Người dân ở ngôi làng Vân Gia, Sơn Tây, Hà Nội đã phải trải qua những tháng ngày kinh hoàng khi mấy chục người làng bỗng dưng chết bất đắc kỳ tử dù chẳng bệnh tật, ốm đau gì. Người chết thiệt mạng, nhưng người sống cũng run rẩy không yên…


TIN BÀI KHÁC

Câu chuyện tôi nghe từ một người bạn người Sơn Tây, hoàn toàn chỉ là tin đồn. Theo lời anh bạn, người dân ở đây đã phải sống trong những ngày tháng kinh hoàng khi đêm đêm nơm nớp không biết khi nào bị quỷ thần lấy mạng. Những cái chết dồn dập, những lời đồn thổi về việc "thánh thần" nổi giận... bắt nguồn từ câu chuyện cách đây đã 3 năm. Nhưng mỗi lần nhắc đến, người dân trong làng lại thảng thốt hoang mang...

Vân Gia là làng cổ, nằm ngay sát đền Và nổi tiếng, thờ thánh Tản. Thật ra cái tên cổ Vân Gia bây giờ không còn được dùng trong các văn bản hành chính nữa bởi từ khi lên phố, làng Vân Gia đã được chia nhỏ ra thành 4 thôn (còn gọi là đội, gồm thôn 5, 6, 7, 8).

Tìm hiểu chuyện đã làm mọi người hoang mang, sợ hãi trên, đến làng cổ này, người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Phùng Văn Tuấn, Trưởng thôn 8. Ông Tuấn từng là sĩ quan quân đội, khi rời quân ngũ về quê, ông tham gia công tác ở nhiều vị trí trong chính quyền địa phương. Nghỉ hưu từ năm 2007, ông được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Có lẽ, trước khi nhận làm cái chức “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, ông Tuấn cũng chẳng thể ngờ mình lại phải đối mặt với nhiều nguy nan tới vậy.

Vồn vã pha nước mời khách nhưng khi chúng tôi hỏi đến chuyện "thánh vật thần hành" kia từng gây xôn xao dư luận kia thì bỗng dưng ông khựng lại. Ngập ngừng một hồi thì ông buông một câu cũng đầy vẻ sầu bi ảo não: “Tôi từng làm trong ngành tuyên huấn của quân đội, cùng làm tuyên truyền như anh ấy. Việc xì xào mà anh nghe được là có thật đấy. Tôi là người trong cuộc nên tôi rất biết chuyện này. Chính họ tôi cũng là nạn nhân đây. Có 3 năm mà trong họ chết đến 6 người. Trong số ấy thì 5 người chết trẻ! Kinh hãi lắm!”.

Theo lời ông Tuấn, chuyện khởi nguồn từ năm 2007, đúng khi ông nghỉ hưu, về làm trưởng thôn 8, thôn có ngôi chùa cổ Vân Gia tọa lạc (còn gọi là Viên Quang tự). Ngôi chùa này nằm trong quần thể đền Và nổi tiếng. Chùa Vân Gia nằm trên đỉnh một quả đồi hình bát úp, thế rồng chầu voi phục, bên trái là khu dân cư, bên phải là gò đất nhỏ có đầm nước trong (thủy tụ minh đường).

Chỉ cần phác qua vài nét bề ngoài trên cũng đủ thấy, người xưa đã chọn lựa rất kỹ về mặt phong thủy khi quyết định lấy đất trên làm nơi bái phật. Bởi truyền thống văn hóa lâu đời, bởi sống giữa chốn linh thiêng nên người dân Vân Gia sống hiền hòa, ấm cúng, yên ả từ bao đời nay.

Thế nhưng, thời gian qua, theo ông Tuấn, không hiểu vì lý do gì, tai ương đã liên tiếp trút xuống ngôi làng thanh bình này. Theo ông Tuấn đến bây giờ, người dân Vân Gia vẫn cho rằng nguyên nhân của hàng loạt cái chết bí ẩn khiến mọi người kinh hãi thời gian qua chính là do một số hộ dân trong làng đã đào đất ở gần chùa Vân Gia, khiến long mạch vùng đất thiêng này bị ảnh hưởng.

Và, chính bởi phạm đến “ngài” nên “ngài” trút xuống đầu dân làng cơn lôi đình khủng khiếp. Buồn thảm thay sự kiện đau lòng ấy lại rơi đúng vào thời gian ông làm trưởng thôn. Không biết có phải vì lẽ đó hay vì điều gì nữa mà gia đình, dòng họ ông phải chịu nhiều đắng cay, mất mát.

Theo ông Tuấn thì vào đầu năm 2007, những hộ dân sống ở ven quả đồi nơi chùa Vân Gia tọa lạc đã đào đất phía ta luy dương để bán. Thực ra chuyện đào đất đồi bán đã xuất hiện từ đầu năm 2004, thế nhưng năm 2007, khi địa phương tiến hành xây dựng sân bóng ở ngay cánh đồng đối diện chùa thì việc khoét núi mới diễn ra rầm rộ. Để có đất lấp cánh đồng trũng, người ta đã đào cả vài nghìn xe đất từ đồi chùa. Khi đó, biết việc đào bới trên sẽ phá vỡ cảnh quan vốn tồn tại từ lâu đời của mảnh đồi chùa nhưng chẳng ai có thể ngăn cấm. Những hộ dân trên chỉ “khai thác tài nguyên sẵn có” trên trong phần đất của gia đình mình. Khi sân vận động hoàn thành thì cũng là lúc mảnh đất đồi chùa bị cắt vạt một góc sâu hoắm, chỉ chừa lại một bờ ta luy mỏng như người ta đắp tường rào.

Ông Tuấn và bản cuốn "sổ tử" do ông ghi chép trong quãng thời gian kinh hoàng.
Ngay khi việc khai thác đất trên được tiến hành, cảnh yên ấm của làng Vân Gia, đặc biệt ở hai thôn 6 và 8 (nơi chùa Vân Gia tọa lạc) đã không còn nữa. Không hiểu vì lý do gì những chuyện tai ương, chết chóc cứ liên tiếp xảy ra. Lúc đầu, dân làng chỉ coi đó là chuyện không may, chuyện thiệt thòi của những gia đình đến thời mạt vận. Thế nhưng, một thời gian sau, số người chết tăng lên đột biến, người này nối tiếp người kia cứ bất thình lình “rủ nhau” về… bên kia thế giới thì mọi người thấy lạ, thấy sợ và cuống cuồng đi tìm lời giải cho những cái chết bí hiểm đó.

Ông Tuấn kể, những ngày đó, dân làng ông nháo nhác như ong vỡ tổ, như kiến vỡ đàn. Trong nỗi đau đớn tột cùng bởi mất người thân còn có nỗi sợ hãi vô hình bởi những cái chết đó mang nhiều bí ẩn với những sự trùng hợp lạ kỳ. Suốt một thời gian dài, cứ đến một ngày cố định dù có giữ gìn, có cẩn trọng tới đâu thì trong làng vẫn phải có một người… “đi”. Những người được “thánh thần”… chỉ mặt gọi tên đó có thể bị tai nạn giao thông, bị tai nạn lao động, thậm chí do sợ hãi chẳng ra khỏi nhà cũng tự dưng lăn quay ra chết. Điều trùng hợp là những người xấu số đó đa phần là con trưởng, trai đinh.
Mặt tiền chùa Vân Gia.
Thôn 8 khi đó có hơn 200 hộ, thế nhưng từ nửa cuối năm 2007 đến giữa năm 2008 có tới hơn chục người chết và tính tới thời điểm hiện tại thì số người nhắm mắt xuôi tay đã là 25 người. Theo ông Tuấn thì từ trước đến nay chưa có khi nào làng có đông người chết đến vậy.

Người làng vốn gắn bó, hễ nhà ai có việc lớn nhỏ thì tất thảy mọi người đều xắn tay vào giúp. Thêm nữa, là trưởng thôn, ông Tuấn có trách nhiệm đứng ra tổ chức ma chay cho người xấu số. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông Tuấn bảo, việc ấy khiến ông vô cùng mệt mỏi. Đám này chưa xong đã phải lo tiếp đám kia. Thậm chí, có bận, chiếc xe tang chưa người này ra ngoài đồng chưa kịp đánh về đã có gia đình khác hốt hoảng, khổ đau chạy đến đăng ký. Họ nhận phần bởi sợ người khác tranh mất. Tang tóc là việc trọng, theo phong tục thì việc chôn cất phải được xem xét giờ giấc kỹ lưỡng, cẩn trọng. Thế nên, giờ “thân xác về đất, linh hồn về trời” đã định mà không có xe tang thì nguy khốn lắm.

Họ nhà ông Tuấn cũng không thoát khỏi vòng xoáy tai ương đó. Giọng thểu não, ông Tuấn bảo: “Họ tôi cũng chết liên tiếp 6 người. Trong đó có 5 người là chết trẻ. Kinh hãi lắm các anh ạ! Người ở làng chết đã đành, người đi xa cũng không thoát khỏi bàn tay của thần chết!”. Ông Tuấn kể, khi đó, ở làng, thấy cảnh người vô cớ chết mỗi lúc một đông, nhiều người đã chọn giải pháp là… lẩn trốn. Họ đi làm ăn xa, càng xa càng tốt những mong cái chết bất ngờ bởi “không gian cách trở” mà không tìm tới mình. Thế nhưng, sự trốn chạy đó là vô ích.

Ông Tuấn có một người cháu sinh năm 1979 công tác tận thành phố Hồ Chí Minh, làm cho ngành trắc địa. Cái chết bất thình lình của người cháu ấy đến bây giờ ông vẫn chẳng thể lý giải. Cháu ông là người khỏe mạnh, không có bất cứ bệnh tình gì trầm trọng. Thế nhưng, không hiểu vì sao, hôm đó, đang ở công ty, cháu ông bỗng dưng đột tử. Tin cháu ông mất được chuyển về giữa lúc dân làng đang hoang mang bởi những cái chết bất thường diễn ra như ngả rạ ở làng khiến ai cũng thất kinh, thảng thốt. Thân xác cháu ông được chuyển về qua đường hàng không, mọi người đón bằng nước mắt đầm đìa, bằng sự khiếp đảm, hoảng loạn.

Người cháu ấy vừa chôn cất, mộ chưa xanh cỏ thì một tin dữ khác lại được chuyển về còn rùng rợn hơn gấp bội. Một người cháu khác của ông đi xuất khẩu lao động mãi tận Mã Lai, cũng bỗng nhiên chết bất đắc kỳ tử ngay tại nơi ở trọ. Rơm rớm nước mắt, ông Tuấn bảo, người cháu này ngoan lắm, ông rất quý, rất yêu. Vậy mà ông không được nhìn mặt cháu lần cuối trước khi nó nhắm mắt lìa đời. Người cháu này trước đây đi bộ đội. Hết quân ngũ, anh được tỉnh đoàn giới thiệu đi lao động ở nước ngoài. Trước khi đi, anh mang bao hoài bão về một tương lai rạng ngời, vậy mà…

Đón con cháu về bằng “hòm gỗ cài hoa”, người nhà ông Tuấn chết lịm. Khi đó, không chỉ họ ông mà cả làng đều tim đập chân run bởi một ý nghĩ: “Thánh thần đã chọn, đã chỉ mặt gọi tên thì dù người làng có ở bất cứ nơi đâu trên cõi dương gian này thì “ngài” cũng “vật chết”, lôi về cho kỳ được!”.
Nửa quả đồi nơi người dân đào bán đất giờ đã sâu hun hút.
Cảnh tang tóc khi đó đến giờ ông Tuấn vẫn không thể nào quên được. Đi đâu người ta cũng chỉ bàn tán những chuyện rùng rợn, thảm thương đến thối cả ruột gan. Khi đó, chẳng ai muốn làm ăn gì, cứ quẩn quanh với nỗi sợ hãi mỗi lúc một lớn thêm lên. Khu ông Tuấn ở có đường dẫn ra nghĩa địa. Những ngày ấy, cả khu cứ đóng cửa im ỉm. Ai cũng sợ mở cửa ra thì tà khí của người xấu số “bay” vào nhà mình.

Khi những cái chết cứ chồng chất, cứ liên tiếp diễn ra, các cơ quan đoàn thể ở địa phương cũng như… ngồi trên chảo lửa. Ông Tuấn kể, đầu tiên là Hội người cao tuổi của làng vào cuộc. Chọn ngày đẹp, dân làng làm lễ rồi lũ lượt kéo nhau lên Đền Và, khẩn cầu đức Thánh Tản dang tay che chở. Buổi cúng lễ ấy có tới hơn 40 người tham gia, mặt ai cũng thảm thương, ủ dột. Tuy nhiên, việc ấy chẳng giải quyết gì, tai ương vẫn không ngừng tiếp diễn, người vẫn nối người xô nhau về cõi vĩnh hằng. Lúc đó, bởi nghĩ cứu mình trước khi… giời cứu, dân làng mạnh ai người ấy đi tìm thầy tướng, thầy cúng để cầu mong sự bình an đến với mình. Và, tất thảy những thày tướng cao tay đó đều khẳng định, đất của làng bị động, long mạch của làng đang có vấn đề. Thế nhưng, giải hạn, giải tai ương đó bằng cách nào thì chẳng ai biết. Nhiều thầy được mời về làng, nhưng ngó ngược nhìn xuôi đều lắc đầu nguầy nguậy nói là không làm được, không cứu được dù có trả bao nhiêu tiền đi nữa.

Trong cơn hoảng loạn, mọi người bỗng chợt nhớ tới một cao tăng đã ra tay cứu dân ở làng Nghĩa Phủ (làng nằm ngay cạnh Vân Gia) chừng gần chục năm về trước. Vị cao tăng đó là hòa thượng Thích Phúc Trí, khi đó đã trên 90 tuổi, trụ trì chùa ngàn tuổi Mễ Trì Thượng (còn gọi là Thiên Trúc tự) ở Hà Nội.

Mọi người nhớ tới vị cao tăng này là bởi thuở trước, khi trùng tu đền Nghĩa Phủ, người ta đã đắp thêm hai pho tượng hộ pháp nửa chìm nửa nổi (kiểu phù điêu) ở ngay trước cổng đền. Cũng ngay sau việc làm đó, dân Nghĩa Phủ hơn chục người bỗng dưng lăn ra chết. Toàn người trẻ, chết chẳng rõ can do. Hoảng kinh, bởi mối thâm tình, người làng Nghĩa Phủ đã xuống Hà Nội đón hòa thượng lên làm lễ trấn, yểm. Tới nơi, hòa thượng làm phép và bảo dân làng dỡ bỏ hai ông hộ pháp trước cửa đền đi thì ngay tức khác nạn khỏi tai qua. Đúng như lời hòa thượng phán, ngay sau khi dỡ bỏ hai pho tượng trên thì làng không còn cái chết bất ngờ nào nữa....

(Theo Bưu điện Việt Nam)