- Thông tin Hà Văn Pẩu (xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) - kẻ tâm thần ăn thịt trẻ con cách đây 3 năm được trả lại địa phương đang làm người dân và cả chính quyền hoang mang.

TIN BÀI KHÁC


Hà Văn Pẩu, kẻ đã giết hại và ăn thịt cháu Hoàng Thị D. năm 2008 vừa trở về địa phương sau 3 năm điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Điều này đã khiến gia đình và hàng xóm vô cùng kinh hãi.

Gia đình ruồng bỏ

Ngày 11/10/2011, Hà Văn Pẩu được Bệnh viện Tâm thần TƯ phối hợp với TAND tỉnh Lạng Sơn đưa về trụ sở UBND xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan và giao cho địa phương tiếp nhận, quản lý. Chính quyền địa phương đã mời gia đình lên nhận Pẩu về. Tuy nhiên, cả anh Hà Văn Đoàn và Hà Văn Xuôi (anh, em trai của Pẩu) đều từ chối nhận Pẩu về nhà. Theo anh Xuôi, gia đình họ suốt ngày lam lũ ngoài đồng, rồi lại lên rừng, không có thời gian để canh giữ, nuôi dưỡng Pẩu.

Pẩu sắp về làng, người dân kinh hãi, cơ quan chức năng lúng túng (Ảnh: Tienphong)

Trao đổi với PV VietNamNet sáng nay (22/11), ông Hà Văn Hải – Phó chủ tịch UBND xã Đồng Giáp cho biết: Việc Pẩu trở về làng quả thật khiến gia đình và người dân hoang mang. Thêm vào đó thông tin từ người thân, Pẩu không chỉ giết hại và ăn thịt cháu D. mà còn hiếp dâm cả một số người thân trong gia đình càng khiến dân làng kinh hãi. Dân làng không ai bảo ai nhưng họ đều không dám đi đâu trời tối, nhà cửa lúc nào cũng cửa đóng then cài. Mặc dù chính quyền địa phương đã rất nhiều lần vận động gia đình tiếp nhận Pẩu nhưng đều vô ích, bởi họ cho rằng, nó chỉ làm khơi gợi nỗi đau chưa thể nguôi của gia đình, làng xóm.

Kể từ khi Pẩu trở về làng bệnh tình của Pẩu cũng chẳng khá hơn, đêm đêm nghe tiếng chó sủa Pẩu cũng cất tiếng sủa theo, càng làm cho người dân hoảng hốt, kinh sợ. Ai dám chắc, vụ án giết người ghê rợn năm xưa không có khả năng tái hiện. Cuối cùng, giải pháp tạm thời được đưa ra, chính quyền xã phối hợp với cơ quan chức năng đã đưa Pẩu trở lại Bệnh viện Tâm thần TƯ. Nhưng phía bệnh viện cũng chỉ đồng ý tiếp nhận Pẩu 2 tháng.

Cơ quan chức năng lúng túng


Vụ việc càng trở lên căng thẳng khi mà thời gian Pẩu điều trị 2 tháng ở Bệnh viện Tâm thần TƯ cận kề hết hạn. Ai là người tiếp nhận Pẩu? Pẩu cư trú ở đâu? Ai đảm bảo việc Pẩu đã khỏi hoàn toàn về không làm kinh động tới gia đình và người dân?

Ông Hoàng Văn Thuật – Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Văn Quan, Lạng Sơn cho biết: "Thực sự vấn đề này đang khiến chúng tôi đau đầu và rất lúng túng chưa biết giải quyết ra sao. Sắp tới, bệnh viện thì trả về, gia đình ruồng bỏ, cứ đẩy ra xã hội như vậy quả thật rất khó giải quyết".

Theo ông Thuật, về chính sách, chế độ, phòng đã làm đúng theo Nghị định 67 về chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội; cũng đã chi hơn 10 triệu đồng để hỗ trợ tiền thuốc men, đi lại khi đưa Pẩu đi chữa trị tại bệnh viện tâm thần. Hiện, phương án cuối cùng mà phòng đưa ra là xây cho Pẩu một căn nhà nhưng lại gặp phải một rào cản, ai sẽ chăm nuôi Pẩu. Ai canh chừng Pẩu?. Nếu xây nhà rồi nhốt Pẩu vào đó là vi phạm pháp luật, nhưng nếu không xích, không có người chăm nom thì có xây 10 căn nhà như thế cũng không giải quyết được vấn đề.

Ông Thuật nói rõ, vấn đề ở đây thuộc phạm trù đạo đức, cơ quan chức năng đã tạo mọi điều kiện có thể nhưng gia đình vẫn từ chối Pẩu. Việc này phải có sự kết hợp tốt giữa gia đình và cơ quan chức năng chứ một mình phòng cũng không thể giải quyết được tận gốc.

Sắp tới thời hạn Bệnh viện Tâm thần TƯ trả Pẩu về. Mặc dù chưa khỏi bệnh nhưng bệnh viện cũng chỉ đồng ý tiếp nhận Pẩu nốt lần này. Hiện tại phòng cũng chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể cho vấn đề này. Nếu thời gian tới, Pẩu về mà không ai tiếp nhận thì cũng chỉ còn cách... thả Pẩu ở đầu làng” -  ông Thuật nhấn mạnh.
Cũng trong chiều 22/11, chúng tôi đã liên hệ đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Giang - Chánh văn phòng Sở cho biết: Sở đã biết thông tin về vụ việc, đang họp bàn và sẽ sớm đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất.

Mẫn Chi