Làng Vân Gia (Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội) gồm 4 thôn, thì thôn 6 và thôn 8 chết bất đắc kỳ tử nhiều nhất. Riêng thôn 8, đã có sự ghi nhận 25 người chết từ nửa cuối năm 2007 đến nay.



Bà K. kể về "ngày đen tối" ở làng Vân Gia.

Số lượng người chết đột ngột, mà dân làng nghi do “thánh vật” ở thôn 6 tuy chưa thống kê hết, song cũng không kém thôn 8 là bao. Theo người dân, thôn 6 và 8 chết nhiều nhất vì nằm sát cạnh ngôi chùa cổ Viên Quang, nơi bị coi là động long mạch. Thôn 5 và 7 cũng thuộc làng Vân Gia nhưng chết ít hơn vì nằm cách chùa Viên Quang vài trăm mét.

Sau một hồi hỏi han lòng vòng, tôi cũng tìm thấy nhà bà K. (xin được giấu tên và chức vụ vì bà ngại phát ngôn), cán bộ thôn 6. Tuy nhiên, bà K. họp chi bộ ở nhà ông Long, trưởng thôn. Tôi tìm đến nhà ông Long thì cuộc họp chi bộ cũng vừa kết thúc.

Hỏi chuyện động long mạch, bà K. và ông Long đều có vẻ ngại ngùng. Tuy nhiên, là người khá gần gũi, nên trò chuyện một lúc, bà trở nên cởi mở hơn.

Bà K. kể về cái ngày đặc biệt của làng, là ngày 22 âm lịch hàng tháng, mà một số người gọi là “ngày đen tối”. Sở dĩ, người Vân Gia gọi tên cái ngày đó như một bộ phim kinh dị, vì vào ngày đó, thường xuyên xảy ra chết chóc. Đó cũng là ngày “tử thần” về làng bắt một ai đó đi theo.

Bà K. ngồi ngẫm nghĩ, tính toán một lát, rồi thống kê rằng, trong thời gian từ đầu năm 2008 đến đầu năm 2009, trong làng liên tục diễn ra hiện tượng chết vào “ngày đen tối”.


Họ Y. mất nhiều người nhất vào "ngày đen tối".

Cứ đến 22 âm lịch hàng tháng, trong làng lại có người chết. Dù cố gắng lắm, song vào ngày này, người dân không thể tránh được chuyện chết chóc. Toàn những cái chết khó hiểu.

Đau nhất là dòng họ Y. (xin được giấu tên, họ, để tránh gây đau lòng) trong thôn. Theo bà K., dòng họ này mất mát quá lớn. Toàn trai đinh, trai trưởng, trụ cột trong gia đình, trong họ bị chết bất đắc kỳ tử. Những người chết đều ở tuổi 30-40, khỏe mạnh, làm ăn khấm khá, thậm chí giàu có.

Hiện tại, chỉ còn mỗi trai đinh trong dòng họ này là anh V., con trưởng ông G., cháu trưởng ông cả X. Dòng họ này thực sự đang sống trong lo sợ, hoang mang. Chẳng biết “lưỡi hái tử thần” có tha mạng cho anh này không, khi đã cướp đi của họ quá nhiều mạng sống.


Đám cải táng của một người họ Y. làng Vân Gia mất 3 năm trước.

Người đầu tiên chết kỳ lạ, cũng là con trưởng của dòng họ Y, là anh Văn Tr. Anh Tr. chết vào ngày 22-3-2008.

Hôm đó, làng cạnh có việc dựng nhà, vướng cây dừa, nên nhờ anh Tr. sang đốn hạ giúp. Anh Tr. vốn khỏe mạnh, xốc vác, đốn cây rất giỏi, nên mọi người hay nhờ, rồi tặng anh số củi đó.

Bình thường, anh Tr. leo cây như sóc. Anh chỉ nhảy phốc vài cái là lên tận ngọn cây cau bé xíu đung đưa theo gió, chứ nói gì cây dừa thấp tè này.

Thế nhưng, vừa trèo lên độ 2m, anh rơi cái phịch xuống đất. Cú ngã của anh thật quá đơn giản, trẻ con cũng chẳng việc gì. Thế nhưng, mọi người lay mãi anh không dậy, chỉ thở phì phò. Hãi quá, mọi người đưa anh đi viện, nhưng không kịp nữa, anh đã tắt thở tự lúc nào.


Vào "ngày đen tối" không ai dám đi đâu xa.

Trong con mắt của dân làng, cái chết của anh Tr. là sự đen đủi, là vận hạn giời ơi đưa đến. Âu cũng là bài học để dân làng rút kinh nghiệm, chẳng nên leo trèo nữa.

Trăm ngày anh Tr. chưa đến, thì một sự việc đau lòng lại diễn ra với họ Y., đó là cái chết của em M.

Hôm tôi lang thang ở chùa Viên Quang, cũng gặp chị L. là mẹ M. Người phụ nữ gầy còm, khắc khổ kia chẳng nói được lời nào. Tôi cứ định hỏi, chị lại chực ứa nước mắt.

Sắp đến “ngày đen tối”, chị lại sắm lễ ra chùa, cầu mong thánh thần bảo vệ, nâng đỡ linh hồn con trai và cả gia đình chị. Sự mất mát với chị là quá lớn.

M. là đứa con cực kỳ ngoan hiền, được học hành tử tế dưới Hà Nội. Thương bố mẹ, nên hôm đó M. tranh thủ từ Hà Nội về giúp bố mẹ gặt lúa.

Bố mẹ dậy từ sớm, trong khi M. vẫn còn ngủ. Thương con, không nỡ làm mất giấc ngủ của con, nên người mẹ chỉ lay nhẹ con dặn rằng: “Lát nữa con dậy thì nhớ ăn sáng, rồi ra đồng thồ lúa về giúp bố mẹ”. M. dạ vâng rồi tiếp tục ngủ.


Cứ nghĩ đến đứa con, chị L. lại đau xé lòng.

Vợ chồng chị L. gặt đến khi mặt trời đã đứng bóng, mà vẫn không thấy M. ra. Nghĩ con bị ốm, nên vợ chồng tự chất lúa lên xe, rồi chồng thồ, vợ đẩy về nhà.

Về đến nhà, vẫn thấy cổng cài, cửa khóa. Gọi không thấy con đâu, chị L. kéo khuy cổng và đẩy cửa. Chị đã rú lên, rồi lăn đùng ngất xỉu, khi chứng kiến cảnh con mình treo cổ chết trên khung hoa cửa sổ.

M. dùng dây điện của ấm nước buộc lên khung hoa cửa sổ, rồi quàng cổ vào dây. M. chết treo cổ trong trạng thái chân vẫn dẫm dưới đất.

Bố M. hoảng hồn hạ con xuống, làm hô hấp nhân tạo nhưng không kịp nữa rồi. M. đã chết từ lâu, mặt mày thâm tím. Khi đó, M. chưa đầy 23 tuổi.

Cái chết của em M. khiến cả làng náo động. Đến bây giờ, vợ chồng chị L., cả dòng họ, làng Vân Gia vẫn không hiểu vì sao M. lại tự tử. Vợ chồng chị L. chẳng mắng con bao giờ, cậu con cũng không bệnh tật, rất hiếu thảo với cha mẹ. M. cũng chưa yêu ai, nên không vướng bận chuyện tình cảm. M. ra đi tức tưởi, không để lại một lời nào, khiến gia đình hết sức đau lòng.

Cái chết ly kỳ của em M. vào đúng ngày 22, đúng một tháng sau cái chết lãng xẹt của ông chú Văn Tr. khiến dân làng bắt đầu bàn tán rỉ rả.


Chị L. khấn vái thánh thần phù hộ cho vong linh con trai.

Khi người dân còn đang bàn tán về cái chết của em M. và ngày 22 định mệnh, thì đúng một tháng sau, tức ngày 22-5, trong làng xảy ra hai vụ chết chóc, gồm cái chết của anh C. (40 tuổi) và anh Đ. Văn P. (30 tuổi).

Anh C. là cháu trưởng của cụ R. trong dòng họ Y. Anh C. mắc bệnh đã lâu nhưng lại chết đúng vào ngày 22, cũng tạo nên sự lạ. Còn anh P. chẳng bệnh tật gì, chỉ uống mấy chén rượu, bỗng lăn đùng ra chết đúng vào ngày đó, thì quả là gây chấn động.

Cơn thịnh nộ mang tên “ngày đen tối” tiếp tục kéo sang ngày 22-6-2008 âm lịch với cái chết của anh Y. Văn D.

Cái chết của anh D. vô cùng đáng tiếc và đau lòng. Anh D. là cháu trưởng của họ Y. trong thôn. Anh là thợ tay nghề cao, chuyên sửa chữa máy xúc, máy kéo. Có tay nghề cao, nên hễ xe ủi, xe xúc ở đâu hỏng nặng, người ta lại phải nhờ vả anh.

Hôm đó, con gái nhờ bố chở xuống Hà Nội ôn thi đại học, vì vừa tốt nghiệp PTTH. Anh đã thoái thác con vì không muốn ra đường đúng vào ngày 22. Khi đó, dân làng đã bắt đầu rì rầm về cái “ngày đen tối” này, vả lại những cái chết liên tiếp đổ lên đầu dòng họ anh, nên anh cũng thấy hãi. Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành, cứ ở nhà cho chắc ăn.

Thế nhưng, mặt trời vừa ló khỏi rặng tre, thì có một chiếc xe sang trọng đỗ ở ngõ. Hóa ra, đó là một khách hàng quen, nhờ anh xuống Hà Nam sửa gấp cho chiếc máy xúc. Nghĩ đến ngày 22, anh chẳng muốn đi, nhưng vì là chỗ quen biết, mà công việc của họ đang bức xúc, họ lại lên tận nơi đón, nên anh chẳng thể thoái thác.

Trên xe có tài xế và 3 người nữa, anh D. tranh ngồi ghế sau và giữa xe. Anh nói vui: “Họ tớ trai đinh chết hết rồi, tớ ngồi giữa xe cho chắc ăn”.

Thế nhưng, “lưỡi hái tử thần” đã nhắm anh rồi, nên không thể thoát được. Khi xe đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, thì một chiếc xe tải cướp đường đã đâm vào một xe khác, tiếp tục đụng vào giữa chiếc xe con mà anh D. ngồi.

Cú đâm khá mạnh, khiến xe móp méo, nhưng cả 4 người trên xe chỉ bị thương nhẹ, còn anh D. thì thương rất nặng. Anh đã chết trên đường đưa đi cấp cứu. Bệnh viện kết luận anh bị vỡ tim.

Cái chết tức tưởi của anh D. vào đúng ngày 22 liên tiếp đã khiến dân làng sợ hãi đến tột đỉnh. Cho đến tận bây giờ, cứ vào ngày đó, dân làng lại không dám ra đường nữa, để tránh tai nạn giao thông.

Thế nhưng, không chết vì tai nạn giao thông, chết ngã cành cây, thì lại chết bất đắc kỳ tử, không rõ nguyên nhân. Nhiều trường hợp cứ tự dưng lăn đùng ra chết, đang ngủ cũng chết, và người ta chỉ có thể đổ cho nguyên nhân cái chết đó là cảm.

Bà K., cán bộ thôn 6 kể rằng, cứ đến “ngày đen tối”, ra đường chẳng thấy đàn ông, con trai. Chỉ có phụ nữ bưng lễ lên chùa, cầu xin tử thần tha mạng cho những người đàn ông trong nhà. Nhiều người sợ hãi, cứ nằm trên giường, thậm chí trùm chăn kín mít, cầu khẩn thời khắc ngày 22 qua đi thật nhanh.

(Theo VTC News)