợ ông Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung, hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Anh Hồng tâm sự: “Thấy tâm huyết quá lớn của bố suốt hàng chục năm qua nên các anh, chị trong gia đình mới họp bàn và cử tôi theo hỗ trợ cho bố, để thỏa mãn tâm nguyện cuối đời của ông”.

Theo anh Hồng, anh chỉ hỗ trợ bố lo các công việc, chăm nom công trình, làm tài xế chở ông cụ lui, tới, còn người quyết định vẫn là bố anh.

Cụ Tiệp và con út Trần Phương Hồng.
Anh Hồng kể, dù từ nhỏ anh và các anh, chị em trong gia đình có nghe bố nhắc nhiều và thấy bố thường xuyên đi tìm "kho vàng" này, nhưng anh còn ngờ ngợ vì thiếu chứng cứ khoa học. “Ban đầu tôi và các anh, chị trong nhà cứ khuyên can bố đã lớn tuổi rồi, nhà đầy đủ đâu cần gì nữa, đừng đi tìm cho mệt thân, nhưng bố tôi vẫn không nghe. Thấy bố quyết tâm quá, vả lại gia đình nghĩ rằng đấy là món ăn tinh thần cuối đời, nếu ngăn cản sợ bố buồn, ảnh hưởng đến sức khỏe nên gia đình thống nhất để ông làm theo ý mình. Nếu tìm được thì ông quá mãn nguyện, còn không thì cũng thỏa mãn phần nào ước nguyện mà ông theo đuổi bao nhiêu năm nay”, anh Hồng bộc bạch.

Cũng theo anh Hồng, sau khi Công ty CP thiết bị địa vật lý Hà Nội khảo sát thăm dò khẳng định “có các khối quặng kim loại” tại khu vực mà cụ Tiệp nói có "kho vàng", thì niềm tin của anh vào bố càng mạnh mẽ hơn.

Để chuẩn bị cho việc khai quật “kho vàng” có thể bắt đầu vào đầu năm 2012 (lúc ấy thời tiết thuận lợi hơn), anh Hồng cho biết gia đình đã dự toán kinh phí hơn 3,3 tỉ đồng và dự trù chi phí phát sinh.

Ông Hoàng Văn Sáu, cháu gọi cụ Tiệp bằng bác, cho biết thêm cụ Tiệp thường dạy con, cháu rằng, việc ông tâm huyết đi tìm "kho vàng" không phải cho ông hay gia đình, mà vì muốn một khối tài sản quá lớn đang nằm trên đất nước mình không bị quên lãng. Đó là tài sản quốc gia cần được phục vụ cho đất nước, cho dân tộc.

Nghi ngờ vẫn cấp phép!

Trong khi đó, dù đã ký cấp phép cho cụ Tiệp thăm dò "kho vàng", song nhiều lãnh đạo chính quyền địa phương vẫn tỏ ý nghi ngờ.

Ông Đặng Văn Hải, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, người đầu tiên ký giấy phép cho cụ Tiệp thăm dò "kho vàng" ở núi Tàu, nói: “Ông Tiệp không chỉ có một kho vàng núi Tàu mà còn từng “phát hiện” một số kho khác ở Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận), Vũng Tàu. Ông Tiệp gặp ông Tám Hiền (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - PV) chính là từ kho báu Tân Minh”.

Ông Hải phân tích: “Cuối năm 1944 đến khoảng tháng 8.1945, đây là thời gian quân đội Nhật có mặt ở Tuy Phong. Không có nhiều thời gian để quân đội Nhật chở đến 4.000 tấn vàng từ biển lên đến núi Tàu. Càng không hề có dấu vết gì cho thấy có sự vận chuyển lên núi Tàu. Trước khi ký cấp phép, tôi từng cùng ông Tiệp đi khảo sát núi Tàu”.

Tại sao ông lại cấp phép tìm kiếm và để cụ Tiệp đào bới núi Tàu khi đó?”, chúng tôi hỏi. Ông Hải trả lời: “Tôi biết chắc là không hề có vàng. Nhưng để thỏa mãn ý tưởng của ông ấy, tôi đã yêu cầu ông phải ký quỹ vào Kho bạc Nhà nước huyện Tuy Phong 50 triệu đồng để sau này hoàn thổ. Hơn nữa, trước khi ký cấp phép tôi đã xin ý kiến anh Kiệt và anh Khải (Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó thủ tướng Phan Văn Khải - PV). Một năm sau tôi kiểm tra lại thấy ông Tiệp đã đào sâu gần 20 mét và đánh phá mìn nát tan một sườn đồi. Tôi biết khi ấy ông Tiệp đã tiêu tốn khá nhiều tiền và đã bị nhiều người lợi dụng nên quyết định cho ngưng”.

Sau đó, vừa mới nhậm chức, nguyên quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Trần Khán tái cấp phép cho cụ Tiệp thăm dò “kho báu”. Lý do cấp phép được ông Khán đưa ra là vì thấy cụ Tiệp quyết tâm theo đuổi và cung cấp thêm cho tỉnh một số vật chứng mà cụ cho rằng thu được tại khu vực “kho báu”, gồm 1 bản gia phả, 1 cây kiếm Nhật… Và quan trọng hơn đó là sự giúp sức của cựu Bí thư Tỉnh ủy Tám Hiền, một người rất tin vào "kho vàng" này. “Sau khi xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy và Chính phủ, tôi quyết định ký cấp phép cho ông Tiệp tiếp tục thăm dò”, ông Khán nói.

Mới đây, ngày 10.10.2011, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương tiếp tục ký giấy phép cho cụ Tiệp thăm dò "kho báu". Ông Phương cho rằng giờ đây chứng cứ mà cụ Tiệp cung cấp có nhiều hơn trước. Hơn nữa, cụ Tiệp cũng có hẳn một phương án tìm kiếm thăm dò bài bản hơn với thiết bị máy móc hiện đại. Cụ Tiệp cũng đã ký hợp đồng với Công ty CP thiết bị địa vật lý Hà Nội thăm dò bằng máy đo từ trường. “Mặt khác, ông Tiệp đã lớn tuổi, gần như cả đời theo đuổi câu chuyện kho vàng này. Vì vậy, sau khi xin ý kiến cấp trên, tôi quyết định cho ông Tiệp tiếp tục được thăm dò, tìm kiếm”, ông Phương nói.

Ông Hồ Ba, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, cho rằng: “Theo quan điểm của tôi thì cứ để cho ông ấy thăm dò lần cuối. Nếu lần này ông ấy không tìm thấy vàng thì cũng là khẳng định rõ ràng chấm dứt một nghi vấn suốt mấy chục năm qua về một kho vàng khổng lồ ở núi Tàu”.

(Theo Thanh niên)