- Với những người muốn thi cao học, tiếng Anh đầu vào, đầu ra đã cản bước bao người khi vừa le lói ý định trèo lên cao học. Tiếng Anh đầu vào đã phải nghĩ “trăm phương ngàn kế” để đi thi, vài năm gần đây lại thêm chuẩn tiếng Anh “đầu ra” khiến các học viên cao học lại như kiến bò chảo nóng. Tuy nhiên, mọi việc lại không phức tạp và căng thẳng đến vậy.
LTS: Tuyến bài lớp 1 - thạc sĩ đã "chạy" đến sát bài cuối cùng và có sự phản ánh khá chân thực về tình trạng học cao học hiện nay ở Việt Nam. Tuy cũng có người phản đối và cho rằng họ đã học rất nghiêm túc, nhưng phần đông đều nhìn nhận bức tranh chân thực là lớp 1 học quần quật còn thạc sĩ học "dật dờ". VietNamNet xin tiếp tục đăng tải một bài viết của 1 học viên cao học kể về việc học tiếng Anh.

Chật vật “đầu vào”

Tôi có anh bạn thi đầu vào cao học. Quyết tâm cao lắm lắm, rằng lần này phải cho hội cơ quan biết tay, 2 năm nữa sẽ như ai, là thạc sỹ chứ chẳng chơi đâu! Rồi con cái nhìn theo tấm gương của bố, cố gắng phấn đấu mà học tập. Chưa kể đến việc “nâng giá” trong mắt bà vợ vốn hay nhủng nhẳng chê bai chồng!

Chuẩn bị hồ sơ nuột nà hồ hởi đi nộp. Ghi danh học ôn, các môn chuyên ngành anh đều lấy cần cù bù thông minh, học ngày cày đêm, đến cơ quan cũng bài vở ôn luyện đâu ra đấy. Nhưng đến thời gian ôn thi tiếng Anh thì hoảng quá, bởi trước nay anh đâu biết tí tiếng Anh nào.
Đất nước hội nhập, anh tiến bộ lắm biết được “Hê lô” với “bái bai”. Chẳng may còn có ông Tây bà đầm nào thấy anh chào mà phấn khởi nói thêm đôi câu xi lố xì lồ là anh gãi đầu gãi tai, cười cười và… lẩn. Vậy mà giờ mỗi buổi lên lớp, cô giáo xổ một tràng, bảo anh trả lời, rồi lại ghi lên bảng dòng chữ mà anh phải nghển cổ mỏi mắt chép từng chữ, bắt phải chia thì nọ thời kia, đổi số ít số nhiều, rồi các từ đặc biệt cứ biến đổi cái đuôi không theo trật tự… Tựu trung là anh bó tay với việc học tiếng Anh.

Về nhà vắt tay lên trán nghĩ mưu. Sau vài đêm trăn trở, anh nghĩ ra một kế. Đến lớp học, anh dò tên danh sách “an pha bê”, tìm người có vần giống tên mình, lân la làm quen. Anh em với nhau trong lớp học, cứ giữa buổi mời nhau uống nước, cuối buổi mời nhau uống bia, chẳng mấy mà thân. Cùng vần tên anh có mấy em đã có bằng tại chức tiếng Anh nhưng vẫn đi thi. Vậy là ổn rồi, chỉ chờ giờ G nhập cuộc.

Buổi thi hôm đó diễn ra nghiêm túc và khốc liệt với các môn chuyên ngành, chẳng ai ngó ngoáy được tẹo nào. Nhưng nào ngờ đến môn ngoại ngữ thì lại tháo khoán, thoáng đãng đến không ngờ. Anh đã có chiếc “phao” sống ngồi ngay cạnh, cứ thế căng mắt lên nhòm và chép lấy chép để. Rồi cũng qua! Anh thờ phào nhẽ nhõm, nhủ thầm cứ học đã rồi lại tính.

Kiên trì “đầu ra”

Nghe chuyện anh học ngoại ngữ, tôi thắc mắc, rằng thi “đầu vào” đã khổ sở như thế, vậy môn tiếng Anh thì anh xoay sở thế nào? Chẳng lẽ cũng cứ kế sách “nhòm bài bạn” mà diễn sao? Anh tỉnh bơ: Chứ sao! Không phải thi nữa, chẳng phải loại nhau nữa, anh em trong lớp bao bọc nhau cho qua thôi. Mà các giáo viên thì cũng hiểu các học viên, thôi thì nhắm mắt làm ngơ. Và anh tằng tằng học xong các môn học chuyên ngành để chuẩn bị bảo vệ.

Đùng một cái, như sét đánh ngang tai, anh lại biết tin (thực ra thì anh biết muộn, chứ mọi người biết ngay từ lúc thi “đầu vào”) rằng phải có chứng chỉ TOEFL 450 thì mới được bảo vệ luận văn. Trời ơi, làm sao mà xoay sở được cái chứng chỉ này kia chứ. Muốn thi được thì phải đóng tiền đô ra trung tâm của Mỹ đăng ký. Mà TOEFL thì đến ai đọc thông viết thạo tiếng Anh cũng còn hoảng sợ nữa là người chỉ biết “Hế lô” như anh. Anh nhủ thầm trong bụng: Có khi phen này “đứt” giấc mơ thạc sỹ.

Chùng chình học tiếp vài môn, nghe ngóng khắp nơi, một hôm, anh gọi tôi hồ hởi:

- Anh được cứu rồi!

- Sao? Anh ốm à? Nằm ở viện nào?

- Không phải, anh được “cứu” vụ tiếng Anh cao học rồi.

Anh hào hứng kể lể. Thì ra bây giờ ngoài chứng chỉ TOEFL 450, các trường tổ chức đào tạo thạc sỹ có thể cho học viên thi bằng B1 theo Khung chuẩn châu Âu, mà bằng B1 này thì “dễ thở” hơn thi TOEFL nhiều! Đã thế cái vụ thi tiếng Anh này nhất định phải luyện ôn ở trường đang học, chứng chỉ trường khác là không được công nhận.
Vậy là, lớp anh lập tức họp vài buổi, chủ đề thảo luận là làm thế nào để thi được bằng B1. Nghe thì có vẻ căng thẳng, nhưng thực ra là lấy “trí tuệ tập thể” để xem có phương cách ngoại giao nào cho vụ này không. Anh em ai cũng đồng lòng nhất trí, rằng tài chính đừng có tính đếm, làm thế nào để thành thạc sỹ mới quan trọng! 

Đóng tiền học ôn 10 buổi, lên lớp nghe tiếng Anh ùng oàng bên tai, rồi đóng tiền đi thi. Anh bình thản đón nhận kết quả thi trượt vỏ chuối. Hôm thi về, anh gọi tôi đi uống bia, mừng đã thi xong lần 1. Tôi ngạc nhiên lắm, vì thấy anh thi trượt vẫn vui vẻ như không. Xong vài quai bia to tướng, anh hoạt ngôn hẳn lên, vung tay chém gió: Chú lo làm gì. Anh quán triệt rồi, cứ đóng tiền thi, thi lần 2, lần 3, lần 4. Anh được biết thì vòng đầu thì chặt, nhưng các vòng sau thì lỏng dần lỏng dần. Khó nhất là đoạn thì nói, chứ đọc và viết thì kiểu gì cũng xoay xong. Nghe khóa trước kháo nhau, mỗi lần thi đóng tiền triệu nên cứ theo tinh thần kiên trì bám đuổi. Chắc chắn rồi sẽ qua như… quy luật vốn vậy.

Chẳng biết tiếng Anh của anh ở ngưỡng bằng nào! Nhưng tinh thần kiên trì học tập thì đã đạt bằng xuất sắc!

Kinh Giới
Những thạc sĩ có "mũ" nhưng đầu rỗng
Việc học và thi ở bậc cao học ở một số trường hiện nay khá nhàn nhã, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
 
Mẹ thạc sĩ xót xa cảnh con lớp 1
Đây là tâm sự của một bà mẹ ở quận Đống Đa, Hà Nội, hiện đang là học viên cao học đồng thời có con trai vừa bước chân vào lớp 1 cách đây chưa đầy 2 tháng.
 
Trẻ vỡ lòng tối mắt, thạc sĩ lại “vểnh râu”
Một nghịch lý lạ lùng: Học vỡ lòng phải học ngày học đêm mới mong theo kịp chương trình, trong khi học thạc sĩ, tiến sĩ lại phởn phơ “học mà chơi, chơi mà học”.
 
Lối nào cho trẻ lớp 1 không mang cặp tới trường?
Học sinh tiểu học chạy đua với chương trình và gồng mình thi với học. Còn học viên sau đại học thì đang học theo kiểu “dật dờ”, chiếu lệ.

Thi vào lớp 1 khó hơn thi cao học?
Để vào học lớp 1, nhiều trẻ mẫu giáo phải oằn mình luyện viết trong các lò luyện, trong khi không ít sinh viên mới tốt nghiệp ĐH, công chức chỉ cần ung dung nộp tiền, học ôn là chắc chắn đỗ cao học.
 
Nghịch lý ở Việt Nam hay ở Mỹ?
Ở Mỹ, nếu cuối năm trẻ học lớp một tuyên bố thích đi học, đó chính là thành công của giáo viên trong cả năm.