Trong vòng chưa đầy 3 năm, dòng họ này đã có 12 người chết bất thường, chết vì bệnh tật. Khu nghĩa trang của dòng họ lúc nào cũng trắng vòng hoa vì người trong dòng tộc theo nhau chết.

“Rắn thần“ báo thù, hàng chục người theo nhau chết?
Những người trong một dòng họ ở Thị xã Chí Linh (Hải Dương) khi cải táng ngôi mộ tổ, đã bắt hai con rắn nặng cả ký lô lên làm… mồi nhậu.

TIN BÀI KHÁC

Được báo trước vẫn không thoát chết

Trước hàng loạt cái chết của mọi người, dòng họ liền tìm xuống một ông thầy ở Quảng Ninh để “cầu cứu” thì được người này phán rằng: “Dòng họ bị trùng tang nên cứ khoảng 100 ngày là lại có một người ra đi, nếu muốn thoát được thì phải nhờ thầy cao tay lập đàn giải hạn”. Ông thầy Quảng Ninh “phán” rằng, trong họ một tuần nữa sẽ có người tên là Cường sắp bị “bắt đi”.

Không tin vào lời thầy phán, mọi người trong họ lại tiếp tục đi gọi hồn ở bên huyện Nam Sách. Trong quá trình gọi hồn, “người chết hiện lên” nhập vào một người và cho biết “vào ngày 20/8/2010 các “thần” sẽ bắt một người tên Cường trắng trẻo, đẹp trai, đi làm ở xa và là người có chức tước”. Sau khi nghe thấy thông tin đó, mọi người trong nhà ai nấy đều nơm nớp lo sợ và chờ đến ngày 20 định mệnh. Rà soát trong họ xem những ai có tên thì chỉ thấy có duy nhất một người tên Cường (là con của ông lão định mang con rắn màu đỏ rực về ngâm rượu). Người này đã lấy vợ nhưng ở tận Hà Nội.

Cuối cùng ngày đó cũng đến, trong họ người này dặn người kia luôn phải cẩn thận, máy điện thoại lúc nào cũng phải bật 24/24h để nghe ngóng tình hình. Đến 20h ngày 20/10/2010, cả họ vẫn chưa thấy xuất hiện tin xấu, cho rằng mọi chuyện đã qua và các thầy bói, thầy gọi hồn là lừa bịp. Mọi người vui vẻ rủ nhau đi uống rượu hát karaoke “ăn mừng”.


Ảnh minh họa

Nhưng cuộc vui ấy chỉ diễn ra được chưa đầy 2 tiếng đồng hồ: Đúng 22h, điện thoại mọi người run bần bật, người trên Hà Nội báo về hung tin anh Cường vừa chết thảm khi tàu hỏa đâm phải ở thị trấn Văn Điển. “Người thì đứng chết lặng sững sờ, người thì sợ quá rơi cả cốc bia vào chân vỡ tan mà không hay khi nghe thông tin ấy”, một người thuật lại. Nạn nhân là một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa, thời điểm anh “ra đi”, vợ anh đang mang bầu đứa con đầu lòng và anh cũng đang giữ chức vụ Phó Giám đốc một công ty chuyên về thiết bị điện.

Hơn 2 tháng sau, người trong họ lại tiếp tục đi xem bói và được thầy phán sắp tới trong họ sẽ có một người nữa có tên vần H sắp “ra đi”. Lại một lần nữa sự trùng lặp xảy ra khi ngày 28/3 vừa qua, một người trong họ tên Hùng đang khỏe mạnh bình thường bỗng nhiên đổ bệnh, sau khi đi bệnh viện chiếu chụp ông được các bác sỹ cho về nhà chữa trị. Về nhà được vài ngày, trong khi đi từ nhà ra ngoài cửa thì ông gục ngã chết luôn tại chỗ.

Một phụ nữ trong họ mắt đỏ hoe nhớ lại: “Chiều hôm ấy tôi còn mang bột mỳ rán sang cho ông ăn. Ông tỉnh táo và khỏe mạnh mạnh lắm, nhìn thế nên tôi yên tâm ra về. Chỉ vài tiếng sau đã nghe thấy tin ông ấy đột nhiên loạng choạng bước tới cửa thì lăn đùng ra chết.”

Như vậy chỉ tính trong vòng chưa đầy 3 năm, dòng họ này đã có 12 người chết bất thường, chết vì bệnh tật. Khu nghĩa trang của dòng họ lúc nào cũng trắng vòng hoa vì người trong dòng tộc theo nhau chết.

“Lá vàng khóc lá xanh”

Theo chân một người dân Bích Thủy, chúng tôi đến nhà ông L.Sinh, một người trong dòng họ. Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, tiếp chúng tôi là 2 người đàn ông, một già, một trung tuổi, là ông Sinh và người cha - cụ L.Tài (79 tuổi). Đây chính là gia đình đã có 3 người liên tiếp chết cách nhau 100 ngày.

Khi hỏi thăm về sức khỏe và tuổi tác, ông cụ cười cười nhưng đôi mắt đượm buồn: “Vợ chồng tôi bằng tuổi nhau, nếu bà ấy còn thì xuân này chúng tôi đã được cùng con cháu mừng thọ 80”. Có lẽ những cái chết của vợ và các con trai làm ông gần như suy sụp, nếu không phải vì biến cố này thì người đàn ông ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ấy vẫn còn mạnh khỏe lắm. Giờ đây mỗi bước đi của ông đã phải nhờ đến cây gậy đồng hành.

Tò mò về câu chuyện 2 con rắn, chúng tôi đánh bạo hỏi ông Sinh xem thực hư thế nào. “Đúng là có chuyện đó”, ông khẳng định. “Mấy năm trước, con cháu trong họ chúng tôi góp tiền để đưa mộ cụ tổ bà về bên cạnh cụ tổ ông. Trong quá trình đào lên thấy trong mộ bà có con rắn cạp nia và trong mộ ông có con rắn hổ mang nặng gần một ký. Nhưng không có chuyện con rắn có cái mào như mọi người vẫn nói và chúng tôi cũng không đập chết mà những người thợ xây mộ đã đem con rắn này đi bán lấy tiền uống rượu”, ông cho biết.

Theo ông Tài, dòng họ L.V có khá nhiều điều đặc biệt: Có 8 chi, đến đời mình mỗi người con trai trong họ sau khi lập gia đình đều sinh được 8 người con. Đó cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà người họ L.V vẫn lấy làm tự hào về cái “lộc” của mình. Nhưng đến nay, ông Tài cũng chỉ còn lại 5 người con.

Sau “cơn bão ma” này, riêng chi nhà ông cũng mất 5 người. Các chi khác trong họ cũng cùng chung tiếng khóc mất con cháu một cách đau lòng, khó hiểu. Từ năm 2009 đến nay, cứ lần lượt những cái chết gần nhau liên tiếp xảy ra cướp đi hơn chục mạng người, hiện tại trong họ còn một người đàn ông cũng đang vật lộn chống chọi khó khăn với bệnh tật và “không biết đi lúc nào”.

Những người quá cố, già có, trẻ có, cả nam và nữ, người bỗng dưng phát bệnh, người chết tức tưởi để lại nỗi đau khôn cùng cho người còn sống. Con cháu trong nhà hoang mang lo sợ, những buổi họp họ đầu xuân đã không còn vui nữa, thêm vào đó là những lời đồn thổi dù không ác ý của dân trong làng làm không khí trong mỗi gia đình mang họ Lương chẳng mấy lúc được bình yên.

Những người con trai khỏe mạnh cứ đột ngột ra đi để lại nỗi trống trải không gì bù đắp được cho những người phụ nữ và sự phiền muộn, nhớ thương của những người làm cha mẹ. Kể cho chúng tôi nghe chuyện của các em mình, ông Sinh vẫn bùi ngùi vì thương hai “chú” chưa có con trai nối dõi. Ông cũng vô cùng thương tiếc cho cái chết của anh Cường: “Hàng trăm người đứng đợi tàu hỏa đi qua, “ma xui quỷ khiến” thế nào, chú nó lại chọn đúng thời điểm ấy để băng qua đường sắt”.

Nỗi đau chưa lời giải

Mang nỗi lo sợ trong lòng, những người phụ nữ với bản tính yếu đuối tìm đến các đền, chùa, thầy cúng, cô đồng để xem bói, giải hạn. Bản thân ông trưởng họ và gia đình cũng nhiều lần lập đàn giải oan, giải hạn cho họ nhà mình. Trong tâm trạng hoang mang, lo lắng họ cũng chỉ biết tìm đến những nơi như thế để tìm chốn cầu an cho dòng họ. Bình tĩnh hơn, ông Sinh nghĩ rằng gia đình cũng như dòng họ, “thịnh nhiều rồi cũng có lúc suy. Những chuyện không may, những cái chết đau lòng là việc rủi ro không tránh được. Bản thân tôi là người trực tiếp đào mộ các cụ lên để quy hoạch, mình làm việc tốt báo hiếu tổ tiên, sao có thể coi là bị trừng phạt được?”.

Tìm gặp ông trưởng họ L.Xương tại một quán nước trong làng khi ông đang mải nói chuyện với những người hàng xóm, ông thở dài âu sầu: “Tôi đã dồn được 20 triệu đồng định để cải mộ cho bà lão nhưng sau những chuyện đã qua, mấy đứa con chưa đồng ý, chúng bảo để đi “xem thầy” xem thế nào”.

Nghe đâu câu trả lời của “thầy” khiến không ít người sởn gai ốc lo sợ: “Dòng họ này bây giờ không được cải táng mộ vì cứ hễ có một người được đào lên sẽ có một người nằm xuống”. Ông Xương thoáng buồn kể chuyện mấy người con dâu của ông sợ rằng khi bốc mộ mẹ lên thì chồng các chị sẽ chết, vì thế các con ông lần chần mãi mà không dàm làm. Lúc chúng tôi về thôn Bích Thủy cũng là lúc người con dâu của ông Xương đang lặn lội lên tận Bắc Giang tìm thầy xem bói cho vận hạn nhà mình.

Những người trong dòng họ L.V biết bao ngày nay đã sống trong sợ hãi. Không những thế, họ còn phải luôn nhân được những cái nhìn ái ngại của người trong vùng. Sau những sự việc đã xảy ra, có người nghĩ rằng rồi bây giờ, con cháu nhà họ L.V sẽ khó lấy vợ, lấy chồng do ai biết chuyện cũng sẽ bất an, sợ “ma ám”. Câu chuyện của dòng họ còn có khi bị một số người gán ghép vào những chuyện không hay, xui rủi khác. Người xấu bụng thậm chí còn thêu dệt ra câu chuyện đổ lỗi người họ khác chết cho… họ L.V.

Một phụ nữ trong làng thì thào với chúng tôi: “Đấy, cái vụ nhà chị hàng xóm cạnh nhà ông trưởng họ chết vì điện giật là một ví dụ. Người nhà chị bị điện giật đã đi xem bói thì được thầy phán rằng do bà vợ ông trưởng họ L.V trên đường về nhà bắt con cháu đi cùng nhưng do cửa khóa không vào được nhà nên đã đi vòng phía sau. Không may nhà chị ấy lại ngay sau nhà bà này nên hồn ma bà này đã bắt đi”.

Những người trong dòng họ L.V muốn tin rằng những tai ương liên tiếp giáng xuống đầu họ bấy lâu nay chỉ là một sự rủi ro. Họ mong muốn tai ương qua đi, vận đen qua đi để người còn lại vẫn phải sống tiếp, con cháu trong nhà sẽ lớn khôn khỏe mạnh dựng vợ, gả chồng sinh con cháu đề huề đem lại phúc đức, thịnh hưng cho dòng họ, xóa bỏ lời đồn “ma ám” bấy lâu nay. “Những người còn sống làm tròn trách nhiệm cải táng cho người đã khuất theo đúng tập tục, văn hóa người Việt Nam, vì sao chỉ vì 2 con rắn mà phải chịu nhiều nỗi đau đến thế?”, một người đặt câu hỏi.

(Theo Pháp luật và thời đại)