Rất nhiều cụ già ở Đà Nẵng cho rằng, chắc chắn phải có một kho vàng người Pháp còn chôn giấu trên núi Chúa - Bà Nà, vì thời trước người Pháp làm vàng rầm rộ lắm...

>>>Bí mật “kho vàng” trên núi Chúa - Bà Nà

TIN BÀI KHÁC

Trong hành trình đi tìm gốc tích người đã viết bức thư về “kho vàng” núi Chúa gửi Ngô Đình Diệm, chúng tôi tiếp xúc nhiều bậc cao niên ở các địa phương Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Liên... Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Rất nhiều cụ già đều cho rằng, chắc chắn phải có một kho vàng người Pháp còn chôn giấu trên núi Chúa - Bà Nà, vì thời trước người Pháp làm vàng rầm rộ lắm. Cách mạng tháng 8-1945, lực lượng khởi nghĩa đã thu được số lượng vàng rất lớn ở Bà Nà. Thật bất ngờ, chúng tôi đã gặp được người từng có thời gian làm việc với ông Cao Đắc Ẩn và trực tiếp nghe ông Ẩn kể về chuyện đi làm vàng và chôn vàng trên núi Chúa...

Nhân chứng này là ông Lê Văn Tất (1933, hiện trú thôn Vân Dương 1, Hòa Liên, Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Đã bước sang tuổi 78, nhưng ông Tất vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn lắm. Hằng ngày, ông vẫn dùng vốn kiến thức, đặc biệt là về Hán Nôm được học ngày xưa, đi sưu tầm, khảo cứu, nghiên vứu về văn hóa dân gian, phục vụ cho quê hương, làng xóm. Ông đã có nhiều nghiên cứu được viết dưới dạng báo chí đăng ở các Báo Đà Nẵng cuối tuần, Tạp chí Xưa và Nay... Ông Tất bảo, chuyện về ông Ẩn tham gia chôn giấu vàng trên núi Chúa cho người Pháp, ông đã được ông Ẩn kể cho nghe 2 lần vào năm 1955 và 1957. Tưởng không ai còn quan tâm đến chuyện đó nữa, ai ngờ bây giờ lại có báo chí đến hỏi chuyện, ông sẵn sàng kể lại chi tiết câu chuyện.

Năm 1955, ông Tất mới 22 tuổi, đang học Đệ tứ (khoảng lớp 7 bây giờ), thì trường bị đóng cửa, ông buộc phải về quê sinh sống. Hồi đó đang là thời gian cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, ông Tất cũng muốn ra Bắc để được tiếp tục học tập, nên đã nhiều lần định tìm cách vượt ra Bắc nhưng đều không thành. Các anh cán bộ cách mạng tại địa phương khuyên ông Tất nên kiếm việc làm để khỏi bị địch bắt đi lính, mẹ ông cũng khuyên ông nên đi làm để có tiền tiếp tục đi học.

Vậy là nhân dịp có đám thợ mộc trong làng Vân Dương đang làm nhà cho ông Bốn Ẩn (ông Cao Đắc Ẩn) tại thôn An Ngãi Tây, ông liền đến xin làm phụ việc. Ông Tất và mọi người lúc đó đều biết ông Ẩn, vì ông nổi tiếng là người đã có một thời dẫn Tây đi làm vàng ở sông Vàng và dẫn Tây đi trốn khi cách mạng tháng 8-1945. Ông Ẩn lúc đó khoảng 60 tuổi, tướng mạo rất đẹp, nhưng chân đi rất khó nhọc, ông có nhiều vợ, nhưng không thấy bà nào cả. Từ năm 1935, ông đã dẫn một kỹ sư người Pháp đi làm vàng ở phía Tây núi Chúa - Bà Nà. Ông được người Pháp rất tin cậy, giao cho nhiều công việc...

Ông Lê Văn Tất - người được nghe ông Cao Đắc Ẩn kể chuyện đi chôn vàng cho Pháp năm 1945

Hằng ngày làm việc ở nhà ông Ẩn, ông thường kể chuyện thời ông vượt rừng đi làm vàng, giúp người Pháp ở mỏ vàng sông Vàng cho mọi người nghe. Xong việc làm nhà, mãi đến năm 1957, ông Tất mới gặp lại ông Ẩn và lần này ông Ẩn lại kể chuyện cùng Pháp làm vàng ở sông Vàng. Lần này ông Ẩn kể, vào tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, công trường làm vàng ngừng hoạt động, trả lương cho nhân công trở về quê. Là người thân tín, ông Ẩn được ở lại lo dọn dẹp, cất giấu lương thực, phương tiện...

Đến tháng 8-1945, Việt Minh giành chính quyền, người Pháp lo đi trốn. Ông Ẩn được giao nhiệm vụ tìm chỗ cất giấu vàng. Ông Ẩn không kể cụ thể với ông Tất là chôn giấu bao nhiêu vàng, ở đâu?, chỉ kể ông là người vác một hũ vàng miếng, ước chừng nặng 35kg, bỏ than củi vào đầy, đậy nắp kỹ lại vác đi cất giấu. Chỗ chôn giấu là một vạt đất, cách nơi đóng trại làm vàng khoảng 100m. Nơi ấy rừng rậm, toàn lau sậy, gần một khe suối... Ông Ẩn kể với ông Tất chuyện dài lắm, nhưng đại ý là như thế, rồi ông Ẩn rủ ông Tất có dịp ghé lại nhà chơi, ý là cùng ông hôm nào đi tìm chỗ giấu vàng trên núi Chúa. Nghe vậy, nhưng ông Tất lúc đó cũng không thiết tha gì đến chuyện “kho vàng” mà ông Ẩn kể, vì ông đã có hướng chuẩn bị vào Sài Gòn tiếp tục đi học và kiếm công ăn việc làm.

Đường lên Bà Nà thời Pháp thuộc.
Câu chuyện về việc ông Ẩn trực tiếp tham gia chôn giấu vàng cho người Pháp trên núi Chúa, ông Ẩn không chỉ kể với một mình ông Tất mà còn kể cho nhiều người khác thân thiết với ông, có người ông kể chôn trên 100kg, có người ông kể hơn thế nữa... Ông Tất cho biết, những người trực tiếp được nghe ông Ẩn kể chuyện chôn vàng bây giờ đa phần đã tuổi cao, có người đã mất, hiện chỉ còn vài người như ông Hai Hào (đã trên 80 tuổi, sống tại thôn Vân Dương 2, Hòa Liên) cũng là người biết chuyện...

Sau năm 1957, ông Tất vào Sài Gòn đi học và làm ăn luôn trong đó, sau này tuổi cao mới trở về quê, nhưng chuyện ông Cao Đắc Ẩn viết thư gửi Ngô Đình Diệm về kho vàng, rồi chuyện ông Dư Phước Thuận có tờ trình gửi Ngô Đình Diệm ông đều biết, ông Thuận thời đó là dân biểu, ứng cử tại đơn vị Hòa Vang, thường về hạt An Ngãi Tây để tiếp dân, hoạt động tranh cử, nên gửi giùm thư của ông Ẩn cho Ngô Đình Diệm. Còn chuyện Ngô Đình Cẩn làm đường, thì thực ra không phải là làm đường mới từ Bà Nà đi Bạch Mã, mà là sửa lại đường từ Hòa Sơn đi Bạch Mã, con đường này đi qua làng An Lợi (Suối Mơ), Hòa Ninh ngày nay, nay là đường ĐT601.

Bà Nà, nơi còn lưu nhiều câu chuyện thực hư về kho vàng mà người Pháp chôn giấu.
Trong quá trình đi tìm gốc tích ông Cao Đắc Ẩn - tác giả bức thư gửi Ngô Đình Diệm, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện rằng, trước và sau giải phóng năm 1975, thỉnh thoảng cũng có nhiều người lạ đến địa phương để dò hỏi về tung tích một “kho vàng” nào đó trên núi Chúa - Bà Nà, thậm chí có người còn mang theo bản đồ để dò tìm? Tuy nhiên, đây có lẽ là những câu chuyện suy đoán, không có cơ sở... Và như vậy, câu chuyện về “kho vàng” mà ông Cao Đắc Ẩn đã nêu trong thư gửi Ngô Đình Diệm và ông đã kể với ông Tất cùng nhiều người khác đến nay vẫn là điều chưa thể khẳng định được.

Với những gì thu thập được, chúng tôi không khẳng định có “kho vàng” trên núi Chúa - Bà Nà, bởi nếu ông Ẩn là người trực tiếp chôn giấu vàng thì tại sao ông nhiều lần quay lại tìm mà không xác định được vị trí? Vậy nên, bài viết là một sự gợi mở đến các cơ quan, ngành chức năng trong nghiên cứu, xác thực tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, vì nếu tài liệu chưa được xác minh và những đồn thổi trong dư luận đôi khi sẽ tạo ra những “điểm nóng” không đáng có.

(Theo Công an Đà Nẵng)